(TG) - Các chính sách lao động - việc làm và phát triển kỹ năng đã phát huy tác
dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm thất
nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân và thúc
đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại.
Sáng 14/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel (Đức) tổ
chức Hội thảo quốc tế "Định hướng chiến lược lao động, việc làm và phát
triển kỹ năng giai đoạn 2021 - 2030" nhằm đánh giá tình hình các mục
tiêu, nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng xây dựng
chiến lược ngành trong giai đoạn 2021 - 2030.
Chủ trì Hội thảo là ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Tiến sĩ Axel Neubert, Trưởng đại diện Văn Phòng HSF tại Việt Nam.
Tham gia Hội thảo còn có đại diện của các Bộ, ban ngành liên quan, các Sở LĐ-TBXH, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các Viện Nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ trong lĩnh vực về lao động, việc làm.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, công tác đánh giá việc thực hiện hệ thống pháp luật pháp, chính sách lao động, việc làm cần toàn diện phân tích được cả những mặt được và chưa được, những thành tích và hạn chế; phương pháp đánh giá phải khoa học và khách quan, dựa trên bằng chứng. Đặc biệt, việc xác định các định hướng chiến lược, mục tiêu nhiệm vụ cho giai đoạn tới cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, phân tích bối cảnh mới, các yếu tố tác động và đặt trong mối quan hệ với các mục tiêu kinh tế - xã hội khác. Các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng khi được xây dựng phải đặt con người là trung tâm, thực sự vì người lao động bất kể họ là ai và đang làm ở đâu.
Đến nay, hệ thống pháp luật pháp, chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng đã được thiết kế, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động và thúc đẩy công bằng xã hội.
Các chính sách lao động - việc làm và phát triển kỹ năng đã phát huy tác dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm thất nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân và thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xây dựng và thực thi các chính sách lao động, việc làm và phát triển kĩ năng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế như Luật Việc làm, Luật Lao động vẫn còn nhiều vấn đề, chưa được điều chỉnh kịp thời; thông tin về BHTN còn chậm, quản lý chưa hiệu quả ; Quan hệ lao động diễn biến phức tạp, đối thoại xã hội kém hiệu quả; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, không như kì vọng, hiệu suất và năng suất thấp, chưa tận dụng được lợi thế thời kỳ dân số vàng;....
Theo tiến sĩ Axel Neubert, Trưởng đại diện Văn phòng HSF tại Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập công nghệ 4.0 đã đem lại nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng có hệ lụy ảnh hưởng tới lực lượng lao động của Việt Nam, trong 55 triệu lao động có tới 75% người không có trình độ hoặc có chất lượng làm việc thấp, dễ bị thay thế bởi máy móc, đặc biệt trong khu vực phi chính thức. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nếu không tìm được những giải pháp cải thiện phù hợp.
Hội thảo tập trung vào phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với tương lai việc làm, phát triển lực lượng lao động trong thời kỳ đổi mới, trong đó bàn về chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trước bối cảnh cách mạng 4.0.
Trên cơ sở những nội dung được phân tích, Hội thảo đưa ra các định hướng chiến lược phát triển lao động, việc làm và kỹ năng, nhất là những đột phá về phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn 2021 - 2030, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong tương lai./.
M.Ngọc