(TG) - Năm 2021 là năm đầu tiên Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam được bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước riêng. Mặc dù nguồn lực ngân sách còn hạn chế nhưng đã tạo sự chủ động cho cơ quan quản lý chương trình là Bộ Công Thương trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội triển khai các nội dung của Chương trình.
NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Năm 2021 cũng là năm thứ hai triển khai các Quyết định số 1320/QĐ-TTg và Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế xây dựng Chương trình Thương hiệu quốc gia, các Bộ, ngành đã tích cực phối hợp với Bộ Công thương xây dựng các đề án tập trung vào các nội dung: hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí THQG Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông cho Chương trình THQG Việt Nam và các sản phẩm đạt THQG Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp nên đã chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình THQG Việt Nam. Điển hình như các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Sữa TH, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại, Sản xuất, Xuất Nhập khẩu Ngân Hà, Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobiphone, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng NUTRICARE…
Nội dung hoạt động của Chương trình THQG Việt Nam đã phong phú, đa dạng hơn. Các hoạt động không chỉ tập trung trong nước mà đã triển khai ở cả nước ngoài; phương thức hoạt động không chỉ truyền thống là trực tiếp, mà đẩy mạnh hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, kết quả đánh giá của Brand Finance thể hiện quá trình xét chọn nghiêm ngặt, chặt chẽ và minh bạch của Chương trình THQG Việt Nam. Việc lựa chọn các sản phẩm đạt THQG của Việt Nam được thực hiện trên hệ thống tiêu chí dựa trên phương pháp định giá thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó kết quả hoạt động của Chương trình THQG Việt Nam cũng phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế.
ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2022
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được như trên, trong năm 2021 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định khi triển khai Chương trình THQG Việt Nam, cụ thể: Nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động của Chương trình THQG còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tầm vóc của Chương trình, cũng như đề xuất của các Bộ, ngành. Trong khi đó, chưa có cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành về kết hợp nguồn lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Nhận thức của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) đối với việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu còn hạn chế. Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể áp dụng cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG nên sự hưởng ứng, đồng hành của các doanh nghiệp này với Chương trình THQG chưa cao. Hiện nay đang tồn tại nhiều các loại hình giải thưởng, xét chọn, bình chọn... thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp do các tổ chức trong nước thực hiện, nhưng không đảm bảo về mặt pháp lý, gây nhầm lẫn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là các đối tác nước ngoài.
Năm 2022, để hướng tới mục tiêu đã đề ra trong Quyết định số 1320/QĐ-TTg, Bộ Công Thương định hướng triển khai các hoạt động của Chương trình THQG tục tập trung vào các nội dung sau:
Một là, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng kế hoạch chiến lược trung hạn 2022-2025 cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình THQG Việt nam và các sản phẩm đạt THQG Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó cần xác định rõ sản phẩm truyền thông, kênh truyền thông và đối tượng, phạm vi truyền thông để có định hướng trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên phù hợp với từng ngành hàng có thế mạnh tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Hai là, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đánh giá lại thực trạng để xây dựng kế hoạch chiến lược trung hạn 2022-2025 cho nhiệm vụ nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu trong thời gian thời gian tới. Trong đó cần xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung và phương pháp nâng cao năng lực để có định hướng trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên phù hợp.
Ba là, tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 theo đúng kế hoạch định hướng, mục tiêu đề ra của Quyết định số 1320/QĐ-TTg.
Bốn là, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương huy động tổng thể các nguồn lực để lồng ghép các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình THQG Việt Nam với các chương trình do các Bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì thực hiện và quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Năm là, phát động, kêu gọi thêm nguồn lực xã hội hóa của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam trong việc cùng chung tay phát triển Chương trình THQG Việt Nam đúng với ý nghĩa, tầm vóc là chương trình của Chính phủ, vì một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị.
Hưng Phong