Hiện giờ, huyện có hơn 9.000 ha cao-su; 10.000 ha cà-phê và 3.000 ha hồ tiêu, cùng nhiều loại cây nông sản ngắn ngày khác cho hiệu quả kinh tế cao.
Hằng năm, riêng huyện Chư Sê cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 20.000 tấn sản phẩm cà-phê, 15.000 - 20.000 tấn hồ tiêu, trên 10.000 tấn cao-su... Ðây là một trong những nguồn thu chủ lực của huyện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao mức sống của nhân dân trên địa bàn. Thời gian qua, huyện đã quy hoạch hoàn chỉnh khu công nghiệp với diện tích 50,5 ha, đang mở rộng giai đoạn hai với quy mô 150 ha. Ðây là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu cà-phê, hồ tiêu, thức ăn gia súc. Huyện cũng đã đẩy mạnh đầu tư khu Du lịch sinh thái Phú Cường, hồ Ayun Hạ, siêu thị Văn Hóa; xây dựng, quảng bá thương hiệu "Hồ tiêu Chư Sê", cà-phê 4C, cà-phê Utz Certified. Ðồng thời, huyện đã triển khai dự án nâng cao chất lượng, sản xuất kinh doanh cà-phê Robusta bền vững tại các xã cho 800 hộ nông dân; đã và đang hoàn thành cấp chứng chỉ xuất xứ hàng hóa, chứng chỉ cà-phê chất lượng Utz Certified, cà phê 4C có chất lượng cao để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Sản phẩm cao-su của Công ty Cao-su Chư Sê đã được cấp chứng chỉ chất lượng ISO 9001:2000 của tổ chức đánh giá chất lượng TUVNORD (Ðức).
Gắn với việc phát triển kinh tế thì đảng bộ, chính quyền huyện cũng đã thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng củng cố hệ thống chính trị. Nhờ vậy mà tình hình chính trị, kinh tế xã hội của huyện tiếp tục được giữ vững và phát triển theo chiều hướng tốt. Năm 2008, mặc dù điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, giá cả tiêu dùng và vật tư phục vụ sản xuất tăng cao, tình hình an ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo của toàn thể Ðảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Sê, phát huy nội lực, thực hiện tốt các giải pháp thời kỳ kiềm giảm lạm phát, thực hiện an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng củng cố hệ thống chính trị. Tình hình an ninh chính trị, kinh tế xã hội của huyện tiếp tục được giữ vững và phát triển.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,9%. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng ổn định, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. Ngành nông - lâm nghiệp tăng 7,8%, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 24,2%, thương mại, dịch vụ tăng 23,9%. Tổ chức đại hội thành lập Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê với hơn 1.462 hội viên là các doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ và hộ nông dân, thực hiện tốt mối liên kết bốn nhà, để phát triển, quảng bá thương hiệu "Hồ tiêu Chư Sê" ra thị trường thế giới, đi vào hội nhập kinh tế quốc tế. Việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao-su theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh đã được huyện triển khai tích cực, kết hợp giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc tại chỗ. Văn hóa xã hội và giáo dục không ngừng được quan tâm đầu tư phát triển. Hiện tại đã xây dựng, hình thành 20 trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại cơ sở, qua đó giúp nông dân tham gia học tập, tiếp cận các kiến thức về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững, áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với lợi thế trên, Chư Sê đang có những bước đi tự tin trên trên con đường phát triển toàn diện, xóa đói giảm nghèo, đưa nhân dân tiến đến cuộc sống ấm no, giàu có.
Theo NhanDan