Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 7/1/2009 21:47'(GMT+7)

Ðiều chỉnh hợp lý chính sách kinh tế vĩ mô


DN khó cả đầu vào và đầu ra

Chi phí vốn vay quá cao là một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay. Lãi suất cho vay của các ngân hàng vào thời kỳ tháng 5, 6, và 7 vừa qua có lúc lên tới hơn 25%/năm (bao gồm cả các loại phí). Ngay vào thời điểm này, cho dù mức lãi suất cơ bản đã giảm đáng kể kéo theo lãi suất cho vay tối đa bằng VNÐ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng giảm song các DN cũng chưa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Kết quả khảo sát 340 DN do Viện Quản trị kinh doanh (Trường Ðại học KTQD) thực hiện vào tháng 9-2008 cho thấy hầu hết các DN trong mẫu điều tra (178/340) đều cho rằng chính sách vay vốn hiện tác động tiêu cực đối với DN.

Bên cạnh chi phí đầu vào cao, DN còn khó khăn do chất lượng đầu vào kém và thiếu. Việc điều hành chính sách giá cả các mặt hàng đầu vào chiến lược (điện, xăng dầu, nước, than đá) chưa theo kịp tín hiệu của thị trường đã nhân khó khăn của các DN lên nhiều lần. Trong khi đó thị trường đầu ra ngày càng khó khăn hơn.

Cạnh tranh về giá trong điều kiện lạm phát tăng cao và thị trường suy giảm sẽ là hai gánh nặng cùng một lúc đối với các DN xuất khẩu. Thị trường Mỹ và châu Âu chiếm tới hơn 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị tác động nặng nề nhất. Do vậy, các DN xuất khẩu chủ yếu sang các khu vực này sẽ đối mặt với những thách thức to lớn.

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho nhu cầu trong nước suy yếu, xuất khẩu giảm sút và hậu quả tất yếu là sản lượng và lợi nhuận của các DN đều giảm mạnh. Khó khăn về tài chính khiến DN buộc phải trì hoãn các dự án mới, thậm chí cắt giảm nhân sự, hoạt động cầm chừng. Ðối với các DN nhỏ và vừa, những khó khăn và thách thức còn lớn hơn. DN thuộc các ngành nghề dễ bị tổn thương như dệt, may, thủy sản, nông sản, chăn nuôi là những đối tượng hiện đang gặp khó khăn lớn nhất. 

Ðể DN vượt qua khó khăn và thách thức

Trước tình hình kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ các DN ngăn chặn suy giảm kinh tế. Mặc dù vậy, kiềm chế lạm phát vẫn tiếp tục là ưu tiên thứ hai và là nhiệm vụ xuyên suốt trong quản lý vĩ mô. Chúng ta chưa thật sự thoát khỏi cái bóng của lạm phát khi các nguyên nhân sâu xa gây lạm phát từ nội tại nền kinh tế vẫn còn nguyên đó.

Như vậy, bài toán đặt ra đối với quản lý kinh tế vĩ mô hiện nay là phải xây dựng và kết hợp các chính sách như thế nào để DN có thể phát triển hợp lý, đủ sức chống chọi được suy thoái kinh tế toàn cầu trong điều kiện kiềm chế lạm phát. Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung ưu tiên vào các giải pháp sau.

Một là, cần thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, kiểm soát lạm phát chủ yếu thông qua lượng tiền cung ứng (M2) vào lưu thông. Từng bước giảm dần lãi suất theo mục tiêu bảo đảm lãi suất cho vay tới các DN ở mức hợp lý (tiến tới mức 13-14%/năm) và bảo đảm chính sách lãi suất thực dương trong kiềm chế lạm phát. Nới lỏng dần các quy định về tín dụng (mức tăng trưởng, dự trữ bắt buộc...). Cần nhanh chóng nâng cao chất lượng tín dụng thông qua việc phân loại các ngân hàng để có những quy định mang tính chuẩn mực cho từng loại ngân hàng. Khuyến khích các ngân hàng tốt, có tình hình tài chính lành mạnh tăng cường các hoạt động tín dụng. Cần chú trọng củng cố và tăng cường hơn nữa khả năng thanh toán của từng tổ chức tín dụng. Chính phủ cần có phương án xử lý nợ xấu của tổng thể nền kinh tế và của các ngân hàng thương mại.

Hai là, thực hiện các biện pháp kích cầu nền kinh tế. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất của kích cầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tập trung kích cầu đầu tư thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu. Có thể thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng ở tầm cỡ quốc gia. Việc kích cầu của Chính phủ thông qua gói giải pháp 1 tỷ USD cần được giao cho một định chế tài chính quản lý và giám sát chặt chẽ.  

Về thực hiện chương trình kích cầu nội địa, trước mắt kích cầu tiêu dùng thông qua việc tập trung giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán của người lao động, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa và thực hiện các chính sách mới về bảo đảm an sinh xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà nước cần có chính sách đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như nông dân, ngư dân bằng việc hỗ trợ giống, thủy lợi, giảm các khoản phí và tăng trợ giá.

Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đầu tư và chi tiêu công cộng. Cải tiến một cách mạnh mẽ chính sách tài khóa của Chính phủ theo hướng công khai, minh bạch, tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, tạo sức bật cho nền kinh tế. Kết hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các DN nước ngoài ở Việt Nam để hoàn thiện cơ chế thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài theo hướng chủ động và có chọn lọc, đúng chiến lược kinh tế và bảo đảm tôn trọng các chủ thể kinh tế trong nước.

Bốn là, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện phương án tổng thể về giãn, miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân để đạt được mục tiêu kích cầu trong nước và hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Cần có chính sách giảm thuế đối với các DN đầu tư, mua sắm máy móc để kích thích sản xuất.  Bên cạnh đó, có chính sách giá linh hoạt, nhất là đối với các yếu tố đầu vào do Nhà nước hoặc các DN nhà nước hiện đang kiểm soát như xăng, dầu, điện, nước... Nhanh chóng thực hiện giảm mạnh giá xăng, dầu tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Năm là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường giám sát đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới các DN nhà nước theo hướng cổ phần hóa hoặc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo Luật DN 2005. Không cho phép thành lập các DN thành viên thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty theo hướng "khép kín hóa, bao sân hóa".

Sáu là, tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền kết hợp với việc thực thi các chương trình bảo đảm an sinh xã hội. Ðầu tư mạnh mẽ hơn vào giáo dục các cấp, nhất là đào tạo nghề, thay đổi quan niệm xã hội về nghề lao động. Ðầu tư trọng điểm vào các trường đại học.

Ngoài ra tăng cường khả năng dự báo và ứng phó với những biến động trong nền kinh tế là rất cần thiết và cấp bách. Nên có một cơ quan thường trực bao gồm các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề kinh tế - xã hội.

GS, TS Nguyễn Văn Nam
Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất