Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 4/6/2017 14:36'(GMT+7)

DN Nhật Bản kỳ vọng dấu mốc mới trong quan hệ kinh tế với Việt Nam

Đó là quan điểm chung của giới doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 4-8/6.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam tăng từ 26 năm 1992 lên 1.650 doanh nghiệp hiện nay, là một trong những cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất của Nhật Bản ở nước ngoài.

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam  phản ánh mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai nước.

Điều đáng chú ý là các lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng đa dạng, từ lĩnh vực chế tạo các sản phẩm xuất khẩu cho đến lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ, trao đổi nguồn nhân lực, vận tải và đầu tư vốn…

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý nữa là hai nước có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nhật Bản có khoảng 2 triệu người làm trong lĩnh vực nông nghiệp với độ tuổi bình quân trên 65.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, hợp tác nông nghiệp công nghệ cao với Việt Nam sẽ giúp bù đắp thiếu hụt nguồn nhân lực cho Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng hai nước sẽ kết hợp được thế mạnh mang tính bổ sung giữa một bên có kỹ năng, công nghệ với một bên có nguồn nhân lực dồi dào.

Để đẩy nhanh hợp tác nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp Nhật Bản mong chờ những chính sách cụ thể từ phía Chính phủ Việt Nam, nhất là chính sách về đất đai, thuế và xuất khẩu.

Đưa quan hệ kinh tế đi vào chiều sâu, thực chất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến công tác 5 ngày tại Nhật Bản với một lịch trình dày đặc các hoạt động nhằm đưa quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, một trong những đối tác chủ chốt của Việt Nam, đi vào chiều sâu, thực chất.

Về chính trị-ngoại giao, đây là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao thứ 6 của hai nước trong 5 tháng đầu năm 2017, là minh chứng cho mối quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp, thể hiện sự coi trọng của Nhật Bản trong quan hệ với Việt Nam và ngược lại.

Bên cạnh ý nghĩa thắt chặt tin cậy chính trị, chuyến thăm của Thủ tướng đặt trọng tâm vào thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nhằm đáp ứng mong mỏi của cộng đồng các doanh nghiệp hai nước.

Dự kiến lần đầu tiên, Thủ tướng dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để dự Diễn đàn Kinh tế Việt-Nhật với chủ đề "Hướng tới kỷ nguyên mới của quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản" - diễn đàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay giữa hai nước với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, trong đó khoảng 1.300 là đại diện của các tập đoàn, công ty sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của Nhật Bản cùng với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam…

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ chủ yếu thúc đầy hợp tác thực chất trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước./.

Theo chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất