Với phương pháp tiếp cận đa cấp và đa đối tác, bao gồm các cơ quan Chính phủ, các tổ chức thuộc khu vực tư nhân ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh, chương trình đã tập trung vào 4 hợp phần: Chính sách cho các DNNVV; phát triển kinh tế địa phương; phát triển các chuỗi giá trị; các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến.
Thay đổi nhận thức
Đáng chú ý tại hợp phần Phát triển các chuỗi giá trị, dựa vào thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của các địa phương như cà phê, hạt điều, quả bơ, nhãn, vải, cá da trơn… chương trình thúc đẩy mối quan hệ kinh doanh, hợp tác giữa tư nhân, nông dân, các ban ngành địa phương nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.
Kết quả đã xuất hiện những thương hiệu sản phẩm uy tín, có giá trị kinh tế cao như quả bơ Dakado ở Đăk Lăk, nhãn Hồng Nam tại Hưng Yên, cá da trơn, rau an toàn tại An Giang… Riêng doanh thu quả bơ năm 2006 của Đăk Lăk đã đạt 7 triệu đôla Mỹ, thương hiệu bơ Dakado hiện có giá bán cao hơn bơ thông thường từ 25-30%.
Bên cạnh đó, một loạt công cụ, phương pháp mới cũng được các đối tác trong các hợp phần Chính sách cho các DNNVV và Phát triển kinh tế địa phương đánh giá rất cao về hiệu quả và tính bền vững, như Đối thoại định kỳ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân, Cổng Thông tin Doanh nghiệp (hỗ trợ đăng ký kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp), Đánh giá Tác động Pháp lý (RIA)…
Ông Đoàn Ngọc Minh - GĐ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Nam – một trong bốn địa phương trong diện thí điểm thời gian qua, nhận xét, cái mà chương trình mang lại không phải là tiền bạc, vật chất mà quý báu hơn là giúp chính quyền cơ sở nhận thức được con đường, cách thức hỗ trợ phát triển DNNVV.
“Trước đây, nhận thức của chúng tôi về hỗ trợ DNNVV rất chung chung. Cứ nói là rất chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng thực sự không có chương trình cụ thể, chưa có ý thức cùng đối thoại với doanh nghiệp”, ông Minh chia sẻ.
Xác định xây dựng hoàn thiện toàn bộ cơ chế, đảm bảo môi trường đầu tư, thủ tục hành chính gọn nhẹ, nhanh chóng, ông Minh cho biết, tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị đưa ra Nghị quyết về Bảo vệ, thu hút đầu tư. Đây được cho là biện pháp hỗ trợ thiết thực, trọng tâm của chính quyền đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường liên kết
Mặc dù có được những kết quả khả quan tại các địa phương thí điểm nhưng nhìn nhận chung về năng lực của các DNNVV tại Việt Nam hiện nay, bà Doris Becker – Cố vấn trưởng của Chương trình vẫn cho rằng, mối liên kết lẫn nhau rất hạn chế là điểm yếu cơ bản của các DNNVV tại VN.
Điều này thể hiện cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như năng lực tạo dựng một tiếng nói chung có lợi cho cộng đồng của mình.
Từ góc độ đối thoại giữa khu vực công và khu vực tư nhân, ông Axel Mierke, chuyên gia tư vấn quốc tế độc lập chỉ ra: Năng lực, tổ chức của các hiệp hội, nhất là tại các địa phương còn yếu kém, mờ nhạt là lý do chính ảnh hưởng tới việc hình thành một tiếng nói đại diện tập thể đủ mạnh và một đối tác đối thoại chính sách hiệu quả với chính quyền địa phương.
Không chỉ vậy, tầm nhìn ngắn hạn, chỉ tập trung tìm kiếm lợi nhuận tức thời, định hướng về mặt thị trường hạn chế, không quan tâm đến nhu cầu của thị trường mà chỉ sản xuất những cái mình có… là những hạn chế tiếp theo của các DNNVV.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tốt hơn thời gian tới, các chuyên gia khuyến nghị, trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế, chính quyền địa phương không nên tự làm một cách độc lập, mà nên tham vấn xây dựng cùng các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư nhân.
Điều này sẽ đảm bảo kế hoạch có tính khả thi và sự tham gia hiệu quả hơn của khu vực tư nhân trong việc xây dựng các chính sách trên địa bàn.
Nâng dần vai trò của khu vực tư nhân, bán công, của hiệp hội trong việc hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp; giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp; giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại các địa phương là ý kiến đóng góp thống nhất của các chuyên gia.
(Theo VietNamNet)