(TG) - Lao Xả Phình, là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn thuộc huyện vùng cao huyện Tủa Chùa (Điện Biên), song với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn thức ăn từ tự nhiên, nơi đây rất thích hợp cho phát triển chăn nuôi gia súc như Trâu, bò, ngựa, dê...
Với đặc điểm tự nhiên của xã vùng cao chủ yếu là đồi trọc, núi đá vôi, xã có diện tích tự nhiên 5.023,42 ha, trong đó Diện tích rừng tự nhiên là: 1.693,694 ha, có 55ha ruộng nước, 442ha ngô, 35ha lúa nương, đậu tương cả năm 50ha… Đất sản xuất chủ yếu chỉ làm được một vụ, năng xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nếu thời tiết không thuận lợi dẫn đến mất mùa và người dân thiếu đói 5 đến 7 tháng/năm là thường; đời sống người dân nới đây gặp rất nhiều khó khăn, diện tích sản xuất ít, bạc màu khó canh tác; người dân không có khả năng tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chưa biết sử dụng vốn vay hoặc có vay nhưng sử dụng kém không hiệu quả, người dân chưa biết phát huy thế mạnh từ đất rừng và đất đồi.
Cấp ủy, chính quyền xã nhận thấy: Xã có tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn thức ăn từ tự nhiên rất thích hợp cho phát triển chăn nuôi gia súc như Trâu, bò, ngựa, dê... Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa các giống cây trồng như: Cây Tông Dù, cây Sơn Tra, giống ngô, lúa lai... vào sản xuất thì phát triển chăn nuôi đại gia súc cũng là một trong những hướng đi giúp nhân dân trên địa bàn xã vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Ông Lý A Chu, Chủ tịch UBND xã Lao Xả Phình, cho biết: Nhằm giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, sự giúp đỡ trách nhiệm, hiệu quả của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, cùng với sự tích cực phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể của huyện để tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo ngay trên quê hương mình. Xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ký kết ủy thác vay vốn qua các ngân hàng để hỗ trợ người dân mua con giống phát triển chăn nuôi, vận động nhân dân đầu tư vốn tập trung vào chăn nuôi gia súc, dần xóa bỏ tập quán thả rông; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn mở tại huyện về chăn nuôi...
Nhiều hộ dân đã chuyển hướng sang chăn nuôi gia súc, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, toàn xã có 495 con trâu, 130 con bò gần 100 con ngựa, 375 con dê (mỗi năm, số đàn trâu, bò, dê tăng từ 4 - 5%).
Chăn nuôi gia súc để xóa đói giảm nghèo được xem như một hướng đi đúng của chính quyền và nhân dân xã Lao Xả Phình trong thời gian tới. Ngoài chú trọng phát triển về số lượng, xã cũng quan tâm đến chất lượng đàn trâu, bò, dê...
Công tác vận động nhân dân chăm sóc tốt đàn gia súc, chủ động phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh, dự trữ thức ăn, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng, trị bệnh, đặc biệt các bệnh như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng... Thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi, để người dân biết cách chăm sóc đàn gia súc, chủ động phòng tránh dịch, bệnh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển các mô hình chăn nuôi, phù hợp với điều kiện của gia đình.
Chọn hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc để xóa đói giảm nghèo ở Lao Xả Phình thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đều theo các năm, nếu năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo là 75,6%, năm 2013 là 72,07%, thì năm 214 qua kết quả điều tra sơ bộ ban đầu tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 66,5% mỗi năm giảm từ 3 đến gần 6% số hộ nghèo. Năm 2011 cả xã chưa có thôn nào đạt tiêu chuẩn Thôn văn hóa, thì năm 2014 đã có 3/6 thôn đạt Thôn văn hóa
Ông Nguyễn Vân Chương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Với trách nhiệm được phân công giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, nhận thấy những lợi thế về đất đai, nguồn thức ăn tự nhiên thích hợp cho phát triển chăn nuôi gia súc nên đã giúp xã Lao Xả Phình số tiền 105.000.000 đồng làm vốn luân chuyển hỗ trợ cho 15 hộ nghèo mua Trâu, bò sinh sản và tạo sức kéo, hiện đã phát triển được 19 con. Theo sự định hướng của Ban Tuyên giáo, với điều kiện tự nhiên nơi đây và nguyện vọng của người dân, thời gian tới sẽ luân chuyển vốn này sang cho các hộ nghèo khác chăn nuôi Dê sinh sản và thương phẩm
Để chăn nuôi gia súc thực sự trở thành hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người dân, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã Lao Xả Phình, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng quy hoạch vùng. Đồng thời, vận động nhân dân làm chuồng trại cho gia súc bảo đảm phòng, chống rét cho trâu, bò, ngựa, dê… trong mùa đông, từ chăn nuôi gia súc sẽ tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, đưa chăn nuôi gia súc trở thành chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.
Khánh Toàn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên