(TG) - Ngày 3/11, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề “Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023”. Diễn đàn nhằm triển khai thực hiện các chủ trương và chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến nay Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ở vị trí khiêm tốn về thu nhập bình quân đầu người cũng như chuyển đổi công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ mang lại những lợi ích to lớn và lâu dài.
Đề cập đến nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh đến vấn đề nguồn lực tài chính và con người trong triển khai kế hoạch nhằm đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹpvà phải ứng phó với nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể, chúng ta đã có ban hành 02 chiến lược tăng trưởng xanh và ban hành kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng đã xây dựng khung phổ pháp lý, thể chế để tạo điều kiện khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh, trong đó có vấn đề về cơ chế ưu đãi. Chính phủ cũng đã phê duyệt các quy hoạch rất quan trọng, trong đó có Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số. Những kết quả này mới là bước khởi đầu và cơ hội, thách thức phía trước vẫn còn rất nhiều, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra bốn nhóm mục tiêu cơ bản như tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Điểm nổi bật nhất là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đã khẳng định rất rõ giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh.
|
Quang cảnh diễn đàn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà các nhà khoa học đều đánh giá rằng, mục tiêu của Việt Nam đưa ra vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thu hút các nguồn lực, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và đạt phát thải ròng “bằng 0” vào năm 2050. Quá trình chuyển đổi xanh, trong đó ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng, chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch các loại hình công nghệ mà cả nền kinh tế. Đối với thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh thì việc huy động nguồn lực, chuyển dịch năng lượng công bằng, giảm phát thải sẽ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, khí nhà kính, tăng trưởng kinh tế bền vững.
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là sự kiện quan trọng, nhằm góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp chính sách mang tính then chốt, đột phá trong tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Diễn đàn cũng thảo luận những vấn đề còn hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ; cũng như nhận diện và xác định đúng nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, bất cập hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp chính sách để khắc phục hạn chế và thách thức hiện nay, tận dụng cơ hội của bối cảnh mới để chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình xanh hóa nền kinh tế.
Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 đã nhận được 20 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như sau:
Kinh nghiệm thực hiện tăng trưởng xanh và giảm phát thải ở một số quốc gia trên thế giới; Thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam, tập trung vào thể chế, chính sách, khơi thông huy động nguồn lực tài chính, thị trường các-bon, chuyển dịch năng lượng xanh và các nguồn năng lượng mới; Các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh hiện nay; Những sáng kiến điển hình về mô hình Khu công nghiệp sinh thái, tuần hoà, kinh tế xanh ở khu vực doanh nghiệp. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm trong Phiên tham luận chuyên đề và Phiên trao đổi và thảo luận bàn tròn giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp,…về các vấn đề liên quan để hiện thực khát vọng xanh hoá nền kinh tế của Việt Nam.
Theo đó, trên cơ sở các tham luận khoa học và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi các Bộ, ngành, cơ quan liên quan./.
Thành Định