Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong khuôn khổ chuyến công tác từ ngày 26/4 đến ngày 1/5 tại Thụy Sĩ, đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Chánh án Tòa án bang Geneva, Chánh án Tòa án bang Vaud và ông Andreas Keller, nguyên Thẩm phán hình sự Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ.
Chuyến thăm của đồng chí Chánh án TANDTC diễn ra trong bối cảnh sự phát triển tốt đẹp của tình hữu nghị truyên thống và quan hợp tác nhiều mặt trong hơn 50 năm qua giữa Việt Nam và nước chủ nhà Thụy Sĩ, một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hai nước trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, giao lưu thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân ngày càng phát triển. Đầu năm nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong chuyến công tác tại Thụy Sĩ đã có hội đàm với Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu, hai bên đều bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Thụy Sĩ trong suốt 50 năm qua, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học-công nghệ, giáo dục - đào tạo…
Chuyến công tác của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC cũng thể hiện sự tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó có ngành tư pháp, chia sẻ về tầm nhìn, kinh nghiệm của ngành tư pháp trong ứng phó với các thách thức mới toàn cầu của thời đại 4/0, chuyển đổi số và quốc tế hóa sâu rộng.
Trong buổi tiếp tại trụ sở Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ, ông Donzallaz Yves, Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ đã cảm ơn Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc, đánh giá cao và vui mừng về mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa hai nước nói chung và hệ thống Tòa án hai nước nói riêng. Ông Donzallaz Yves cũng đã giới thiệu chung về hệ thống tòa án Thụy Sĩ, vai trò của Tòa án tối cao Thụy Sĩ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ cũng như hành lang pháp lý cho hoạt động của Tòa án.
Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ là cơ quan xét xử cao nhất của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, các quy định trong hệ thống luật pháp của Thụy Sĩ khá phức tạp, các tòa án cấp bang, như tòa án bang Geneva và bang Vaud mà Đoàn đại biểu vừa có các buổi làm việc, đều có các quyền tự trị rất cao.
Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trân trọng cảm ơn Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị và sự chuẩn bị chu đáo. Chánh án TANDTC Việt Nam cũng đã trao đổi với Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ về kết quả chuyến công tác của Đoàn, đồng thời giới thiệu những thành tựu cải cách tư pháp của Việt Nam.
Tại buổi trao đổi nội dung hợp tác với bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cùng cán bộ chủ chốt của Bộ phận Quyền tác giả và quyền liên quan, các bộ phụ trách về Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị WIPO hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo cho nhiều đối tượng khác nhau như đào tạo chuyên sâu một số giáo viên nguồn của Học viện Tòa án, cung cấp học bổng cho giáo viên nguồn và các thẩm phán sang tu nghiệp tại WIPO, mong muốn WIPO hỗ trợ trong việc trao đổi dữ liệu thông tin như tổ chức hoạt động của tòa án sở hữu trí tuệ trên thế giới, nhất là các quốc gia thành công trong lĩnh vực này, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các tòa án này, các kinh nghiệm giải quyết các vụ án về sở hữu trí tuệ, các vụ án liên quan đến Internet, trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là vấn đề toàn cầu thế giới đang phải giải quyết và Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tăng cường giá trị doanh nghiệp từ đổi mới sáng tạo. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mức độ phát triển kinh tế thực chất sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo dựng một môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Sau khi được xây dựng toàn diện, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ là động lực thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và nhu cầu đổi mới sáng tạo trên toàn quốc. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và AI, vấn đề sở hữu trí tuệ đang ngày càng trở nên quan trọng, nhiều tranh chấp không thể giải quyết thông qua con đường hòa giải và cuối cùng cũng có thể dẫn đến việc phải giải quyết tại tòa án.
Phó Tổng Giám đốc WIPO Sylvie Forbin đánh giá cao chuyến công tác của đoàn đại biểu TANDTC và những nỗ lực làm cầu nối hợp tác giữa hai bên của phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Lãnh đạo WIPO khẳng định sự sẵn sàng và thiện chí hợp tác, cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực của thẩm phán cũng như của hệ thống tòa án trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. WIPO cũng đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam giúp hoàn thiện hệ thống luật để có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Tòa án.
Tại buổi làm việc với ông Christian Coquoz, Chánh án Tòa án bang Geneva, Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam đã nghe giới thiệu về tổ chức hệ thống xét xử các cấp ở bang Geneva, các Phó Chánh án Tòa án bang Geneva phụ trách từng lĩnh vực lần lượt chia sẻ các kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và các vụ việc công. Bang Geneva là nơi rất khó tìm thuê nhà nên thường xảy ra các vụ kiện giữa người thuê và đi thuê nên có riêng phòng xử lý các vụ việc này. Đoàn làm việc hai bên cũng đã thẳng thắn chia sẻ công tác nghiệp vụ, các tình huống xét xử công khai hay xét xử không công khai theo quy định.
Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam trong buổi làm việc với bà Marie-Pierre Bernel, Chánh án Tòa án bang Vaud tại Lausanne, cũng đã nghe Chánh án Tòa án bang Vaud giới thiệu về hệ thống toà vị thành niên Thụy Sĩ, những chế tài và biện pháp khắc phục liên quan đến đối tượng phạm tội chưa thành niên. Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn xây dựng pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này, với tinh thần lấy giáo dục, bảo vệ quyền lợi của trẻ vị thành niên phạm tội làm nền tảng. Trong đó, có một số điểm quan trọng, đó là áp dụng giảm một số điểm hình phạt và tăng cường mục tiêu giáo dục, hòa nhập cộng đồng cho các em.
Tại buổi trao đổi với ông Andreas Keller, nguyên Thẩm phán hình sự Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ, Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam cũng đã nghe giới thiệu và tìm hiểu về hệ thống tư pháp Thụy Sĩ, kinh nghiệm giải quyết các vụ án hình sự tại Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại Geneva, Thụy Sĩ, gặp gỡ các cán bộ Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam tại Geneva và các cán bộ Đại sứ quan Việt Nam tại Bern. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã đánh giá cao nỗ lực tổ chức Quốc giỗ của Phái đoàn ngoại giao và tin rằng cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Thụy Sĩ gồm Phái đoàn thường trực và Đại sứ quán không chỉ là cầu nối giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế mà còn là chỗ dựa tin cậy và điểm hội tụ gắn kết chặt chẽ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây.
Tố Uyên - Văn Tuấn (TTXVN)