Nhân dịp tham dự Đại Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA)
lần thứ 44 tại Jakarta, trong ngày 8/8, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam
đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn một số nước quan
sát viên AIPA.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã có các cuộc gặp với Chủ nhiệm
Ủy ban Đối ngoại và Hợp tác Liên Nghị viện Quốc hội Ukraine Oleksandr
Mereshko; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Gruzia Nikoloz Samkharadze; Nghị
sỹ, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Liên Nghị viện Quốc hội Azerbaijan
Kamran Bayramov; Phó Chủ tịch Hạ viện Belarus Valery Mitskevich.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong gặp ông Daniel Caspary,
Chủ tịch Đoàn nghị sỹ Nghị viện châu Âu (EP) phụ trách quan hệ với các
nước Đông Nam Á và ASEAN.
Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nhấn mạnh
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với các
nước trên, mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước bạn bè truyền
thống trên mọi lĩnh vực vì lợi ích thiết thực của cả hai bên; đề nghị
hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn
đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt tại diễn đàn liên nghị viện quốc
tế như IPU, AIPA; chuyển lời mời Nghị viện/Quốc hội các nước cử đoàn
tham dự Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội
vào tháng 9/2023.
Đoàn Ukraine nhấn mạnh coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với
Việt Nam; bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng
lượng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy không chỉ ảnh hưởng đến Ukraine mà còn
đến các quốc gia khác và đã trở thành vấn đề toàn cầu.
Hai bên chia sẻ quan điểm cần giải quyết các xung đột bằng biện pháp
hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hai bên cùng cho rằng hợp tác
kinh tế giữa hai nước gặp nhiều khó khăn (tổng kim ngạch thương mại giữa
hai nước trong năm 2022 đạt 244,2 triệu USD, giảm 66% so với năm 2021;
trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 27,85 triệu USD, giảm 82% so với cùng kỳ
năm 2022); đề nghị tích cực phối hợp cùng tháo gỡ vướng mắc để có thể
nối lại hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư.
Chủ
nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà tặng quà Chủ nhiệm Ủy ban
Đối ngoại và Hợp tác Liên Nghị viện Quốc hội Ukraine Oleksandr
Mereshko. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn Azerbaijan cảm ơn và đánh giá cao những ủng hộ của Việt Nam đối
với vấn đề chủ quyền của Azerbaijan; cam kết ủng hộ những sáng kiến của
Việt Nam tại diễn đàn đa phương; sẵn sàng đón Phó Chủ tịch Quốc hội Việt
Nam sang thăm trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí cho rằng thương mại hai chiều giữa hai nước có dấu
hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19 (năm 2022 trao đổi thương
mại song phương giữa Việt Nam và Azerbaijan tăng 730% so với năm 2021,
đạt 702,5 triệu USD). Con số này còn rất khiêm tốn với tiềm năng của hai
nước, chưa tương xứng với truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân
tộc.
Ông Vũ Hải Hà đề nghị Quốc hội hai bên tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn
nhau tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế. Là nền kinh tế phát triển
năng động tại khu vực, Việt Nam có nhiều thế mạnh về sản xuất nông
nghiệp và công nghiệp, sẵn sàng cung cấp các mặt hàng có thế mạnh cho
Azerbaijan.
Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng
Azerbaijan có thế mạnh như dầu mỏ. Trên tinh thần đó, Việt Nam đề nghị
hai bên tiếp tục phối hợp thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại,
đầu tư nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường
của nhau.
Tại cuộc gặp với đoàn EP, hai bên cùng nhất trí rằng tình hình khu
vực và thế giới thời gian qua có nhiều diễn biến nhanh và khó lường, ảnh
hưởng đến không chỉ Việt Nam và châu Âu; cho rằng hai bên cần hợp tác
chặt chẽ nhằm chia sẻ tiếng nói chung trong những vấn đề cùng quan tâm.
Hai bên thống nhất giải quyết các vấn đề tranh chấp phải thông qua
biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế và các bên cần có hành
động mạnh mẽ hơn vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế
giới.
Ông Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh EU là đối tác thương mại hàng đầu của
Việt Nam; bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được trong triển khai
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA);
đề nghị tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao
thường xuyên, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác trên tất cả các
lĩnh vực chính trị, quốc phòng-an ninh, thương mại, đầu tư.
Đoàn Gruzia đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được thiết lập
từ thời Liên bang Xô Viết, hai nước đã kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ
ngoại giao vào năm 2022; sớm mở Đại sứ quán Gruzia tại Việt Nam để thúc
đẩy hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực; thông báo đã thành lập Nhóm
Nghị sỹ Hữu nghị với Việt Nam; mong muốn mở rộng ngoại giao nghị viện,
trong đó, coi trọng hợp tác với Quốc hội Việt Nam.
Hai bên cho rằng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tuy
tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, đạt hơn 70 triệu USD vào năm
2022, tăng 115,6% so với năm 2021 nhưng chưa xứng với quan hệ chính trị
tốt đẹp giữa hai nước; nhất trí cần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực
mà hai bên có nhiều tiềm năng như giao thông vận tải, hạ tầng cơ sở,
chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng, văn hóa và du lịch; tăng
cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tạo điều kiện cho doanh
nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau và thúc đẩy giao lưu nhân
dân.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên chia sẻ quan điểm chung về
nguyên tắc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ trên cơ sở luật pháp
quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, thông qua các biện pháp thương lượng
và đối thoại hòa bình hợp tác đa phương; nhất trí tiếp tục phối hợp
chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc
tế.
Chủ
nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà và thành viên đoàn trong
buổi tiếp song phương Đoàn đại biểu Belarus do Phó Chủ tịch Hạ viện
Belarus Valery Mitskevich làm trưởng đoàn. (Ảnh: TTXVN)
Phó Chủ tịch Hạ viện Belarus Valery Mitskevich bày tỏ mong muốn của
lãnh đạo Belarus thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, tăng cường trao đổi
đoàn, tiếp xúc, trao đổi ở các cấp và lãnh đạo cấp cao hai nước; đề nghị
hai bên cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp và
Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị của Quốc hội/Nghị viện.
Nhấn mạnh trao đổi thương mại giữa hai nước bị giảm sút sau đại dịch,
ông Valery cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác khôi phục và thúc
đẩy hợp tác kinh tế, thương mại thông qua tăng cường xuất nhập khẩu các
mặt hàng mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu.
Về đối ngoại, Belarus mong muốn tăng cường quan hệ với ASEAN thông
qua việc trở thành quan sát viên của AIPA; cam kết hợp tác với các nghị
viện thành viên AIPA, đóng góp cho việc duy trì hòa bình ổn định của hai
khu vực và thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đánh giá quan hệ hữu nghị truyền
thống giữa hai nước có nền tảng từ thời Liên bang Xô Viết đang phát
triển tốt đẹp; nhất trí cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác thực
chất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước và tận dụng tối đa các
hiệp định thương mại hiện có để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại
song phương.
Cho rằng hợp tác nghị viện là một kênh quan trọng, ông Vũ Hải Hà mong
muốn trong thời gian tới hai bên tiếp tục thúc đẩy trong cả khuôn khổ
song phương và tại các cơ chế nghị viện đa phương, qua đó tăng cường hợp
tác song phương giữa hai nước./.
TTXVN