(TG) - Trước bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG, Bộ Công Thương đã áp dụng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh thực tế các biện pháp hỗ trợ thâm nhập thị trường xuất khẩu, tư vấn phát triển kinh doanh, thiết lập hệ thống thông tin và kiến thức cập nhật về thương hiệu phục vụ doanh nghiệp hướng đến nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm dịch vụ và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các quốc gia đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, EU,…
NHIỀU BIỆN PHÁP LINH HOẠT, PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG nói riêng đang có thêm nhiều cơ hội mới. Trước bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG, Bộ Công Thương đã áp dụng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh thực tế các biện pháp hỗ trợ thâm nhập thị trường xuất khẩu, tư vấn phát triển kinh doanh, thiết lập hệ thống thông tin và kiến thức cập nhật về thương hiệu phục vụ doanh nghiệp hướng đến nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm dịch vụ và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các quốc gia đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, EU,…
Đơn cử như đối với ngành dệt may, hệ thống tham tán Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Công Thương đã phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài cung cấp thông tin thị trường thông qua các báo cáo nghiên cứu thị trường, cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những trở ngại trong giao thương quốc tế do các hàng rào phi thuế quan cũng như các tiêu chuẩn phát triển bền vững được các nước dựng lên. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các địa phương, hiệp hội dệt may Việt Nam, tổ chức XTTM và doanh nghiệp ngành dệt may áp dụng hình thức kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường internet... như kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu nhằm tuyên truyền quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đến người tiêu dùng quốc tế.
Hay đối với mặt hàng nông, lâm thuỷ sản từ trước đến nay thì thị trường truyền thống của chúng ta là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc rất khó khăn và lượng nông lâm, thuỷ sản tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc giảm đi rất lớn. Trước tình hình đó, Cục Xúc tiến thương mại đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các Hiệp hội, các doanh nghiệp, các địa phương bằng cách tìm hiểu xem nhu cầu của họ ra sao, cần tiêu thụ loại quả gì, rau gì, nông sản gì và thuỷ sản gì, trên thị trường nào để chúng tôi liên hệ với hệ thống tham tán ở thị trường ưu tiên và đề nghị họ trực tiếp làm việc với những tập đoàn nhập khẩu hay những tổ chức nhập khẩu của nước sở tại. Qua đó, có thể hỗ trợ kết nối xuất khẩu, xúc tiến xuất khẩu cho các địa phương, cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường xuất khẩu truyền thống, chủ lực lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị gián đoạn, bị đóng băng. Tôi cho rằng hoạt động này rất kịp thời và hiệu quả và cũng góp phần nào hỗ trợ giải quyết được những khó khăn của các địa phương, của các hiệp hội, các doanh nghiệp thời gian qua.
CÁC HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Thực tiễn trong nước và quốc tế đã chứng minh thị trường nội địa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của quốc gia nói chung. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG chiếm lĩnh vị thế cũng như thị phần lớn ở thị trường trong nước trước những thương hiệu mạnh của thế giới, Bộ Công Thương đã triển khai những hoạt động hỗ trợ rất thiết thực thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận biết cũng như nhận thức của người tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm, Bộ Công Thương đã tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn trong nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong công tác sản xuất hàng hóa, đồng thời hỗ trợ cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm nhằm nâng giá trị gia tăng của các sản phẩm cũng như tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài. Chuỗi các hoạt động truyền thông các sản phẩm ngành thực phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông số (báo điện tử, mạng xã hội, VOV…) và qua các phóng sự, bài viết đăng tải trên báo chí, truyền hình (Trung tâm tin tức VTV24, Đài truyền hình Việt Nam) giúp quảng bá các sản phẩm thực phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là những sản phẩm uy tín chất lượng với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên cả nước.
Quý Trọng