Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 14/10/2011 14:28'(GMT+7)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó thời lạm phát

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Đầu vào tăng lên như vậy, tôi e ngại rằng sẽ có nhiều DN phải tìm cách rút lui tạm thời ra khỏi thị trường".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Đầu vào tăng lên như vậy, tôi e ngại rằng sẽ có nhiều DN phải tìm cách rút lui tạm thời ra khỏi thị trường".

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng HSBC tại 300 DN vừa và nhỏ vừa được công bố mới đây thì hơn 60% DN tham gia cuộc khảo sát cho rằng, lạm phát là mối lo ngại lớn nhất của họ trong những tháng tới. Hai mối lo tiếp đó là các điều kiện tăng trưởng kinh tế bất ổn sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (chiếm 52% DN tham gia khảo sát) và các khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn (chiếm 48% DN).

Bên cạnh đó, nhiều DN nhỏ và vừa cũng cho hay, mọi việc đã trở nên rất khó khăn khi giá cả đầu vào tăng mạnh, việc tiếp cận nguồn vốn và ngoại tệ không dễ. Giám đốc một DN nhựa cho biết, họ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, ngoài khó khăn liên quan đến tỷ giá, lãi vay tín dụng, thì còn chịu áp lực rất lớn khi giá cả nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng vọt. “Đây là thời điểm cân đong, thắt lưng buộc bụng giảm thiểu chi phí, tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của ngân hàng. Bởi vì, với mức lãi ròng của DN chỉ vào khoảng 10 - 15%, trong khi lãi suất cho vay hiện lên đến 18%, DN không thể có lợi nhuận để đủ bù đắp cho mức lãi suất cao như hiện nay”, vị giám đốc này cho biết.

Khi khó vay vốn từ ngân hàng, nhiều DN xoay sang các công ty tài chính, nơi điều kiện vay vốn cởi mở hơn nhưng đồng nghĩa phải chấp nhận lãi suất cao hơn từ 2 - 3%/năm so với các ngân hàng, đạt mức lãi suất xấp xỉ 23%. Ngoài ra, khách hàng trả trước hạn còn chịu phạt từ 2 - 4% trên tổng số tiền còn lại. Như vậy, gánh nặng lãi suất của những doanh nghiệp nhỏ này càng căng hơn.

Lo ngại tình hình lạm phát gia tăng trong những tháng vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thắt chặt tín dụng trong khi mặt bằng lãi suất vẫn còn đứng ở mức cao. Trước thực trạng này, nhiều DN cho rằng, phương cách khả thi nhất để vượt qua khó khăn này là cố gắng duy trì thành quả kinh doanh đã có, hạn chế vay ngân hàng, sản xuất đến đâu thanh toán ngay để tránh tối đa rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Thậm chí DN phải biết chấp nhận bỏ qua cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, dù dư địa của thị trường còn nhiều...

Đồng cảm với những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: Hiện nay các DN đang rất lo lắng về tương lai hoạt động của mình. Có thể dễ dàng hình dung là một loạt DN không thể trụ nổi vì xưa nay họ chủ yếu cạnh tranh bằng giá cả và bằng chi phí thấp nhất thì bây giờ với mức giá tăng lên như thế này, gần như họ không còn cửa để tiết kiệm nữa. Với lãi suất cao thì chi phí vốn đối với DN, nhất là các DN nhỏ và vừa và khu vực tư nhân vẫn ở mức tiếp tục cao. Bên cạnh đó, Nhà nước chủ trương tăng mức lương tối thiểu thì các DN cũng tự mình phải điều chỉnh tiền công, tiền lương cho người lao động.

“Đầu vào tăng lên như vậy, tôi e ngại rằng sẽ có nhiều DN phải tìm cách rút lui tạm thời ra khỏi thị trường, ít nhất là trong thời điểm khó khăn như thế này”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói. Đối mặt với những khó khăn, các DN cũng đang tìm cách tập trung hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng thu hẹp đầu tư trong một số lĩnh vực nhất định. Có những DN ở TP.Hồ Chí Minh mới đầu tư một cơ sở mới chỉ vài tháng nay, lẽ ra họ phải cho vận hành ngay nhưng trong điều kiện như hiện nay, họ không thể nào tính toán được nên đành phải để nằm im một thời gian chờ thị trường thuận lợi hơn. Một cách khác nữa mà nhiều DN đang bàn là tìm cách tăng cường tối đa liên kết với nhau vì cùng nhau biết điều kiện khó khăn như thế này thì có thể nhân nhượng và cùng giúp nhau vượt qua bão giá, vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay. Đây cũng là một cách tích cực.

Ngày 6/4, Thủ tướng đã có Quyết định 21/2011/QĐ-TTg về việc gia hạn nộp thuế thu nhập của DN nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Theo đó, DN nhỏ và vừa được gia hạn nộp thuế trong thời gian 1 năm, kể từ ngày đến thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2011.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực tự bản thân, DN đang mong là các cơ quan Nhà nước đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa để giúp DN có thể giảm chi phí. Mặt khác, một số dịch vụ công mà Nhà nước nắm trong tay thì cũng không nhất thiết là phải tăng lên để có thể đỡ đi gánh nặng cho DN vì DN đang phải chịu chi phí hành chính khá cao và nó cũng tạo một đầu vào khá lớn cho DN.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn bởi vì vẫn tiếp tục có tình trạng nói là thu hẹp tín dụng lại nhưng DN Nhà nước lớn vẫn được dùng rất nhiều trong khi DN nhỏ và vừa vẫn khó khăn thì người ta sẽ thấy ngay là chính sách đó vẫn mang tính chất thiên vị và méo mó. Cho nên Nhà nước phải xem xét và định hướng như thế nào cho phù hợp với từng loại hình và Nhà nước đã cam kết rồi thì phải thực hiện đi kèm với những cam kết đó, chứ không phải là cam kết chính sách, tuyên bố chính sách chỉ nằm ở cấp cao nhất, chỉ nằm trên giấy mà không được các cấp thực hiện đến nơi đến chốn./.

Lưu Đức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất