Thứ Sáu, 22/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 6/7/2018 9:29'(GMT+7)

Tự chủ và tự trọng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cách đây gần hai tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn đề nghị TP Hà Nội tạo điều kiện cho các trường tư thục được chủ động trong tuyển sinh đầu cấp, thì ở thời điểm này, chính những hành động “xé rào”, tự nâng, hạ điểm chuẩn, tự quyết định phương án dừng hay tiếp tục tuyển sinh... của một vài trường này đang khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Vấn đề càng trở nên nóng hơn khi ngay trong những ngày đầu tháng 7, Sở GD&ĐT TP Hà Nội liên tiếp đưa ra "tối hậu thư" yêu cầu hai trường tư thục THCS và THPT Lương Thế Vinh, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu phải tạo điều kiện cho phụ huynh rút hồ sơ và hoàn trả toàn bộ các khoản lệ phí đã thu. Thế nhưng, một lần nữa sự dùng dằng lại làm phụ huynh băn khoăn khi những người có trách nhiệm của các nhà trường này tuyên bố không thể trả toàn bộ lệ phí đã nộp.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như các cơ sở giáo dục này thực hiện tuyển sinh theo quy định chung, bình đẳng như các trường công lập. Đáng tiếc là khi được tạo những điều kiện thuận lợi để tự chủ, thì một số nhà trường lại tìm cách lách luật, “xé rào” với tính toán riêng. Nâng, hạ điểm để tuyển sinh vì chất lượng là cần thiết, nhưng những gì mà các cơ sở giáo dục này đang làm cho thấy sự tôn trọng với chính nhà trường, với người học, với phụ huynh và với xã hội chưa được thể hiện đúng mực. Do vậy, dư luận có quyền hoài nghi về uy tín, chất lượng của những trường này.

Tự chủ trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông hiện nay là chủ trương đúng, cần được ủng hộ. Việc tự chủ sẽ tạo động lực cạnh tranh lành mạnh về chất lượng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục với nhau. Tuy nhiên, nếu để tự chủ vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, rất cần đặt sự tự chủ trong một hệ thống quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Việc tạo ra cơ chế, chính sách để các cơ sở giáo dục tự chủ phát huy được quyền chủ động của mình là cần thiết, song cũng đòi hỏi các trường này phải hoạt động đúng mục đích, đề cao trách nhiệm xã hội và không để lợi nhuận chi phối làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của học sinh.

Trên thế giới, mô hình tự chủ trong giáo dục phổ thông đã được xây dựng từ lâu. Bài học về sự tồn tại cơ chế tự chủ toàn diện (cả về tài chính, nhân sự và chương trình) của các cơ sở giáo dục trước hết là làm chủ được uy tín đào tạo và thương hiệu của mình. Tự chủ và tự trọng phải đi đôi với nhau. Tự chủ là điều kiện tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục; tự trọng là tôn trọng học sinh, phụ huynh và tôn trọng với những giá trị, sứ mệnh, phương châm giáo dục mà nhà trường đã đề ra. Chỉ có như vậy, cơ sở giáo dục tự chủ mới tồn tại và phát triển ổn định, bền vững, tạo niềm tin cho xã hội./.

Duy Văn (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất