Từ ngày 14 đến 20/7, các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các địa phương phối hợp tổ chức Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Những năm gần đây, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp trước mỗi mùa xét
tuyển ĐH, CĐ được xã hội rất quan tâm, ủng hộ, giúp các em học sinh tốt
nghiệp THPT lựa chọn các ngành nghề, nhà trường phù hợp. Quan trọng hơn,
sự kiện này còn giúp mở rộng, lan tỏa thông tin từ nhà trường đến phụ
huynh và học sinh; góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong
công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Hoạt động tư vấn việc làm, hướng nghiệp ngày càng được các nhà trường,
các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện. Các mô hình hướng nghiệp,
như: Đào tạo song bằng, kết hợp dạy nghề với dạy văn hóa... mang lại
hiệu quả tốt. Minh chứng rõ nét là kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trong
số hơn 912.000 thí sinh dự thi, có gần 25% dự thi chỉ để xét tốt nghiệp;
có nghĩa là nhiều em đã lựa chọn con đường đi phù hợp cho tương lai của
mình, với mục tiêu có nghề, có việc làm phù hợp mà không dự xét tuyển
vào các trường ĐH, CĐ; không cố để có tấm bằng đại học cho "oai".
Sự thay đổi tư duy của xã hội, của phụ huynh, đặc biệt là các em học
sinh trong việc lựa chọn hướng đi đúng, phù hợp với thực tế, với năng
lực, sở trường… cho tương lai của mình là những tín hiệu tích cực. Những
buổi tư vấn xét tuyển là cơ sở quan trọng giúp các em quyết định lựa
chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình. Tuy nhiên, một thực tế
rất đáng quan tâm là chỉ còn ít ngày nữa đến thời điểm các em phải thay
đổi và "chốt" nguyện vọng xét tuyển, nhưng không ít em và gia đình vẫn
lúng túng, chưa xác định được việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Qua
đó cho thấy điều quan trọng là công tác hướng nghiệp phải được thực hiện
từ xa, từ sớm, giúp các em có định hướng và lựa chọn tương lai cho mình
một cách vững vàng, chủ động hơn; đồng thời giúp cân bằng lao động xã
hội một cách tự nhiên, hiệu quả.
Để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, không chỉ riêng ngành GD-ĐT mà
cần sự vào cuộc của các gia đình, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã
hội. Cần xác định rõ tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp cho học
sinh và thực hiện sớm từ bậc học THCS, tiến hành đồng thời với việc giáo
dục, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Cùng với đó, cần quan tâm xây
dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở
các nhà trường, để thực hiện hướng nghiệp một cách quy mô, chuyên nghiệp
và hiệu quả hơn. Thông tin nghề nghiệp cần được cung cấp thường xuyên,
bằng nhiều hình thức; đồng thời mạnh dạn đổi mới, xây dựng chương trình
giáo dục hướng nghiệp phù hợp với thực tế của từng địa phương, nhà
trường... Có như vậy, những buổi tư vấn xét tuyển sau kỳ thi THPT quốc
gia sẽ không chỉ đơn thuần là việc cung cấp thông tin tuyển sinh, hướng
nghiệp, hướng dẫn học sinh thực hiện các thủ tục đăng ký... Và mùa thi,
mùa xét tuyển ĐH,CĐ sẽ giảm nhiều áp lực đối với học sinh, phụ huynh
cũng như cả xã hội./.
Anh Vũ (qdnd.vn)