Thứ Ba, 1/10/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 9/8/2008 18:20'(GMT+7)

Điểm Bưu điện Văn hoá xã: Nhìn lại một chặng đường 10 năm!

Việc triển khai xây dựng hệ thống điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) trên phạm vi cả nước là một chủ trương lớn của ngành Bưu điện nhằm cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đến với 76% cư dân vùng nông thôn, góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội khu vực nông thôn, làm cho người dân được hưởng lợi ích của các dịch vụ Bưu chính, Viễn thông mà sự nghiệp đổi mới của Đảng ta đã mang lại.

Một mô hình gần gũi với người dân

Có thể nói, người có công lớn trong việc đặt viên gạch đầu tiên để VNPT xây nên hệ thống điểm BĐVHX ngày nay là nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá. Hồi đó, khi đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT,  trong những lần đi thị sát ở vùng sâu vùng xa, ông đã nhận thấy người dân ở đây tiếp cận với thông tin thật khó khăn. Thông tin trao đổi của người dân ở những vùng quê ấy hầu hết là nhờ dịch vụ thư của bưu chính. Trong khi ấy, một lá thư gửi đi đến được tay người nhận có nhanh thời gian phải tính bằng tuần, thậm chí có khi phải hàng tháng. Rất hiếm khi họ có điều kiện tiếp cận với sách báo.

Ông kể, mỗi lần về quê là một xã thuần nông của huyện Mỹ Đức - Hà Tây, ông thường mang báo cũ về cho người bán nước ở đầu làng. Lần sau về thấy những tờ báo này vẫn được giữ gìn cẩn thận, ông rút ra một kết luận, nhu cầu đọc của người dân quê là có và đã nảy ra ý định phát triển một điểm kinh doanh dịch vụ kết hợp với những sắc thái văn hóa nông thôn. Chính vì vậy, trong số rất nhiều cơ hội chọn lựa, ông đề xuất tên của mô hình là "điểm BĐVHX" chứ không phải là một cái tên nào khác và đã được ngành Văn hóa, Thông tin lúc đó ủng hộ ngay.

Mục tiêu của điểm BĐVHX là nhằm phát triển cơ sở hạ tầng Bưu chính, Viễn thông phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn, tạo sự công bằng trong việc hưởng thụ những lợi ích của các dịch vụ Bưu chính, Viễn thông. Điểm BĐVHX cũng góp phần phát huy các nguồn lực cho phát triển văn hoá, đáp ứng một số nhu cầu văn hóa thiết yếu của người dân, từ đó tạo lập thị thường Bưu chính, Viễn thông rộng khắp và vững chắc ở nông thôn.

Tiêu chí để xây dựng điểm BĐVHX được xác định rất rõ ràng: ưu tiên những xã chưa có bưu cục phục vụ, đã có điện lưới quốc gia, có khả năng lắp đặt điện thoại và được chính quyền địa phương cấp đất tại các vị trí thuận tiện cho vic đi lại sử dụng dịch vụ và đọc sách báo của nhân dân.

Những thành công...

Sau 10 năm triển khai, tính đến hết năm 2007, VNPT đã quyết định đầu tư xây dựng 8.355 điểm BĐVHX với tổng vốn đầu tư là 564 tỷ đồng, tổng vốn mua sắm trang thiết bị ban đầu là 80,2 tỷ đồng, đưa vào sử dụng 8.021 điểm trong đó có 1.524 điểm thuộc các xã đặc biệt khó khăn, tổng diện tích đất được cấp 1.137.268 m2, trung bình 185m2/điểm. Các Bưu điện tỉnh, thành phố có số điểm BĐVHX đưa vào sử dụng nhiều nhất là Thanh Hoá 565 điểm, Nghệ An 398 điểm, Hà Tây 264 điểm, Phú Thọ 239 điểm, Thái Bình 232 điểm; Hà Tĩnh 227 điểm, Nam Định 198 điểm, Hoà Bình 192 điểm, Bắc Giang 186 điểm, Hải Dương 187 điểm.

Trước năm 1998 khi chưa có hệ thống điểm BĐVHX, cả nước chỉ có 3.000 bưu cục tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, bình quân cứ 25.500 người và trên diện tích 110 km2 mới có 1 bưu cục phục vụ, người dân nói chung và bà con nông dân vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi, dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông. Việc đầu tư và đưa vào sử dụng hơn 8.000 điểm BĐVHX thời gian qua đã tạo nên một hệ thống mạng lưới điểm phục vụ bưu chính viễn thông rộng khắp với 18.941 điểm phục vụ trên toàn quốc. Diện tích phục vụ bình quân rút xuống chỉ còn là 17,5 km/điểm, số dân phục vụ bình quân là 4.500 người/điểm, tương đương với chỉ tiêu của các nước trong khu vực.

Chương trình phát triển điểm BĐVHX đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% số xã có máy điện thoại vào năm 2005, đồng thời hình thành kênh cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích phục vụ vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, điểm BĐVHX còn là nơi phục vụ nhân dân đến đọc sách báo miễn phí nhằm giúp người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận với thông tin tri thức, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần ở nông thôn.

Sách báo, tạp chí tại ĐBĐVHX được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. VNPT cấp cho mỗi điểm một số sách báo ban đầu với kinh phí 1,5 triệu đồng và được bổ sung hàng năm 0,5 triệu đồng bằng nguồn kinh phí của VNPT. Chính phủ, các Bộ, Ngành, Tổ chức, Đoàn thể và cá nhân đã cấp miễn phí, ủng hộ hoặc tổ chức quyên góp gửi tặng sách báo, tạp chí cho các ĐBĐ-VHX. Tính đến nay có tổng số 65 ngàn tờ, cuốn được trang cấp cho  8.021 Điểm, đạt số đầu sách, báo bình quân là 375 tờ, cuốn/Điểm.

Từ năm 2003, VNPT đã triển khai dự án đưa Internet về vùng nông thôn giai đoạn I cho các điểm BĐVHX, với tổng vốn đầu tư 35 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp là 16 tỷ đồng, để trang bị 1 máy tính kết nối Internet qua dial-up (qua đường dây điện thoại) cho 1.800 Điểm, trang bị 2 máy tính kết nối Internet qua ADSL cho 200 Điểm. Ngoài ra các Bưu điện tỉnh, thành phố còn tự triển khai kết nối truy cập Internet cho trên 800 ĐBĐVHX bằng nguồn vốn phân cấp của đơn vị, nâng tổng số ĐBĐ-VHX có kết nối Internet lên 2.865 Điểm.

Phát triển điểm BĐVHX còn góp phần tạo công ăn việc làm cho các lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Hệ thống điểm BĐVHX trong 10 năm xây dựng và phát triển được đánh giá đã hình thành mạng lưới phục vụ các dịch vụ Bưu chính Viễn thông cơ bản và các hoạt động sinh hoạt văn hoá bổ ích, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người dân khu vực nông thôn. Năm 1999, điểm BĐVHX đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) đánh giá là nơi giữ gìn và phát huy văn hoá đọc, và công nhận là một trong hai sự kiện văn hoá nổi bật của năm.

Những khó khăn và hướng đi tiếp theo

Qua 10 năm phát triển, mô hình điểm BĐVHX cũng đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc làm hạn chế hiệu quả trong kinh doanh, phục vụ như: Chí phí sửa chữa, nâng cấp, đầu tư bổ sung một số hạng mục cho hệ thống điểm BĐVHX tăng nhanh do các điểm BĐ-HX đưa vào hoạt động thời gian đầu từ năm 2001-2002 trở về trước đã gần hết khấu hao, nhà cửa xuống cấp, các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước sạch hư hỏng cần sửa chữa; Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của ĐBĐVHX chậm lại và đang có xu hướng giảm do biến động của nhu cầu xã hội, hạch toán sơ bộ hàng năm hệ thống ĐBĐ-VHX còn phải bù lỗ nhiều...

Vì vậy, mục tiêu phát triển của Điểm BĐVHX trong giai đoạn mới đã được đặt ra: phải thực sự là một Trung tâm thông tin, truyền thông cộng đồng, cơ sở hạ tầng mới bên cạnh các thiết chế khác ở vùng nông thôn như Điện, Đường, Trường, Trạm, Nhà văn hoá, hợp thành một quần thể phục vụ nhân dân trong xã, cụm xã đến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và trao đổi thông tin kinh tế, thể thao, giải trí mua bán hàng hoá, hội họp,  sinh hoạt Đảng, Đoàn thể.

Bên cạnh đó, nhằm phấn đấu giảm dần mức bù lỗ của Nhà nước tiến tới năm 2013 hoạt động của các điểm BĐVHX cân bằng thu chi và bước đầu có lãi đang cần phải xây dựng một kế hoạch tổng thể để triển khai thực hiện theo định hướng cụ thể.

Thứ nhất, tiếp tục củng cố và làm mới lại cơ sở hạ tầng điểm BĐVHX hiện có nhằm nâng cao khả năng phục vụ các nhu cầu thiết yếu về thông tin và truyền thông cho khu vực nông thôn; Đồng thời nghiên cứu xây dựng điểm BĐVHX trở thành kênh phân phối bán lẻ không những các dịch vụ kinh doanh của VNPT mà cả dịch vụ của các tổ chức doanh nghiệp khác phù hợp với điều kiện hoạt động của điểm BĐVHX.

Thứ hai, phát huy lợi thế về đất đai và địa điểm của các điểm BĐVHX để xây dựng và phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông ở khu vực nông thôn như nhà trạm viễn thông, thiết bị truy nhập, đẩy mạnh việc đưa Internet băng rộng tới những nơi có tiềm năng kinh doanh để góp phần tăng doanh thu cả hệ thống.

Thứ ba, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp và có chương trình kế hoạch đào tạo và tái đào tạo đội ngũ nhân viên điểm BĐVHX, về kinh doanh, tiếp thị và ứng dụng tin học để đáp ứng được yêu cầu về triển khai các loại hình dịch vụ mới, nâng cao chất lượng phục vụ tại điểm BĐVHX.

Thứ tư, phối hợp với các Bộ, Nghành, tổ chức đoàn thể tạo sự liên kết ngang nhằm xây dựng những chương trình phối hợp, tài trợ cơ sở vật chất và kinh phí thường xuyên cho hoạt động của điểm BĐVHX. Xây dựng nhiều trang Web, nội dung phong phú phù hợp với bà con nông dân, phù hợp với đặc điểm vùng miền để phục vụ cho nhu cầu tra cứu tìm hiểu và học hỏi của mọi người dân ở khu vực nông thôn.

Thứ năm, hợp tác với các tổ chức cá nhân triển khai thí điểm mô hình khoán hoặc cho thuê dài hạn nhiều điểm trong một khu vực nhằm khai thác tối đa sự tham gia của quần chúng nhân dân trong tổ chức hoạt động kinh doanh và phục vụ của điểm BĐVHX.

(Nguồn:VN Media)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất