Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 5/10/2008 16:21'(GMT+7)

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội

Tuổi trẻ với  phong trào phòng chống tế nạn xã hội. Ảnh minh hoạ

Tuổi trẻ với phong trào phòng chống tế nạn xã hội. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền đã tổ chức nhiều lực lượng phối hợp với các đoàn thể, quần chúng truy quét các loại tội phạm, đặc biệt là loại tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” và tội phạm ma tuý; xác định rõ trách nhiệm của chính quyền xã, phường, khu phố trong việc xây dựng xã, phường lành mạnh. Tổ chức tốt việc cai nghiện gắn với lao động bắt buộc và quản lý sau cai nghiện. Nhiều địa phương đã thực hiện có kết quả hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ; làm tốt công tác giáo dục, tìm việc làm cho người sau cai, tái hoà nhập

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã tổ chức cai nghiện cho 27.740 người đạt 55,5% so với kế hoạch được giao (50.000 người). Chất lượng công tác điều trị phục hồi tại các Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội được nâng cao. Các Trung tâm có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, thực hiện tốt quy trình cai nghiện. Chú trọng công tác dạy văn hoá, dạy nghề, phong trào vui chơi thể thao, văn hoá tạo không khí vui vẻ, thoải mái, nên số lượng học viên bỏ trốn giảm nhiều. Công tác phòng chống lây lan dịch bệnh cũng được quan tâm, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khoẻ. Vì vậy, số lượng học viên bị đau ốm giảm đi, số ngày công học tập tăng lên.

Công tác phòng chống mại dâm được tăng cường, đổi mới về hình thức, đi sâu vào nội dung, thông qua phân loại địa bàn để có hình thức tuyên truyền phù hợp, vì vậy nhận thức và trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân được nâng lên. Số người tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm tăng so với năm 2007. Số cơ sở vi phạm, địa bàn phức tạp được xử lý kịp thời.

Một số địa phương đã tích cực chủ động quy hoạch, chấn chỉnh lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm nhằm hạn chế tình trạng vi phạm tệ nạn mại dâm. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra, thống kê lao động ngoài tỉnh đến làm việc, quy định số lần cơ sở vi phạm từ 2 lần trở lên trong 1 năm là thu hồi giấy phép kinh doanh; tăng cường kiểm tra tạm trú, tạm vắng, cho thuê nhà trọ, hợp đồng lao động với nhân viên phục vụ. Tăng cường quyền xử phạt cho Đội kiểm tra liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm.

Theo báo cáo của 55 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 15-6-2008 có 3.895 xã phường không có người nghiện ma tuý (chiếm 37,43%/tổng số xã phường). Số xã phường không có tệ nạn mại dâm là 6.576 xã (chiếm 63%/tổng số xã phường). Số xã, phường đăng ký xây dựng mới không có tệ nạn xã hội là 1.693 đạt 169,3% so với kế hoạch (kế hoạch được giao là 1.000 xã, phường).

Tuy nhiên tệ nạn cờ bạc, mại dâm, ma tuý vẫn phát triển với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, gây nhức nhối trong xã hội. Tội phạm buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma túy có xu hướng tăng lên. Dịch bệnh HIV/AIDS ngày càng lan rộng, những giải pháp ngăn chặn chưa hữu hiệu, tái nghiện ma tuý còn lớn. Nguyên nhân của tình trạng yếu kém nêu trên do một số nguyên nhân sau:

- Chính quyền các cấp một số tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm đến công tác cai nghiện phục hồi, đặc biệt là việc lập hồ sơ, xét duyệt, ra Quyết định đưa người nghiện vào cai nghiện không kịp thời nên chỉ tiêu cai nghiện 6 tháng đầu năm 2008 tại một số địa phương đạt thấp. Bên cạnh đó, có khá nhiều địa phương cơ sở vật chất không đảm bản quy trình cai nghiện, việc đầu tư vào đây cũng rất hạn hẹp, lý do địa phương thu chi ngân sách gặp khó khăn. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, tại một số địa phương chưa thật chặt chẽ. Đặc biệt là quản lý giúp đỡ người sau cai tái hoà nhập cộng đồng còn có nhiều mặt hạn chế. Nhận thức về phòng chống mại dâm trong một bộ phận cán bộ Đảng viên và quần chúng còn hạn chế và chưa được thống nhất nên xem nhẹ công tác quản lý ; còn có hiện tượng buông lỏng, làm ngơ ở một số địa phương.

- Công tác cai nghiện tại cộng đồng có nhiều khó khăn, tồn tại từ nhiều năm nay chưa được quan tâm, giải quyết, tháo gỡ như : địa điểm cai nghiện, bài thuốc hỗ trợ cắt cơn, đội ngũ y bác sĩ, nhất là kinh phí hỗ trợ hoạt động cai nghiện, chính sách cho các cán bộ tham gia công tác cai nghiện tại cộng đồng chưa được quan tâm nên không khuyến khích được họ tham gia.Việc đưa đối tượng mại dâm vào Trung tâm chữa trị, giáo dục còn nhiều vướng mắc bởi một số quy định của văn bản pháp luật như: bắt quả tang, vi phạm nhiều lần, trên 18 tuổi...

- Kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống các tệ nạn xã hội còn ít và chưa kịp thời. Đến cuối quý II năm 2008 có 65 % địa phương mới được cấp kinh phí cho công tác cai nghiện, số kinh phí này chỉ đáp ứng được phần nào tiền ăn, tiền thuốc còn các hoạt động khác hầu như chưa được cấp. Vì vậy, Trung tâm phải bố trí học viên tập trung lao động sản xuất, nên không có thời gian tham gia học tập, rèn luyên, sửa đổi hành vi nhân cách. Bên cạnh đó một số địa phương kinh phí cai nghiện phục hồi bị cắt giảm so với năm 2007 như: Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Thái Nguyên... Việc đầu tư nâng cấp Trung tâm cũng bị hạn chế và cắt giảm do một số tỉnh, thành phố tập trung ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực khác (lạm phát, giá cả biến động tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác cai nghiện ở Trung tâm). Kinh phí cho chương trình phòng chống mại dâm chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra..Nhiều địa phương cắt giảm kinh phí như Hà Nam: 18 triệu/năm, Hà Giang: 60 triệu, Lai Châu: 56 triệu, Quảng Trị: 80 triệu... nên nhiều hoạt động bị hạn chế.

- Các văn bản quy phạm pháp luật mới như Nghị quyết số 16/2008/QH/2 ban hành ngày 3-6-2008 thay thế cho Nghị quyết số 16/2003/QH/1, Luật số 16/2008/QH/2 đến tháng 1-2009 mới có hiệu lực. Một số văn bản triển khai Luật mới đưa vào dự thảo. Chính sách thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đầu tư vào hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nghiện và sau cai nghiện chưa được quan tâm nên hạn chế cai nghiện. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn hạn chế vì thiếu nguồn lực, thiếu kinh phí. Xử lý còn nặng về phạt tiền (chiếm tỷ lệ70%), việc cấp, thu hồi giấy phép thiếu thống nhất giữa cơ quan xử lý và cơ quan cấp phép.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thường xuyên liên tục, đặc biệt là chưa xây dựng được các phong trào bảo về trật tự an toàn xã hội, đấu tranh với các tệ nạn xã hội. Xã hội hoá công tác giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội còn những bất cập.

Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc phòng chống các tệ nạn xã hội, tạo ra môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển, chúng ta cần làm tốt hơn nữa một số vấn đề cơ bản sau :

Một là, các cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và công tác phòng chống các tệ nạn xã hội nói riêng. Phát triển kinh tế phải gắn liền với xây dựng môi trường xã hội trong sạch ở từng cơ sở phường, xã. Nếu phát triển kinh tế tốt nhưng môi trường xã hội không đảm bảo thì phát triển không bền vững, ngược lại thì kinh tế sẽ không thể gia tăng, đời sống không được cải thiện , các tệ nạn có cơ hội phát triển. Vì vậy, đi đôi với phát triển kinh tế cần luôn chú ý đến xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

Hai là, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền hỗ trợ công tác xây dựng môi trường xã hội lành mạnh ở từng xã phường. Kịp thời biểu dương các đơn vị, địa phương làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội, trên cơ sở đó nhân rộng các điển hình tạo ra một phong trào quần chúng rộng rãi phát hiện và ngăn ngừa các biểu hiện của các loại tệ nạn.

Ba là, cần tạo điều kiện về các phương tiện, cơ sở vật chất cho các đơn vị, địa phương cũng như các cơ quan chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt là cần tạo ra và giúp đỡ cho những đối tượng mắc các tệ nạn xã hội có cuộc sống tốt hơn như : dạy nghề, tạo việc làm, hoà nhập cộng đồng...

Bốn là, các cơ quan chức năng cần tiến hành kiên quyết hơn trong việc kiểm tra, xử lý các sự vụ có liên quan tới các tệ nạn xã hội. Phối hợp hành động với chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, vận động, giáo dục các đối tượng mắc tệ nạn xã hội hoặc chứa chấp , bao che những đối tượng vướng vào các tệ nạn xã hội/.

Thanh Tùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất