Thứ Bảy, 28/9/2024
Thể thao
Thứ Ba, 23/12/2008 21:39'(GMT+7)

Điền kinh Việt Nam và SEA Games 25: Cơ hội mới cho tổ chạy ngắn

Nếu được đầu tư mạnh mẽ, các VĐV Việt Nam có thể lấy huy chương cự ly ngắn ở SEA Games.

Nếu được đầu tư mạnh mẽ, các VĐV Việt Nam có thể lấy huy chương cự ly ngắn ở SEA Games.

Cú đột phá đáng kỳ vọng

Lần đầu tiên, Việt Nam có một VĐV chạy 100m chỉ hết 10"24 và Nguyễn Văn Huynh (Quân đội) là tác giả của chiến tích ấy. Và cho dù kết quả đó chỉ tại một sân chơi không chuyên và dựa trên đồng hồ bấm tay (tương đương 10"48), thì nó cũng rất đáng để kỳ vọng. Kỳ vọng ở chỗ chẳng phải bao giờ tổ chạy ngắn của điền kinh Việt Nam mới làm được điều tương tự, vì lâu nay, các cự ly ngắn ở khu vực đều do người Thái Lan hoặc người Indonesia thay nhau thống trị.

Có được một tài năng đang bước vào độ chín như vậy, điền kinh Việt Nam lại có thêm cơ hội tranh chấp các ngôi cao ở SEA Games 25. Hẳn nhiên, đây không phải là điều quá viển vông hay chúng ta đang phóng đại khả năng của Nguyễn Văn Huynh (23 tuổi) ở tương lai. Thực tế đã chỉ ra rằng, Huynh chạy rất ổn định trong 2 năm vừa qua và bây giờ mới là thời điểm VĐV này sung sức nhất để tạo nên cú đột phá mới.

Năm 2006, Huynh từng đạt tốc độ tốt nhất 10"45. Hai năm sau, thành tích ấy được cải thiện đáng kể và ở nhiều giải gần đây, Huynh chạy ổn định ở thời gian 10"41 đến 10"50. Giả sử, năm nay là năm diễn ra SEA Games 25, Huynh sẽ nằm trong 3 hạng đầu cự ly 100m với thành tích như vừa qua. Tiếc rằng, “điểm rơi phong độ” của Huynh lại bộc phát sớm. Nhưng rõ ràng, cái sự “sớm” ấy đã mở ra cơ hội mới cho tổ chạy ngắn Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ tập huấn chủ yếu trong nước, ít có cơ hội thi đấu và tập huấn quốc tế, Huynh đã làm được chuyện khó. Nếu ngay từ bây giờ, Huynh và nhiều gương mặt triển vọng khác nữa như Hoàng Thanh Việt, Trần Nghĩa Nhân, Trương Văn Lâm, Bùi Huy Hiệu, Lê Văn Ba… nằm trong diện được đầu tư đào tạo đặc biệt, giấc mơ “vượt vũ môn” của tổ chạy ngắn Việt Nam (từ lâu vốn đã bị coi nhẹ) âu cũng chẳng quá khó để thực hiện!

Chiếm lĩnh các cự ly ngắn, tại sao không?

Hai kỳ SEA Games trở lại đây, Việt Nam mới nổi lên như một thế lực ở cự ly ngắn Đông Nam Á, khi xuất hiện “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương. Đấy là điều đặc biệt. Và sẽ càng đặc biệt hơn nếu tổ chạy ngắn nam Việt Nam chen chân vào nhóm mạnh nhất của khu vực và lạc quan hơn là chiếm lĩnh các cự ly ngắn của SEA Games. Đừng coi đó là sự lạc quan tếu, bởi thẳng thắn mà nói, điền kinh Việt Nam còn rất nhiều những gương mặt triển vọng.

Cựu vô địch cự ly ngắn Trịnh Đức Thanh cho rằng: “Lúc này, chúng ta đang sở hữu những VĐV trẻ chạy ngắn khá đồng đều về trình độ. Thành tích ổn định của các VĐV này thường vào khoảng 10”50, rất hiếm. Vì vậy, nếu họ được chăm chút kỹ hơn, các cự ly ngắn của Việt Nam hoàn toàn có thể tranh chấp ba hạng đầu ở SEA Games”.

Từ nay tới SEA Games 25 hãy còn xa, chưa thể khẳng định chắc chắn Huynh có lặp lại được kết quả khả quan như vậy nữa hay không. Nhưng nếu không kỳ vọng, nếu không đầu tư quyết liệt cho Huynh, cho cả những VĐV triển vọng kể trên và nếu biết chắt chiu cơ hội dù nhỏ, điền kinh Việt Nam nhờ vậy có thể làm được những chuyện khó tin. Khó tin như khi người Thái, Malaysia, Indonesia, Myanmar sững sờ chứng kiến Vũ Thị Hương xô ngã họ để độc chiếm danh xưng “nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á” vậy…

THANH LÂM

  • Thấp thỏm chờ kinh phí

Trưởng bộ môn điền  kinh Việt Nam Dương Đức Thủy tiết lộ: “Tiêu chí đầu tư cho điền kinh Việt Nam năm 2009 tập trung chính cho SEA Games 25 và cho tất cả các VĐV đạt thành tích tương đương HCĐ SEA Games 24. Theo chúng tôi tính toán có khoảng 30 VĐV, nhưng chưa chắc toàn bộ số VĐV này được tập huấn quốc gia vì còn phụ thuộc số tiền được cấp”.

Ông Thủy cho biết thêm: “Thành tích bấm tay 10”24 của Huynh chỉ tương đương 10"48 của đồng hồ điện tử. Chỉ số này  ngang VĐV đoạt HCĐ SEA Games 24, nên việc Huynh có được đầu tư trọng điểm hay không còn tùy thuộc vào kinh phí được duyệt”.

Điền kinh Việt Nam đang thấp thỏm chờ… kinh phí! Ảnh: Nguyễn Nhân

Chính vì vậy, kế hoạch đầu tư cho môn điền kinh đã phải chia thành nhiều “gói” nhỏ để thực hiện bằng hình thức kết hợp kinh phí trung ương và địa phương.

Tất cả các VĐV có khả năng giành HCV như Vũ Thị Hương (100 và 200m), Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương (800 và 1.500m), Bùi Thị Nhung (nhảy cao), Vũ Văn Huyện, Nguyễn Thị Thu Cúc (nhóm môn phối hợp), Huỳnh Nhật Thanh, Nguyễn Văn Mùa (nhảy xa và 3 bước), Bùi Thị Hiền, Phạm Thị Hiên (5.000 và 10.000m) sẽ là ưu tiên số 1.

Họ sẽ được tập trung ngay đầu năm 2009, rút ngắn quãng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để không ảnh hưởng lớn tới thể lực. Trong quá trình tập huấn tại các trung tâm, nhóm VĐV trên sẽ được đi tập huấn nước ngoài một đến hai đợt.

Nhà nước và địa phương cùng làm

Khác với những năm trước, Tổng cục TDTT dự kiến sẽ mở rộng hơn hệ thống đào tạo VĐV để các địa phương đều có thể đóng góp VĐV cho đội tuyển quốc gia. Với những VĐV không nằm trong tốp có khả năng giành HCV vẫn có cơ hội góp mặt ở SEA Games bằng nguồn kinh phí địa phương. Sở dĩ có hướng đào tạo mở này bởi vừa qua nhiều địa phương phản ánh thực trạng không muốn đưa VĐV lên đội tuyển quốc gia do không tin tưởng các HLV trên đội tuyển.

Nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà, thậm chí cả Nam Định đã khẳng định đủ khả năng đào tạo các VĐV tranh tài ở SEA Games. Vì vậy, việc để các địa phương tự túc từ đào tạo tới kinh phí sẽ đạt được mục tiêu của cả Tổng cục TDTT lẫn các địa phương.

Năm 2009, Giải điền kinh vô địch quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9 và lấy kết quả làm thước đo tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games. Những VĐV tốt nhất sẽ được ưu tiên cho SEA Games, các VĐV còn lại dự kiến sẽ làm nhiệm vụ tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà do Việt Nam đăng cai vào cuối năm.

(Theo SGGP điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất