Đến hẹn lại lên, Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ II
(Asian Para Games II) sẽ diễn ra từ ngày 18-24/10 tại Incheon-Hàn Quốc.
Đến thời điểm này, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã sẵn sàng
tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ II.
Ông Vũ Thế Phiệt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thể thao người
khuyết tật Việt Nam cho biết sẽ có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực
châu Á tham dự Đại hội.
Ngày 27/1, Ủy ban Thể thao người khuyết tật châu Á (APC) đã gửi thông
báo tới các quốc gia thành viên và đưa ra các quy định cụ thể về các môn
thi đủ điều kiện tham dự Đại hội.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thể thao người khuyết tật châu Á đưa ra quy
định bắt buộc về điều kiện tham dự của vận động viên các môn thể thao
tại Đại hội.
Tham dự Đại hội lần này, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự kiến
tham gia tranh tài ở 6 môn gồm điền kinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng
bàn và bowling.
Đoàn phấn đấu giành từ 6-7 huy chương vàng, xếp thứ 15 trên tổng số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Dự kiến, Đoàn Việt Nam có thể giành huy chương vàng ở một số nội dung
như vận động viên Phạm Đức Trung (Hà Nội) với môn cầu lông; cử tạ đặt
niềm tin giành hai huy chương vàng với thành tích thi đấu của Lê Văn
Công và Nguyễn Bình An (Thành phố Hồ Chí Minh); bơi lội cố gắng giành từ
3-4 huy chương vàng của Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung và Đỗ Thanh
Hải; điền kinh đặt mục tiêu một huy chương vàng của Cao Ngọc Hùng...
Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ nhất năm 2010 tại
Quảng Châu (Trung Quốc), Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam xếp
hạng 11/41 quốc gia tham dự với 3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 10
huy chương đồng.
So sánh với các nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 sau Thái
Lan và Malaysia. Đây là thành tích xuất sắc ngoài mong đợi của thể thao
người khuyết tật Việt Nam.
Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á-Asian Para Games II năm 2014
tại Incheon-Hàn Quốc là cơ hội cho các vận động viên thể thao khuyết tật
Việt Nam tham gia vào các hoạt động thể thao trong châu lục; giao lưu,
trao đổi, học tập, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường tình đoàn kết với
các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Các vận động viên Việt Nam cũng có thể mở rộng quan hệ quốc tế về lĩnh
vực thể dục thể thao người khuyết tật với các nước trong khu vực vùng
lãnh thổ châu Á, trước mắt là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Để các vận động viên thể thao khuyết tật đạt được thành tích trên, ngay
từ đầu năm 2014, Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam đã xây dựng
và ban hành Quyết định “Về việc Quy định tiêu chí tuyển chọn vận động
viên, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội
Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ II.”
Đối với vận động viên trẻ tập huấn kế cận cho Đại hội Thể thao người
khuyết tật Đông Nam Á tại Singapore vào năm 2015 và Đại hội Thể thao
người khuyết tật thế giới (Paralympic Games 2016) tại Rio (Brazil), áp
dụng tiêu chí tuyển chọn vận động viên trẻ có giành huy chương vàng tại
Đại hội Thể thao người khuyết tật trẻ châu Á tại Malaysia 2013 và Đại
hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games 7) tại
Myanmar.
Ngày 8/10, lễ xuất quân Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự
Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ II (Asian Para Games
II) sẽ diễn ra tại Hà Nội./.
Nguyễn Quốc Trị (TTXVN)