Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 14/8/2012 16:53'(GMT+7)

Ðoàn kết sẽ làm nên sức mạnh

Doanh nhân Phạm Đình Nguyên là công dân duy nhất của thị trấn Buford.

Doanh nhân Phạm Đình Nguyên là công dân duy nhất của thị trấn Buford.

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có tác động quan trọng, tạo những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài. Bài viết của tác giả Hoài Việt - một người Mỹ gốc Việt, gửi Báo Nhân Dân sẽ cho thấy một phần của những chuyển biến đó.

So với cộng đồng ngoại kiều khác, cộng đồng người Việt tại Mỹ và một số nước phương Tây là một cộng đồng trẻ, năng động, nhanh chóng hòa nhập vào xã hội, có xu hướng định cư lâu dài. Nhìn chung, cộng đồng người này có sự khác nhau về thành phần xã hội, xu hướng chính trị và đa dạng về nghề nghiệp, tôn giáo,... bị chi phối, phân hóa bởi sự khác biệt về giai tầng xã hội, hoàn cảnh ra đi, địa bàn nơi cư trú, và đặc biệt là chính kiến khác nhau. Tình đoàn kết ở một số cộng đồng chưa cao, do sinh sống phân tán, khó tập trung liên kết. Ở một số nước, chính quyền sở tại có chủ trương bố trí cho cộng đồng ngoại kiều sinh sống phân tán, nhỏ lẻ để dễ quản lý. Việc duy trì tiếng mẹ đẻ và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống đang là thách thức lớn đối với những thế hệ trẻ tiếp nối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Dù được coi là hòa nhập thành đạt nhanh ở Mỹ và một số nước phương Tây, nhưng tiềm lực kinh tế của cộng đồng người Việt còn hạn chế, thu nhập nhìn chung còn thấp so với thu nhập của các cộng đồng ngoại kiều khác...

Trong thời kỳ Mỹ tiến hành cấm vận với Việt Nam, tin tức từ Việt Nam đến với Việt kiều chủ yếu qua truyền thông Tây phương. Các "món ăn tinh thần" như phim ảnh, ca hát, kịch nghệ rất thiếu thốn. Về vật chất, những ngày đầu ra khỏi trại tị nạn, chúng tôi phải mua một chai nước mắm hạng ba sản xuất tại Thái-lan với giá ba USD một chai. Còn bây giờ, rất dễ dàng, vì nơi nào có Việt kiều ở đông là nơi đấy có siêu thị Á Ðông. Với nghề làm móng tay thì phụ nữ Việt kể như chiếm độc quyền, không cộng đồng nào bắt kịp. Nhiều người nuôi con ăn học đỗ đạt cũng nhờ nghề này. Kế đến là nghề y. Bác sĩ, dược sĩ Việt kiều chiếm con số khá cao. Nhiều em học sinh là các con em người Việt đã mang lại niềm hãnh diện cho cộng đồng vì có thành tích học tập xuất sắc, được nhận học bổng của các trường đại học nổi tiếng. Ngoài ra, về lĩnh vực điện tử, Việt kiều có rất nhiều kỹ sư và kỹ thuật viên có tay nghề khá. Nghề kế toán, Việt kiều cũng giữ vai trò quan trọng ở những nơi Việt kiều tập trung đông...

Từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp đó là hoạt động có hiệu quả của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, đời sống tinh thần của Việt kiều ở Mỹ đã có nhiều thay đổi.

Bây giờ, Việt kiều muốn về thăm quê hương Việt Nam thật dễ dàng. Các văn phòng bán vé máy bay do người Việt Nam làm chủ có ở khắp nơi, nhất là những nơi có đông Việt kiều sinh sống. Tại đây, bà con có thể trực tiếp xin vi-sa. Trước đây muốn về Việt Nam không thể bay thẳng mà phải ghé lại Thái-lan, một ngày một đêm để chờ làm thủ tục. Nay đã có nhiều hãng hàng không bay trực tiếp bay thẳng từ Mỹ về Việt Nam, muốn đi lúc nào cũng được.

Kênh truyền hình VTV4 với chương trình văn nghệ và tin tức dồi dào phát hình thường xuyên 24 giờ mỗi ngày, một tuần bảy ngày đến khắp nước Mỹ, được truyền qua vệ tinh. Bà con chỉ mất khoảng 200 USD để mua máy và đĩa ăng-ten, với một lần tiền mà không phải đóng hàng tháng để được xem tin tức thời sự và phong cảnh quê hương. Phối hợp với VTV4 còn có Báo Quê hương và Quê hương online mang hình ảnh quê hương, đường lối của Ðảng, Nhà nước do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài phổ biến rộng rãi, thêm vào đó là hoạt động của cộng đồng kiều bào ở mọi nơi trên thế giới. Báo Quê hương còn giúp giải đáp thắc mắc về các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan như chiếu khán, quốc tịch, hôn phối, đầu tư, hồi hương... Cùng với Báo Quê hương còn có Vovnews của Ðài Phát thanh tiếng nói Việt Nam xây dựng nhịp cầu đoàn kết giữa kiều bào với đồng bào trong nước...

Băng vi-đê-ô, băng nhạc, DVD về các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của các anh hùng, các chiến công lẫy lừng trong lịch sử dân tộc, cuộc đời và hoạt động của Bác Hồ đối với công cuộc giải phóng đất nước,... được phổ biến rộng rãi ở Mỹ. Các cửa hàng sách báo, đĩa nhạc công khai bày hàng trong tủ kính ngay hang ổ của bọn chống cộng cực đoan (CCCÐ) là Little Saigon mà không sợ uy hiếp.

Ðã có trao đổi văn hóa giữa Việt kiều với đồng bào trong nước như một số nghệ sĩ Việt kiều về nước biểu diễn, đồng thời cũng có một số không nhỏ ca sĩ từ trong nước qua Mỹ lưu diễn, được Việt kiều hoan nghênh, khen ngợi.

Nhân đây, chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu cùng quý vị và các bạn tuần báo Viet Weekly nơi đã công khai đăng tải những tin tức ở trong nước. Những người chủ trương Viet Weekly thuộc thành phần trẻ, họ là những nhà báo yêu sự thật, yêu tự do cho nên đã không hề nao núng trước sự biểu tình phản đối của các thành phần CCCÐ kéo dài hai tháng trời. Vừa qua, những người làm báo Viet Weekly đã được mời về nước làm phóng sự. Cùng với Viet Weekly là Radio Internet Tiếng quê hương, trước đây chỉ online trên in-tơ-nét, nay do nhu cầu của bà con mà mỗi tuần có thêm hai giờ truyền hình trực tiếp. Và không nói đến kbchn.net (khu bưu chính hải ngoại) là một bất công. Kbchn.net viết và phê bình rất thẳng thắn. Phải nói rằng, việc làm của những người làm báo này là can đảm và rất đáng khen ngợi. Ngoài ra còn có các website do Việt kiều yêu nước chủ trương như tuoixanh.net, tre.com,... và Viện Việt học của những người yêu quý và say sưa với văn hóa Việt Nam. Có thể khẳng định, những điều đề cập trên đây đã nói lên việc làm đúng đắn của những Việt kiều yêu nước góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, ở Mỹ hiện vẫn tồn tại một số nhóm người Mỹ gốc Việt còn nuôi mối hận thù, chống cộng cực đoan, gồm nhiều thành phần khác nhau, thường xưng là "người quốc gia", là "cờ vàng". Thế nhưng, có một điều dị hợm là bọn CCCÐ không biết suy xét và mắc bệnh "chụp mũ", phát ngôn bừa bãi, rất lố bịch. Theo thiển ý của chúng tôi, khi ở miền nam Việt Nam còn có hơn 500 nghìn lính Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ðại Hàn, Thái-lan... cùng đội quân đến một triệu người; rồi là các loại máy bay B.52, F.5, xe tăng, trọng pháo mà còn bỏ chạy, thì qua Mỹ tiếp tục chống cộng bằng mồm thì phỏng có làm nên trò trống gì?

Trên đây là nhận xét của cá nhân, tuy là sự thật, nhưng có tính cá nhân. Khi ôn lại bài học lịch sử của dân tộc, chúng tôi mới biết chính sách "đại đoàn kết" của Bác Hồ là rất đúng đắn và chí lý. Vì đoàn kết sẽ làm nên sức mạnh không gì có thể lay chuyển nổi, và làm nên ý chí mang đến thành công. Ðể khối đoàn kết dân tộc ngày càng phát triển vững chắc, chúng tôi xin có một số đề nghị với Ðảng và Nhà nước như sau:

Sớm đưa kênh truyền hình VTV4 lên in-tơ-nét và hệ thống truyền hình cáp ở Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a và các nước khác, tạo điều kiện cho các kênh truyền hình VTC, HTV... vươn ra nước ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn thông tin. Tăng cường đưa sách, báo, tạp chí ở trong nước đến cộng đồng, các thư viện tại các nước có nhiều người Việt Nam định cư.

Thường xuyên tổ chức cho kiều bào tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp kiều bào nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, sự phát triển của đất nước; hạn chế sự chống phá của các thế lực thù địch. Phát triển các hình thức giao lưu văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, hội chợ, triển lãm Việt Nam... ở nước ngoài với sự tham gia của cộng đồng để giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài nên tăng cường công tác tuyên truyền hướng tới kiều bào, quan tâm đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng trên cơ sở phù hợp luật pháp, phong tục, tập quán của nước sở tại.                        

Chúng tôi được biết mục tiêu của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài là quan tâm vận động Việt kiều xây dựng một cộng đồng ổn định, thành đạt, hòa nhập vào xã hội với nước sở tại, đồng thời hướng về xây dựng quê hương, đất nước. Ðể đạt được mục tiêu này, theo tôi, một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay và những năm tiếp theo là tiếp tục triển khai nhóm giải pháp để thực hiện hòa hợp đại đoàn kết dân tộc. Ðây là công việc khó khăn, không đơn giản, do trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn một bộ phận tiếp tục nuôi dưỡng hận thù, tìm cách chống phá đất nước, tâm lý mặc cảm quá khứ chưa được xóa bỏ. Nhưng chúng tôi hy vọng đó chỉ là khó khăn nhất thời do một thiểu số gây nên. Rồi đây, thời gian và hoàn cảnh sẽ làm thay đổi con người. Một dòng nước chảy xuôi bao giờ cũng đến bến bờ, chứ không phải là những gì đi ngược.



Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất