Nhân dịp các thí sinh trên toàn quốc đang tham gia kỳ thi Đại học - Cao đẳng 2012, kỳ thi quan trọng nhất trong năm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, xung quanh vấn đề chất lượng GDĐH của nước ta.
PV: Là một người đã nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, đại biểu Quốc hội hai khóa XI, XII, có trách nhiệm giám sát lĩnh vực giáo dục, Giáo sư (GS) hình dung bức tranh GDĐH của nước ta hiện nay ra sao?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, đây là một bức tranh có những mảng màu sáng tối xen kẽ. Một số trường đại học công lập có truyền thống vẫn là những trường đi đầu trong cố gắng đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, do nhiều nhà giáo, nhà khoa học uy tín của trường đã nghỉ hưu, đội ngũ kế cận thì chưa đủ tầm cỡ; nhiều ngành mới mở nhưng ít giảng viên được đào tạo đúng ngành, phần lớn công việc do giảng viên xuất thân từ những ngành truyền thống đảm nhiệm, nên đội ngũ giảng viên có chất lượng cao ở những trường này đang thiếu hụt, vì thế khó có thể nâng cao được chất lượng đào tạo. Còn lại, cả nước có hơn 440 cơ sở GDĐH nhưng phần lớn đều nhỏ bé, thậm chí có trường không đủ số lượng giảng viên tối thiểu, lại không một "mảnh đất cắm dùi", năm nào cũng chờ tuyển sinh xong mới chạy đi thuê lớp học. Đại học như vậy có khác gì lớp luyện thi? Tôi thấy các trường đại học mở ra nhiều nhưng chẳng khác gì nhà ở khu phố cổ, không ít trường xây dựng với quy mô "nho nhỏ xinh xinh", sau này muốn gom lại là rất khó. Đã vậy, chất lượng đầu vào không đồng đều, có thí sinh chỉ đạt 8 - 10 điểm cũng nhận được hàng chục “giấy gọi nhập học” của các trường khác nhau.
PV: Mặc dù ngành giáo dục, trong đó có GDĐH được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi là quốc sách hàng đầu; những năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, nhưng kết quả chưa mấy khả quan. GS có bình luận gì về vấn đề này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Từ ngày thành lập nước (1945) đến nay, chúng ta đã tiến hành 3 cuộc cải cách giáo dục nhưng cả 3 lần chỉ chủ yếu ở giáo dục phổ thông, chứ chưa thật sự tiến hành ở GDĐH và dạy nghề. Trong khi đó, giáo dục đại học và dạy nghề là khâu trực tiếp đào tạo nhân lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nói cho đúng thì vào những năm 90 của thế kỷ trước, cũng đã có một sự đổi mới đào tạo đại học với mô hình đào tạo hai giai đoạn (ĐH đại cương và ĐH chuyên ngành) thích hợp với yêu cầu chuyển đổi nghề một cách linh hoạt trong kinh tế thị trường. Nhưng do cách thực hiện có phần chưa hợp lý, lại bị một bộ phận xã hội phản ứng nên chúng ta chưa làm được. Những cố gắng của ngành đại học bị đẩy trở về vạch xuất phát. Mấy năm gần đây, Bộ có đưa ra một số chủ trương công tác đúng, như thực hiện “ba công khai”, kiểm định chất lượng giáo dục,... Nhưng kết quả “ba công khai” chưa được kiểm tra thấu đáo; việc kiểm định chất lượng mới tổ chức trên 20 trường đại học nên cũng chưa có đủ cơ sở để công bố kết quả. Quy định của Luật Giáo dục về thành lập Hội đồng trường để xã hội có thể tham gia định hướng, giám sát công tác đào tạo cũng chưa được thực hiện. Một vài trường tuy có thành lập được Hội đồng trường nhưng Hội đồng chỉ hoạt động hình thức, cầm chừng. Không chỉ đại học, chất lượng giáo dục sau đại học ở không ít cơ sở đào tạo cũng sa sút đáng báo động.
PV: Xã hội càng hiện đại càng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của tổ chức sử dụng lao động, lượng sinh viên ra trường thất nghiệp hằng năm rất lớn. Vậy, theo GS đâu là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Không phải sinh viên nào mới tốt nghiệp cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, bởi vì mỗi doanh nghiệp có hệ thống máy móc và công nghệ riêng của họ. Đây là thực tế của nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước tiên tiến. Nhưng chúng ta cũng không thể lấy lý do đó để bào chữa cho chất lượng đại học của ta. Mấy năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức một số hội nghị hợp tác giữa các trường với doanh nghiệp. Nhưng chính các trường phải năng động hơn nữa, phải có sự liên kết với các đơn vị sử dụng lao động, mời các chuyên gia từ đơn vị sử dụng lao động tham gia xây dựng chương trình đào tạo và tham gia giảng dạy, đưa sinh viên về thực tập ở các đơn vị ấy.
Kinh nghiệm của CHLB Đức về mô hình đào tạo hỗn hợp trong lĩnh vực dạy nghề rất đáng cho các trường dạy nghề và đại học nước ta tham khảo. Đây là mô hình liên kết giữa trường học với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đầu tư 70%, trường đầu tư 30% kinh phí; 70% thời gian, sinh viên học ở doanh nghiệp, 30% thời gian học ở trường.
Ở ta không những không có sự kết hợp như vậy mà chỉ tiêu đào tạo thường cũng không căn cứ trên kết quả điều tra và dự báo khoa học về nhu cầu của thị trường lao động. Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu cho các trường dựa theo chỉ số về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của trường; còn trường thì xác định chỉ tiêu đào tạo cho các ngành chủ yếu dựa trên sự "công bằng" và những suy đoán về thị trường lao động.
Ở các nước phương Tây, nhiều trường đại học có bộ phận maketing để tiếp thị và thăm dò thị trường. Ở ta, sinh viên vào học rồi còn không hiểu ngành đó đào tạo thế nào, ra trường làm gì, do đó cũng không biết tận dụng các cơ hội để rèn luyện, chuẩn bị cho tương lai. Phòng Công tác sinh viên ở các trường chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ quản lý chứ không làm nhiệm vụ tư vấn cho sinh viên.
PV: Ngoài nguyên nhân chủ quan từ ngành giáo dục còn có nhiều nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. GS nhìn nhận thế nào về vấn đề này và đâu là giải pháp?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Đúng như vậy. Giáo dục, trong đó có GDĐH, là một bộ phận của xã hội, vì vậy cần đặt nó trong các mối quan hệ với xã hội mới đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân và tìm ra giải pháp căn cơ được. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa nhất ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục là nền kinh tế của nước ta, thị trường lao động của nước ta chưa buộc các trường đại học phải nâng cao chất lượng đào tạo. Nền kinh tế nước ta chủ yếu vẫn dựa trên công nghiệp lắp ráp, gia công và khai khoáng; nông nghiệp thì quang cảnh phổ biến vẫn là "con trâu đi trước, cái cày theo sau"; ngành kinh doanh phát triển nhất vẫn là mua đi bán lại nhà đất. Để làm được những việc này đâu cần các cử nhân, kỹ sư thật xuất sắc! Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng chưa vận hành theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Việc tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ lao động ở ta còn rất nhiều bất cập.
Để nâng cao chất lượng GDĐH thì phải khắc phục triệt để những bất cập trên. Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trên một sân chơi bình đẳng. Cần thay đổi chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ lao động, trước hết ở khu vực cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Về phía ngành GD-ĐT thì cần có "chiến lược chất lượng" và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện các chủ trương công tác đúng đắn như "ba công khai", kiểm định chất lượng đào tạo, liên kết giữa các trường với đơn vị sử dụng lao động; cần kiên quyết chấm dứt hoạt động của các trường đại học không đạt chuẩn.
PV: Qua những gì vừa phân tích, đánh giá, ông hình dung bức tranh GDĐH nước ta trong tương lai sẽ ra sao?
GS. Nguyễn Minh Thuyết:
Một tín hiệu đáng mừng nhất gần đây, cũng từ đòi hỏi của thực tiễn mà Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học. Từ năm 2013, khi Luật này có hiệu lực, hứa hẹn một lộ trình mới để nâng cao chất lượng giáo dục đại học nước nhà.
Tuy vậy cần phải có có những cải tiến mang tính đột phá. Nhưng những cải tiến này không thể chỉ bó hẹp trong khuôn khổ ngành giáo dục. Tôi nhớ, Ăngghen đã từng nói, đại ý: Khi thực tế có nhu cầu thì nó thúc đẩy khoa học phát triển còn hơn cả trăm trường đại học. Nhận định này cũng hoàn toàn đúng khi đề cập đến việc nâng cao chất lượng đào tạo của chính các trường đại học.
PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này.
KHÚC HỒNG THIỆN (thực hiện)