Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 4/12/2009 20:43'(GMT+7)

Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận khoa học công nghệ

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: "Các doanh nghiệp nên chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận các nguồn tri thức về khoa học công nghệ".

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: "Các doanh nghiệp nên chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận các nguồn tri thức về khoa học công nghệ".

Ngày 4-5/12, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) phối hợp với Trung tâm Năng suất Việt Nam tổ chức Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ 7 và Diễn đàn Năng suất Chất lượng lần thứ 14 với chủ đề "Năng suất Chất lượng - Nền tảng để phát triển bền vững".

Theo Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Vũ Văn Diện, năm 1996, phong trào năng suất chất lượng quốc gia được phát động và tạo ra những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2006-2009, hơn 1.000 tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố, đưa tổng số tiêu chuẩn còn hiệu lực lên hơn 6.000. Hiện, có khoảng 2.100 tiêu chuẩn quốc gia (gần 35%) hoàn toàn tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế.

"Các tiêu chuẩn này đảm bảo nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh, sức khỏe, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên", ông Diện nhấn mạnh.

Ông Diện cho rằng, tăng trưởng kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào sự đóng góp của số lượng vốn đầu tư và lao động, trong khi năng suất lao động của nước ta vẫn còn thấp. Đơn cử, năm 2003-2007, tỷ trọng đóng góp của tiền vốn vào sự tăng trưởng GDP đạt hơn 52% thì lao động mới chỉ đóng góp 18%. Những yếu tố như trình độ công nghệ, chất lượng lao động, công nghệ quản lý... đóng góp vào GDP chưa cao.

Để nâng cao năng suất chất lượng, theo ông Diện, năm 2010-2015 sẽ xây dựng mới 4.000 tiêu chuẩn quốc gia; quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường; đến năm 2020 xây dựng mới thêm 2.000 tiêu chuẩn quốc gia...

Bộ trưởng KH&CN Hoàng Văn Phong cho rằng, với chức năng quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ đề ra những chính sách hỗ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản phẩm đến năm 2020 đang được Thủ tướng xem xét ban hành.

"Để cùng nhau thực hiện tốt các chương trình đổi mới này, các doanh nghiệp nên chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận các nguồn tri thức về khoa học công nghệ, các phương pháp quản lý tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam", Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho hay, hội nghị sẽ phản ánh bức tranh hoạt động kinh tế xã hội của đất nước và các doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu các kỹ thuật, giải pháp hữu hiệu cũng như những phương pháp thực hành tốt nhất về quản lý và cải tiến năng suất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý chất lượng, năng suất và chất lượng trong nước và quốc tế sẽ thuyết trình 3 chuyên đề: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp; Xây dựng doanh nghiệp hoàn hảo; Trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Vnexpress.net
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất