Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời và được Đảng và Nhà nước xác định là ngành công nghiệp mang tính “xương sống”, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số nhóm ngành như như cơ khí khuôn mẫu, cơ khí công nghệ cao, máy móc thiết bị, phụ tùng…
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng; dụng cụ ôtô và phụ tùng ôtô. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho phát triển CNHT ngành cơ khí.
Cụ thể, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp (DN) điển hình trong lĩnh vực ôtô như: VinFast, Thành Công, Thaco…
Cục Công nghiệp thông tin thêm, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu cho sản xuất ôtô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng, và khoảng 10% cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, dù dư địa của ngành là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 8 năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí” ngày 31/8, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, hiện con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.
Qua làm việc thực tế, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho hay, khách hàng nước ngoài nhận diện nhiều hạn chế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Trong đó, kỹ năng tìm kiếm khách hàng hạn chế; chưa có mặt hàng truyền thống; không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng; ngại thay đổi quy mô sản xuất và hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, ông Nguyễn Chỉ Sáng nhấn mạnh doanh nghiệp cơ khí Việt Nam còn tồn tại một số điểm yếu “kinh niên”, như: Cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, vật tư phụ thuộc vào Trung Quốc; doanh nghiệp chưa nắm vững các điều khoản quy định về luật thương mại của một số thị trường như EU, Mỹ, châu Phi…
“Với những khó khăn đó, chúng tôi đề xuất Thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, nhất là về cung cấp thông tin thị trường”, ông Nguyễn Chỉ Sáng nói.
Đồng thời, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đề xuất thêm, Bộ Công Thương cần hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong ngành với các nhà mua hàng nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các kênh thương mại điện tử; hỗ trợ tổng hợp số liệu và nhu cầu thị trường. “Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các diễn đàn, hội thảo, chương trình xúc tiến thương mại quốc tế; đào tạo cho doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, quy định thương mại ở thị trường nước ngoài. Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài có nhiều hoạt động hơn nữa hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí Việt Nam ra thị trường nước ngoài”, ông Nguyễn Chỉ Sáng nêu.
Về phía Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VASI Trương Thị Chí Bình thông tin cho biết, năm nay, thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30-40%. Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó là nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, hiện thị trường mới, tiềm năng của sản phẩm cơ khí Việt Nam phải kể tới là UAE. Đây là thị trường dễ tiếp cận do không có nhiều tiêu chuẩn phức tạp, giá lại tốt. Hoa Kỳ cũng đang là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu sản phẩm cơ khí của Việt Nam. "Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh toán tại thị trường UAE, còn thị trường Hoa Kỳ dù nhu có cầu lớn nhưng đòi hỏi cao. Do vậy rất cần sự hỗ trợ từ thương vụ để doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, đáp ứng được các yêu cầu từ đối tác", bà Bình kiến nghị.
Đại diện cho doanh nghiệp cơ khí địa phương, đồng chí Đinh Hồng Quân, Phó Chủ tịch thường trực, Hội các Doanh nghiệp Cơ khí tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hầu hết có quy mô nhỏ, khả năng nhìn nhận cơ hội, kết nối với đối tác rất hạn chế. Bắc Giang cũng là điểm hấp dẫn doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp này được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, đất đai nên tạo áp lực cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Hội các Doanh nghiệp Cơ khí Bắc Giang hiện có 40 doanh nghiệp thành viên cùng các đối tác đã chế tạo được thiết bị tiên tiến sử dụng trong lĩnh vực thuỷ điện, điện gió, lò đốt rác… Để phát huy thế mạnh này, ông Đinh Hồng Quân đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc Hội tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại liên quan đến các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, “các Sở, ngành địa phương phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng và khai thác diện tích đất trong và ngoài cụm công nghiệp. Khi đã giao đất, cho thuê đất, đồng thời cho doanh nghiệp tự chủ sản xuất, kinh doanh chỉ cần đảm bảo các điều kiện theo Luật Doanh nghiệp và báo cáo chủ Sở quản biết. Có chính sách phù hợp với doanh nghiệp FDI để tăng tỷ lệ nội địa hoá theo tỷ lệ phần trăm nhất định”, ông Đinh Hồng Quân đề nghị thêm.
Xây dựng chiến lược xuất khẩu phù hợp với từng thị trường
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng,Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York cho biết, lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, nhất là ngành sản xuất ô tô. Xu hướng thời gian tới trong lĩnh vực cơ khí của Hoa Kỳ đó là áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất xe điện, đặc biệt là tập trung sản xuất sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường.
Bên cạnh là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, Hoa Kỳ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, các sản phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy; ô tô, phụ tùng ô tô. Như vậy, hiện còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường; có các chứng chỉ về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tuỳ theo từng ngành, sản phẩm cụ thể. Mặt khác, doanh nghiệp cần sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, hài hoà tiêu chuẩn quốc tế; tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu. "Thương vụ sẽ đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm cơ khí tiếp cận thuận lợi thị trường Hoa Kỳ”, ông Hùng nói.
Thông tin về thị trường Philippines, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết, Philippines hiện đang là thị trường khá tiềm năng đối với sản phẩm cơ khí của Việt Nam do quốc gia này đang có nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chủ chốt như khai khoáng, đóng tàu, điện lạnh, điện gia dụng, giao thông vận tải. Thời gian tới, để thâm nhập thị trường Philippines thành công, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thị trường, marketing cụ thể. “Thương vụ sẽ thông tin về hội chợ triển lãm, tổ chức các đoàn nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, hỗ trợ về pháp lý; xây dựng CLB các doanh nghiệp Việt Nam - Philippines để kết nối giảm chi phí cần thiết cho doanh nghiệp xuất khẩu”- Đồng chí Phùng Văn Thành cho hay.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí đang chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh thông tin, Nhật Bản hiện đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, doanh nghiệp cơ khí của Nhật Bản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lâu đời, chủ của doanh nghiệp này muốn chuyển giao tuy nhiên ở đất nước có tỷ lệ già hoá dân số việc này tương đối khó khăn nên có định hướng sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác sản xuất. “Những cam kết ở tầm vĩ mô giữa hai nước giúp Việt Nam có lợi thế trong thu hút nguồn đầu tư từ Nhật Bản”, đồng chí Tạ Đức Minh cho hay.
Dù có nhiều cơ hội, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng chỉ ra một số thách thức, đó là cơ khí của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như thép và nhôm công nghệ cao… là điểm yếu cho phát triển ngành. Vì vậy, trong thời gian tới Thương vụ kiến nghị doanh nghiệp cơ khí trong nước cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng năng lực sản xuất để có thể gia công sản phẩm có giá trị cao và bình đẳng hơn với doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó tăng thêm cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông tin về thị trường Séc, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thuỷ, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà Séc cho biết, ngành công nghiệp cơ khí của Séc chuyên nghiệp, hiện đại và quy mô, có mức độ số hoá cao. Séc có khả năng sản xuất trong nước các sản phẩm hoàn chỉnh, nhất là ô tô, máy bay, tàu thuỷ, tàu hoả… Thế mạnh sản phẩm cơ khí của Séc là có chất lượng quốc tế và rẻ…
“Ngành cơ khí của Séc vừa hiện đại vừa truyền thống nên có nhiều cơ hội hợp tác, đặc biệt Séc coi Việt Nam là đối tác quan trọng, do vậy doanh nghiệp Việt Nam có nhiều khả năng tiếp cận, hợp tác với đối tác Séc”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Séc thông tin. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa, nhà sản xuất Séc đã tối ưu hoá và giảm thiểu thời gian chết, vì vậy đầu tư sản xuất trực tiếp để có thể hiện diện tại Séc hoặc hợp tác với đối tác Séc để sản xuất tại Việt Nam là hình thức hợp tác hiệu qủa.
Lý giải những kiến nghị của hiệp hội tại Hội nghị, đồng chí Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, cho hay: Thời gian qua, Cục Công nghiệp đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho ngành cơ khí, nhất là xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp triển khai hoạt động nâng cao năng lực của doanh nghiệp, như tổ chức các hoạt động đào tạo tư vấn viên. Lực lượng tư vấn viên này sau khi được đào tạo đã về địa phương và lan toả kiến thức này cho các doanh nghiệp trong nước.
Từ năm 2019, Cục Công nghiệp đã tiếp tục nâng cấp chương trình cải tiến năng lực của doanh nghiệp trong nước theo xu hướng hiện nay. Từ năm 2021-2023, dự kiến tổ chức cải tiến năng lực cho 50 doanh nghiệp trong nước đạt tiêu chuẩn nhà máy thông minh. Về phía doanh nghiệp FDI, Cục đã phối hợp triển khai 2 chương trình tiêu biểu như đào tạo kỹ sư khuôn mẫu và tham gia kết nối. Liên quan kiến nghị của các hiệp hội về việc mở rộng đối tượng, quy mô tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành quan trọng. Lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh sẽ nghiên cứu và có hoạt động triển khai phù hợp trong thời gian tới.
Chính sách phù hợp, khơi thông đầu ra xuất khẩu cho ngành cơ khí
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Do thách thức liên quan đến địa chính trị, thiên tai bão lũ… từ đầu năm tới nay, nhất là quý I/2023, xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với chính sách phù hợp, sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, kết quả xuất nhập khẩu thời gian gần đây tháng sau khả quan hơn tháng trước.
Tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước, 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 8 năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho hay, Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức hàng tháng với chủ đề cụ thể đã tăng tính hiệu quả cho hoạt động này. Tương tự, hội nghị giao ban tháng 8 với chủ đề “Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí” đã tập trung bàn giải pháp phát triển xuất khẩu cho sản phẩm quan trọng trong nền kinh tế.
"Với những ý kiến của các hiệp hội được truyền tải qua sự kiện ngày hôm nay, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp cần tăng cường tận dụng thông tin được cung cấp, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghiệp sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tiếp cận sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
TG