Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 6/12/2014 10:15'(GMT+7)

Diễn đàn Ðối tác phát triển Việt Nam năm 2014

Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)

Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)

Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; các chuyên gia kinh tế; các đối tác phát triển của Việt Nam; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; cộng đồng DN trong nước và nước ngoài.

Với chủ đề "Cải cách thể chế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam", VDPF 2014 tập trung thảo luận hai chủ đề: Cải cách thể chế kinh tế thị trường để nâng cao sức cạnh tranh; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và tự chủ. Trong vòng hơn hai thập kỷ qua, các nhà tài trợ, nay là các đối tác phát triển quốc tế đã cam kết cho Việt Nam vay hơn 80 tỷ USD vốn ODA, trong đó hơn một nửa đã được giải ngân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Kể từ năm 2013, sau 20 năm là quốc gia nhận tài trợ, Diễn đàn Ðối tác phát triển Việt Nam, thay cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG). Ðây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mạnh của Việt Nam, từ một quốc gia nhận tài trợ trong 20 năm qua, đã trở thành quốc gia đối tác phát triển. Tại diễn đàn, đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong năm 2014. Kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi tăng trưởng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Những nỗ lực của Chính phủ đã cải thiện môi trường kinh doanh rõ rệt. WB đánh giá, Việt Nam đã tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn so với các nước có cùng trình độ phát triển, trở thành quốc gia có tốc độ gia tăng GDP đầu người nhanh thứ hai trên thế giới trong suốt 20 năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã lắng nghe và trực tiếp đối thoại về nhiều vấn đề liên quan quan điểm, biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, Diễn đàn VDPF đã tư vấn chính xác khi đưa ra các khuyến nghị đúng hướng giúp Chính phủ có những chính sách phù hợp, hiệu quả nhất. Qua đây, các bộ, ngành phải xem xét lại, không chỉ chú trọng về số lượng mà cả chất lượng về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là tỷ trọng vốn cổ phần hóa của DN. Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, nhất là cải cách thể chế kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chủ đề diễn đàn phù hợp trọng tâm chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, năm 2014, Việt Nam phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình phức tạp ở Biển Ðông, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực, và đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Bằng sự nỗ lực phấn đấu của mình, sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tăng cường đối ngoại hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh... Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, sự phát triển này chưa tương xứng tiềm năng, mong muốn, cần phải nỗ lực nhiều hơn, quyết liệt, hiệu quả hơn và Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện điều này.

Ðể hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2015, Thủ tướng nêu lên sáu nhóm giải pháp quan trọng, gồm: tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường, huy động mọi nguồn lực bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân theo Hiến pháp, cải thiện môi trường kinh doanh để giúp người dân, DN phát triển, nhất là các DN tư nhân; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chủ động kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, giữ ổn định đồng tiền Việt Nam và tăng dự trữ ngoại tệ; chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký, nỗ lực kết thúc đàm phán các FTA mới nhằm thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện tốt hơn tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống tham nhũng.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn, hoan nghênh những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, thiết thực và quý báu của các đại biểu tham dự. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ghi nhận những ý kiến đóng góp để hoàn thiện những thể chế chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ thời gian tới. Chính phủ Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế, cả về tư vấn chính sách, kỹ thuật, hỗ trợ nguồn lực. Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ để phát triển nhanh và bền vững.

 

Theo NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất