Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 7/10/2008 20:53'(GMT+7)

Đô thị hoá với người nghèo và vấn đề môi trường

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chủ đề “Thành phố hài hoà”, trong đó sự phát triển của các đô thị phải gắn liền với vấn đề giải quyết hài hoà các lợi ích, đặc biệt là tình trạng đói nghèo và môi trường đô thị. Đây cũng là hai thách thức lớn nhất trong quá trình đô thị hoá ở Việt Nam.

Đói nghèo chốn phồn hoa

Cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, quá trình đô thị hoá ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng mạnh mẽ. Nếu năm 1986 chỉ có gần 12 triệu người sống trong các thành phố thì đến năm 2006 số dân thành thị đã tăng lên gấp đôi với gần 23 triệu người, chiếm trên 27% tổng dân số cả nước. Hiện tại, cả nước có 743 đô thị và là nơi giữ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp tới 70% GDP. Tuy nhiên, sự phát triển thiếu hài hoà tại các đô thị của Việt Nam đã kéo theo hàng loạt thách thức cho phát triển bền vững. Đó là vấn đề dân số, đói nghèo và ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả điều tra, dân số đô thị tăng nhanh với trung bình 3% năm, gấp 3 lần tỷ lệ tăng dân số chung của cả nước. Hiện nay, hầu hết các đô thị ở Việt Nam đều tồn tại các khu “nhà ổ chuột”, xóm “liều”, xóm “bụi” và người dân trong các khu vực đó sống ở mức nghèo khổ. Quá trình đô thị hoá nhanh chóng đã khiến một lượng lớn cư dân nông thôn bị mất đất sản xuất, thiểu việc làm, không có thu nhập và trở thành dân nghèo đô thị, dẫn đến tỷ lệ nghèo đói tại các đô thị không giảm. Có một thực tế là người nghèo đang dần bị đẩy ra xa các khu đô thị, hoặc bị dồn dần vào những ngõ nhỏ, những khu vực đó có điều kiện sống thấp và ít được tiếp cận với các khu dịch vụ đô thị, phúc lợi xã hội, hoặc phải trả chi phí cao hơn. Tại nhiều vùng ven đô của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, người dân phải trả tiền điện, nước cao hơn khu vực nội thành, nhưng cũng không được đáp ứng đủ nhu cầu.

Thống kê của Tổ chức Dân số thế giới (UNPFA) cho thấy, diện tích nhà ở bình quân tại các đô thị khoảng 5,8m2/ người, thấp hơn một nửa so với diện tích chung của cả nước. Có tới 25% cư dân đô thị không có khả năng mua nhà và 20% khác đang sinh sống trong 1,8 triệu căn nhà tạm không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, ở Hà Nội có tới 30% dân số có diện tích nhà ở dưới 3m2/người. Tuy nhiên, thời gian hầu hết các chương trình, dự án đều tập trung phát triển nhà trung, cao cấp, phục vụ các đối tượng có mức sống cao, còn các dự án phát triển nhà cho người có thu nhập thấp không thu hút được đầu tư. Mặc dù đã có nhiều chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho khoảng 30% số hộ khó khăn ở các đô thị do Bộ Xây dựng lập, nhưng những dự án này vẫn đang nằm trên giấy và ít nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng của các đô thị không đáp ứng kịp nhu cầu, trong đó nhu cầu về nước sạch và thoát nước, thu gom rác chỉ đáp ứng được khoảng 60%, đặc biệt đường giao thông chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Tuy nhiên, việc cơ sở hạ tầng không đáp ứng được phần lớn là do nhu cầu của những đối tượng có thu trung bình và khá trở lên tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng một chiếc ôtô 4 chỗ đã chiếm diện tích đường gấp 7 lần một chiếc xe máy và bằng hàng chục lần một chiếc xe đạp.

Bài học từ vấn đề gây ô nhiễm môi trường của công ty Vedan

Cùng với người nghèo, môi trường sống cũng đang là “nạn nhân” trực tiếp của quá trình đô thị hoá. Đặc biệt, do phần lớn các khu công nghiệp thường tập trung gần các đô thị lớn, nên mức độ ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng.

Theo thống kê, hiện nay môi trường của hầu hết các đô thị đều đã mức báo động, đặc biệt Việt Nam có hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 6 thành phố bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm các phương tiện giao thông thải vào không khí khoảng 1.100 tấn bụi, 25 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, tập trung trên diện tích gần 2.300 ha, mỗi ngày thải vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trên 1,7 triệu m3 nước thải công nghiệp, trong đó có nhiều độc tố. Lượng chất thải này đã gây ô nhiễm môi trường nước của các con sông vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho một bộ phận dân cư rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và môi trường sống.

Mặc dù các khu công nghiệp ngày càng mọc lên nhiều, nhưng các quy định của pháp luật về kiểm tra cũng như xử lý đối với hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Nhiều nhà máy mỗi ngày thải ra hàng ngàn mét khối nước thải và khí thải trong đó hàm lượng chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép hàng nghìn lần nhưng hàng chục năm không bị phát hiện và khi phát hiện mức xử lý không đủ sức răn đe như trường hợp tại Công ty Vedan Việt Nam vừa qua chỉ là một ví dụ rất nhỏ. Hàng năm, kết quả của việc phát triển kinh tế xã hội chủ yếu được đánh giá dựa trên tốc độ tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại… trong khi đó, báo cáo về chất lượng môi trường sống thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua, trong khi đây là yếu tố quan trọng đánh giá chất lượng sống của người dân trong các khu đô thị.

Theo tính toán, tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đến năm 2010, nếu tất cả 75 khu công nghiệp đều được sử dụng hết diện tích, sẽ thải ra một lượng chất thải rắn lên đến 3.500 tấn/ngày, cao gấp hàng chục lần so với hiện nay, trong đó có khoảng 700 tấn chất thải độc hại. Theo dự báo của UNPFA, đến năm 2020 dân số Việt Nam sẽ đạt 104 triệu người trong đó có tới 40% (tương đương 41,6 triệu người) sống tại các đô thị. Nhiều nhà khoa học cảnh báo, với tốc độ tăng trưởng GDP 7%/năm và mức độ đô thị hoá tăng 2%/năm như hiện nay, nếu không có ngay các giải pháp hữu hiệu, đến năm 2010 mức độ ô nhiễm môi trường có thể tăng gấp đôi hiện nay./.


Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon: Thế giới đô thị hoá nhanh không thể tự coi là phát triển hài hoà nếu những người sống trong các khu vực ổ chuột không có nhiều cơ hội tìm việc làm và cải thiện điều kiện sống. Thế giới cũng không thể hài hoà nếu tăng trưởng và mở rộng các vùng đô thị lại gây tổn hại đến môi trường.


(VOVNews)

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất