Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 11/4/2019 14:42'(GMT+7)

Điện ảnh Việt Nam được và mất gì sau 10 năm xã hội hóa?

Ban chủ tọa Tọa đàm sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018.

Ban chủ tọa Tọa đàm sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018.

Trong khuôn khổ giải Cánh Diều lần thứ 17 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, cuộc “Tọa đàm sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018”  đã cho thấy tổng thể diện mạo điện ảnh Việt Nam được gì mất gì  sau 10 năm xã hội hóa.

“Tọa đàm sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018” nhấn mạnh vào 3 vấn đề lớn của ngành điện ảnh Việt Nam:  Hiệu quả xã hội hóa sau 10 năm được và mất; Vai trò của nhà nước trong xu thế hiện nay; Đánh giá chất lượng của những bộ phim Việt doanh thu từ trăm tỉ trở lên.

Điện ảnh Việt có gì trong năm 2018

Thông qua 162 phim gửi tới tham dự giải Cánh Diều lần thứ 17, 4 nghệ sỹ điện ảnh đại diện cho hội đồng giám khảo phần nào tổng kết trong tọa đàm cái nhìn toàn cảnh về sáng tác điện ảnh trong năm 2018 dù chưa biết Cánh Diều vàng về tay ai.

Ở thể loại phim hoạt hình, ngoài đánh giá về những yếu tố được và chưa được của các tác phẩm tham gia, đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí, Trưởng ban giám khảo phim Hoạt hình nhấn mạnh về việc hoạt hình Việt Nam vẫn nằm ngoài dòng chảy xã hội hóa điện ảnh. 14 phim tham dự thì tất cả đều thuộc nhà nuóc, 12 phim của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, 1 phim của Hãng phim Giải phóng, 1 của VTV.

Ngoài ra, phim hoạt hình vẫn chưa có được những series dài tập và đầu ra hiện nay vẫn loay hoay bế tắc. Cho đến thời điểm này, việc có một bộ phim hoạt hình chiếu rạp vẫn là một câu chuyện xa vời.

Đạo diễn- NSND Lê Hồng Chương, Trưởng ban giám khảo phim Tài liệu- Khoa học chia sẻ niềm vui khi nhìn thấy trong một vài tác phẩm ở thể loại này đã “tiệm cận cách làm phim thế giới mà không mất đi cái riêng của mình”. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều phim vẫn dựa quá nhiều vào lời bình và thiếu kịch tính.

Phim tài liệu hiện đang là thế mạnh của các Đài truyền hình VTV, HTV, nhưng ngoài truyền hình phát sóng phim của truyềnh hình, thì phim tài liệu vẫn là trăn trở cho thề loại này ở đầu ra, vì không có rạp nào chiếu phim tài liệu truóc phim chính hay rạp riêng cho thể loại này.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, ủy viên Ban giám khảo phim truyện Truyền hình khá lạc quan khi cho rằng, tương lai dòng phim này sẽ trở lại quỹ đạo vốn có nếu nhìn vào 13 bộ phim được lựa chọn tham dự giải thưởng Cánh Diều 17.

13 phim là 13 màu sắc rất riêng, không bị một chiều theo kiểu được các nhà sản xuất bắt thị hiếu ưa thích. Ngôn ngữ phim trẻ trung hiện đại và thậm chí, có những phim là bữa tiệc về thị giác. Đó là tín hiệu khá lạc quan cho sự chuyển mình thay đổi tích cực ở thể loại này.

PGS- TS Trần Luân Kim, Trưởng ban giám khảo Phim truyện điện ảnh nhấn mạnh yếu tố “khán giả” trong tình hình chung hiện nay, qua tác phẩm của mình, các nhà làm phim đã cố gắng nâng giá trị phim, kéo gu thưởng thức của khán giả lên cùng “vì gu khán giả cũng nâng cao nên phim ăn khách bây giờ cũng là một tiêu chí đánh giá phim hay, khác với những năm về trước”.

Tuy nhiên, phim Việt vẫn còn khá nhiều nhược điểm như thiếu kịch bản hay, thậm chí có kịch bản nhiều tính tiết vô lý khiên cưỡng, chủ đề vẫn chỉ tập trung thỏa mãn khán giả, các phim vẫn chỉ đề cập vấn đề vụn vặt trong đời sống, các vấn đề bức xúc xã hội chưa có, thiếu tiếng cười châm biếm, thiếu giá trị văn học và văn hóa dân tộc…

Mảng Công trình Lý luận Phê bình Điện ảnh bao năm nay vẫn luôn rất thiếu và yếu, ở năm 2018 này, chỉ có 2 công trình, nhưng diều bù lại là cả hai đều có những giá trị riêng. Một là “Điện ảnh Việt Nam- Những dòng sông đều chảy” của nhà báo Trần Việt Văn, tập hợp những bài báo, là những lát cắt sắc ngọt “giải phẫu” diện mạo điện ảnh Việt trong khoảng 5 năm trở lại đây với những được- mất trong xu thế xã hội hóa, hội nhập…

Một là công trình tập thể “Joris Ivens với cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam”- Viện phim Việt Nam + Viện oris Ivens, là các bài viết về nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Joris Ivens khi ông sang Việt Nam làm phim tài liệu thời chiếtn tranh, góp phần lên tiếng phản đối chiến tranh ở Việt Nam với công chúng yêu hòa bình thế giới.

10 năm xã hội hóa điện ảnh Việt được gì mất gì?

Điện ảnh Việt sau 10 năm xã hội hóa có rất nhiều điểm tích cực. Nhất là nhìn vào những năm gần đây, khi các nhà sản xuất tư nhân bắt đầu tính làm phim mà không quá quan trọng tới việc thu hồi vốn, như “Song Lang”... Đó là những tác phẩm hướng tới giá trị nghệ thuật, tới bản sắc dân tộc và điều đó cần được khuyến khích, động viên.

6 hiện tượng của điện ảnh Việt trong năm 2018 mà “nhìn bằng con mắt nhân ái thì thấy vui”. Ngoài những con số thống kê tích cực về số lượng và chất lượng phim Việt tăng theo từng năm, khán giả kéo tới rạp tịnh tiến cũng như sự cạnh tranh công bằng của phim Việt với phim ngoại trong những năm gần đây là tín hiệu mừng cho những nhà sản xuất phim trong việc thu hồi vốn. Nhưng…

Nhà báo Đinh Trọng Tuấn, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội điện ảnh Việt Nam đánh giá chung về hiệu quả xã hội hóa điện ảnh sau 10 năm thực hiện. Tư nhân đã làm cho đời sống điện ảnh Việt sôi động, và ở chừng mực nào thì họ đã tạo nên gương mặt mới cho điện ảnh Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.

Nhưng điều khá buồn, trong cuộc tọa đàm, nhìn quanh không có một nhà sản xuất tư nhân nào có mặt, và đó cũng là lý do mà nhà biên kịch nhà lý luận phê bình điện ảnh Đoàn Tuấn đã khá thẳng thắn chua chát ví cuộc tọa đàm chỉ là “ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi”.

Đó cũng là thái độ chung của nhiều nhà sản xuất phim tư nhân ở Việt Nam sau 10 năm xã hội hóa, có rất ít phim mang hơi hướng nghệ thuật, hướng tới xây dựng văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam mà chỉ chạy theo lợi nhuận, doanh thu, thậm chí đôi lúc còn vì những thị hiếu thấp kém của khán giả làm ra những phim “nhảm” quá lố, hoặc bạo lực quá mức cho phép…Nhà nước có vẻ như ít quan tâm để thị trường thao túng thẩm mỹ khán giả (hay ngược lại khán giả thị hiếu thấp kém tạo nên thị trường).

Thực trạng đáng buồn về đầu ra của điện ảnh Việt hiện nay khi hệ thống rạp chiếu phần lớn nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài. Mặt khác, việc nhập phim nước ngoài ồ ạt không những đè bẹp nền điện ảnh Việt còn tạo nên thị hiếu, khẩu vị một chiều không chỉ cho khán giả Việt mà còn áp đặt lên chính tư duy,tư tưởng của các nhà làm phim tư nhân hiện nay.

Nhà biên kịch Hồng Ngát, từng ở vị trí quản lý trong ngành điện ảnh, đưa ra nhiều giải thích khá rõ về những bất cập trong việc nhập phim, khi thị hiếu điện ảnh Việt sau xã hội hóa khá nghèo nàn, chỉ dừng ở ba thể loại Hài, kinh dị và hành động. Mà hài thì ít sâu sắc, “nhảm” nhiều, kinh dị thì chẳng nhát ma được ai, lại có phần phản cảm, hành động thì cứ như một xã hội vô thiên vô pháp, chỉ có luật giang hồ…

Từ việc nhập phim ngoại theo thị hiếu, remake kịch bản cho đến đầu ra đều bị các công ty phát hành nước ngoài cầm trịch, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long cảm thán: “Thực tế của chúng ta là có nền điện ảnh cực kỳ lai căng cả truyền hình và điện ảnh… Chúng ta đang thể hiện phim ảnh bằng cách nhìn của người Hàn Quốc và với rạp chiếu trong tay họ, thành hay bại của chúng ta là do họ quyết định”.

Bà lấy ví dụ về việc tuyển phim chọn tham dự tuần phim Việt ở Hungary cách đây không lâu nhưng không thể thấy một tác phẩm điện ảnh nào mang tính thời sự của đất nước hay đậm chất dân tộc. Và cuối cùng, ngoài lựa được một hai phim ít ỏi hiện nay, ban tuyển chọn đã phải tìm những phim từ rất lâu như “Mùa len trâu” để tham dự.

Việc trống vắng những phim về đề tài chiến tranh, phim lịch sử, những phim về hiện thực nóng bỏng của xã hội cũng như những phim kích thích lòng yêu nước, phim nghệ thuật hướng tới giá trị tâm hồn…, cho thấy sự thiếu hụt, hay chính là cái “mất” khi xã hội hóa điện ảnh Việt.

Việc được- mất trong điện ảnh Việt, chính là vai trò quan trọng của nhà nước trong dòng chảy xã hội hóa điện ảnh hiện nay. NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh: “Một mục tiêu chung: Một nền điện ảnh Việt phát triển. Hãy đừng phân biệt nhà nước và tư nhân nữa, mà hãy gọi đó là điện ảnh Việt Nam”.

Hãy từ những cái “được”, dần định hướng lại thước đo cho các nhà làm điện ảnh Việt, trong đó có tư nhân, cần khuyến khích những bộ phim có giá trị nghệ thuật, hướng tới giá trị nhân văn, bản sắc dân tộc, để có một nền Điện ảnh Việt Nam khỏe mạnh, chất lượng cao./.

Theo VOV.VN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất