Sau thông tin cước kết nối từ di động đến nội hạt sẽ được áp dụng theo mức cước mới từ ngày 1/10/2011 (Thông tư 22/2011/TT-BTTTT), nhiều người băn khoăn về việc liệu quy định trên có ảnh hưởng đến mức phí của người dân hiện đang sử dụng dịch vụ di động không. Ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi ý kiến, giải đáp về thắc mắc này.
PV: Theo Thông tư mới ban hành của Bộ Thông tin và Truyền thông, cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt là 415 đồng/phút. Mức phí này thay đổi như thế nào so với hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông: Theo Thông tư 22/2011/TT-BTTTT ngày 2/8/2011, kể từ ngày 1/10/2011, trường hợp mạng di động và mạng nội hạt kết nối trực tiếp với nhau, mạng di động khởi phát cuộc gọi sẽ phải trả cho mạng nội hạt kết cuối cuộc gọi cước kết nối là 415 đồng/phút.
Mức phí hiện nay đang áp dụng là 270 đồng/phút.
Như vậy, mức phí kết nối sẽ tăng thêm 145 đồng/phút. Mức cước trên không phân biệt giờ bình thường, thấp điểm hay cao điểm và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
PV: Việc tăng cước kết nối có ảnh hưởng trực tiếp đến mức phí người sử dụng di động phải trả không, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Việc điều chỉnh giá cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động trực tiếp đến mạng điện thoại cố định nội hạt thực chất chỉ là việc điều tiết chi phí kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Việc điều chỉnh này không trực tiếp ảnh hưởng đến mức phí mà người sử dụng dịch vụ di động phải trả cho doanh nghiệp viễn thông.
PV: Vậy ông có thể cho biết tại sao phải tăng cước kết nối như trên?
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Việc điều chỉnh giá cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động trực tiếp đến mạng điện thoại cố định nội hạt lần này chỉ là một trong những giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai thực hiện để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạng lưới, dịch vụ điện thoại cố định nhằm đảm bảo cho thị trường viễn thông phát triển bền vững.
Thời gian qua, do có chính sách phát triển tốt và đúng, thị trường viễn thông, internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện nhiều bất cập cần được điều chỉnh kịp thời về chính sách; trong đó có chính sách phát triển về điện thoại cố định nội hạt.
Theo quy định hiện hành, với mỗi phút kết nối từ mạng di động sang mạng cố định, mạng di động chỉ phải trả cho mạng cố định 270 đồng/phút. Trong khi đó, mạng cố định phải trả tới 415 đồng với mỗi phút kết nối từ dịch vụ điện thoại cố định sang mạng di động. Kéo theo là xu hướng dịch vụ cố định đang giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư không còn thiết tha với việc đầu tư vào dịch vụ cố định nữa.
PV: Thực tế thời gian qua, số thuê bao dịch vụ điện thoại cố định nội hạt cũng không tăng nhiều, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Đúng vậy, thực tế cho thấy số thuê bao dịch vụ điện thoại cố định nội hạt hầu như không tăng hoặc tăng rất chậm trong nhiều năm vừa qua, trong khi thị trường dịch vụ di động lại có mức tăng trưởng rất lớn cả về số lượng thuê bao và doanh thu.
Cụ thể, trong 4 năm từ 2006 – 2009, khi số thuê bao điện thoại cố định tăng gấp đôi (từ 8.567.520 lên 17.427.365 thuê bao) thì số thuê bao điện thoại di động đã tăng gấp 5,2 lần (từ 18.892.480 lên 98.223.980 thuê bao). Trong đó, tăng trưởng chủ yếu tập trung vào thuê bao điện thoại cố định không dây (sử dụng cơ sở hạ tầng mạng di động).
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, việc duy trì, phát triển mạng điện thoại cố định nội hạt về lâu dài đảm bảo được các yêu cầu về phổ cập dịch vụ cho mọi người dân đặc biệt là người nghèo và các vùng khó khăn, đáp ứng được nhu cầu về an toàn an ninh thông tin và đặc biệt là xu thế hội tụ dịch vụ, công nghệ trên nền mạng điện thoại PSTN (Mạng điện thoại chuyển mạch công cộng , có thể gọi tắt là mạng điện thoại công cộng).
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo: Phương Mai-Thanh Hoài/VGP News)