Chủ Nhật, 8/12/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Năm, 2/11/2023 18:23'(GMT+7)

Tăng cường hợp tác châu Âu - Việt Nam để thúc đẩy các sáng kiến xanh

Các đại biểu tham gia Phiên họp toàn thể - Diễn đàn Kinh tế xanh 2023, ngày 2/11 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham gia Phiên họp toàn thể - Diễn đàn Kinh tế xanh 2023, ngày 2/11 tại Hà Nội.

VIỆT NAM ỦNG HỘ MẠNH MẼ CÁC CHIẾN LƯỢC, SÁNG KIẾN VÀ CHÍNH SÁCH TRONG PHÁT TRIỂN XANH CỦA CHÂU ÂU

Tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 - phiên toàn thể cấp cao với chủ đề "Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh" diễn ra ngày 2/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu nhấn mạnh, sau Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2022, Diễn đàn năm nay tiếp tục khẳng định quyết tâm và sự ủng hộ của châu Âu với sự phát triển xanh của Việt Nam.

Người đứng đầu Chinh phủ Việt Nam đánh giá, quan hệ Việt Nam và EU đang rất tốt đẹp, đạt nhiều bước tiến lớn về hợp tác trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - EU phục hồi và tăng trưởng tốt bất chấp khó khăn do COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng; tính bổ trợ, đan xen lợi ích ngày càng chặt chẽ, nhất là từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại ASEAN; EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác tin cậy, quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của mình; thông tin về các định hướng lớn trong chính sách phát triển, đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam, những nét lớn về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài trong bất kỳ trường hợp nào.

Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài. Đơn cử, nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương đã mở ra xu hướng đầu tư xanh tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế xanh và kinh tế số có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này.

Tuy nhiên, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, do đó Chính phủ Việt Nam mong EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh; mong các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tăng cường đầu tư tại tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng chiến lược, triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải để góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới…

VIỆT NAM KHÔNG THỂ ĐI MỘT MÌNH

Phát biểu tại Diễn đàn này, đại diễn Lãnh đạo Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Việt Nam không thể đi một mình khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của EU trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn.

Theo đại diện Bộ Công thương Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành những định hướng chiến lược phù hợp cho phục hồi, phát triển của nền kinh tế và xa hơn là phòng ngừa rủi ro của cả khu vực công và tư nhân, bởi tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với mũi nhọn là ngành công nghiệp xanh, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao; đồng thời, thể hiện những nỗ lực của các chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Vì vậy, giảm phát thải khí nhà kính, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững là chìa khoá thành công cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững…

Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá… Các định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đang được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể cùng với các phương án huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và bên ngoài nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, địa phương, người dân và doanh nghiệp….

Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của EU trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững, đặc biệt với sự ra đời của Thoả thuận xanh của EU vào năm 2020 cùng hàng loạt các chính sách và sáng kiến hướng tới các khu vực như: Chiến lược hợp tác với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cổng kết nối toàn cầu..., trong đó Việt Nam là đối tác ưu tiên hợp tác của EU trong các lĩnh vực như năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng...

Đại diện Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới... EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN; tính riêng về xuất khẩu, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.  Đây là những tín hiệu đáng mừng và sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời là cơ sở để hai bên  hoàn toàn có thể tin tưởng vào sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác kinh tế, thương mại hai bên trong thời gian tới với đòn bảy từ EVFTA và tới đây là EVIPA, đưa mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU lên tầm cao mới với nhiều dư địa trong các lĩnh vực “xanh”, “số” và “đổi mới sáng tạo”. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy các cơ hội để hai bên bên cùng chia sẻ tầm nhìn, tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác, “xanh hoá” từ ý tưởng đến hành động nhằm cùng góp phần kiến tạo một tương lai xanh hơn, tươi đẹp hơn và bền vững hơn./.

Trần Vũ Linh - Phạm Đình Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất