Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 28/12/2010 10:21'(GMT+7)

Doanh nghiệp “trăm phương ngàn kế” săn tìm lao động

Xem nhu cầu tuyển dụng lao động tại KCN Thăng Long.

Xem nhu cầu tuyển dụng lao động tại KCN Thăng Long.

Theo khảo sát, hầu hết các bộ phận tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp đang chạy đôn đáo, “lên rừng xuống biển” để tìm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, kết quả thì vẫn là doanh nghiệp đau đầu, trong khi nhiều người lao động vẫn thất nghiệp.

Hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng… vẫn thiếu!

Có thể nhận thấy không khí tuyển dụng rất gấp gáp của các doanh nghiệp hiện nay. Hạ cách nhất mà các doanh nghiệp đưa ra nhằm lôi kéo lao động về phía mình là hạ tiêu chuẩn tuyển dụng. Chẳng hạn như trước đây Công ty Cơ khí chính xác P.M.E – chuyên gia công các chi tiết của động cơ máy, thường yêu cầu rất khắt khe về trình độ của lao động: lao động phải tốt nghiệp cao đẳng dài hạn, hệ chính quy. Tuy nhiên, do quá bí bách về nguồn nhân lực sau nhiều lần tuyển dụng không thành, công ty này đã hạ chỉ tiêu xuống chỉ còn trình còn bổ túc và thấp hơn là lao động chỉ cần tốt nghiệp THCS, không cần kỹ năng nghề. Nhiều công ty trong 3 tháng liên tục chỉ tuyển dụng được 15 lao động trong khi nhu cầu cần đến 40 người làm việc. Cực chẳng đã, họ đã đăng thông báo chỉ cần người lao động đăng ký là sẽ được đi làm ngay không cần phỏng vấn. Tuy nhiên, dù đã hạ ở mức thấp nhất các yêu cầu cho lao động nhưng doanh nghiệp vẫn điêu đứng vì không có lao động. Trong khi đó, theo khảo sát tại các huyện ngoại thành thì số thanh niên thất nghiệp đang ngày càng nhiều.

Khi được hỏi về nguyên nhân tại sao lại không đi làm khi doanh nghiệp không yêu cầu về bằng cấp cũng như kỹ năng nghề, Nguyễn Quốc Huy (xã Đức Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: đi làm công nhân lương thấp lại phải làm ca vất vả. Tuy em không có việc gì làm nhưng ở nhà phụ gia đình bán hàng, giúp thêm chú em trông thêm cửa hàng cầm đồ cũng được vài triệu. Chứ lương công nhân được hơn 1 triệu/ tháng chả được bao nhiêu lại bị gò bó, xét nét…. Tâm lý này không chỉ riêng đối với Quốc Huy, hầu hết thanh niên trong xã không có ý định đi làm tại các công ty mặc dù công việc ngay gần nhà các em. Như trường hợp của Lê Anh Dũng (thị trấn Phùng, huyện Từ Liêm), sau khi đi XKLĐ ở Hàn quốc trở về, Dũng xin làm việc tại một công ty liên doanh nước ngoài, chuyên ngành về điện tử. Thời gian đầu Dũng chấp nhận mức lương 2 triệu đồng/tháng với hy vọng về sau sẽ được tăng lương hoặc được làm vị trí trưởng, phó phòng vì ít nhiều nghĩ Dũng từng đi làm việc ở nước ngoài có nhiều kinh nghiệm sẽ được trọng dụng. Tuy nhiên, 6 tháng sau, lương vẫn lẹt đẹt ở mức 2 triệu mà áp lực công việc càng nhiều, tương lai về một ví trí cán bộ vẫn mù mịt, Dũng đã xin nghỉ làm về nhà buôn bán.

Ven quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển- Thường Tín), quốc lộ 6 (đoạn từ Chương Mỹ đến ngã ba Xuân Mai) xuất hiện rất nhiều tấm biển tuyển dụng công nhân với số lượng vài chục người trở lên với đủ ngành nghề, từ công nhân may làm trong các xưởng thủ công mỹ nghệ, công nhân cơ khí cho đến lái xe công trường…Tại các phiên giao dịch việc làm cuối năm vừa qua số công nhân kỹ thuật, LĐPT tuyển dụng được thành công rất hạn chế. Theo các chuyên gia lao động, thời điểm này doanh nghiệp cần nhiều công nhân không chỉ đơn giản là phục vụ cho các hợp đồng sản xuất nước rút cuối năm của doanh nghiệp mà quan trọng là dự phòng tuyển chọn nguồn nhân lực bổ sung vào các dây chuyền sản xuất có thể biến động sau tết do quy luật công nhân dễ bỏ việc sau Tết.

Tìm kế “săn” lao động

Cuối năm khó tuyển dụng- điều này đã trở thành luật bất thành văn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm nay, các bộ phận tuyển dụng nhân sự tỏ ra ngao ngán khi mà các chiêu, ngón nghề tuyển dụng được giăng khắp nơi nhưng xem ra hiệu quả không cao. Tại các hội chợ, phiên giao dịch việc làm, ngay cả Ban Tổ chức cũng ý thức được khó khăn nên đã có nhiều quảng cáo, phát tờ rơi hơn mọi năm. Tuy nhiên, theo đánh giá chung là do tâm lý người lao động ngại chuyển việc cuối năm do chờ đợi được thưởng tiền Tết từ công ty họ đang làm nên số lao động đăng ký tại các phiên giao dịch ảm đạm.

Một cán bộ nhân sự thuộc tập đoàn Hồng Hải cho biết tuyển LĐPT còn khó hơn là tìm nhân sự cao cấp. Hiện nay số lượng cử nhân ra trường hàng năm thất nghiệp rất nhiều nhưng họ thuộc mẫu người “cao quá thì không với tới mà thấp quá thì họ không làm” nên việc tuyển dụng không khác gì “đẽo cày giữa đường”. Thông thường tập đoàn Hồng Hải liên kết với các trường nghề như Đại học Công nghiệp để đào tạo và tuyển dụng lao động ngay từ khi các em sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường. Đa phần các em sau khi ra trường đều được nhận vào làm việc tại tập đoàn này nhưng do nhu cầu tuyển chọn lao động rất lớn nên việc liên kết này chưa đủ để đáp ứng số lượng lao động khổng lồ của tập đoàn này. Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Nobland Việt Nam đang khá khó khăn khi tuyển dụng gần 1000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất của công ty. Mặc dù chính sách thu hút nhân lực khá phong phú như trợ cấp tiền cơm, tiền thâm niên, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, tham quan, du lịch, ốm đau, hiếu hỷ, tặng quà trong ngày lễ, Tết, các hoạt động vui chơi, giải trí... (ngoài các khoản theo quy định của nhà nước), công ty này cũng khá chật vật. Do vậy, ngoài việc cử cán bộ đi tuyển dụng ở các tỉnh Nam, Bắc, Nobland Việt Nam vẫn luôn có mặt tại các phiên giao dịch việc làm mới một hy vọng lớn nhất là sẽ tuyển dụng được thêm người lao động. Ngoài ra công ty này còn huy động thêm nhiều kênh tuyển dụng khác như đăng tải trên các báo, đài truyền hình, phát tờ rơi, đăng thông báo trên các ngã tư, đường quốc lộ …

Một chiêu thức khác không kém phần hấp dẫn trong việc giữ chân lao động là chủ động thưởng lương tháng thứ 13, tặng quà Tết và hỗ trợ vé xe cho công nhân quê xa về ăn Tết. Đối với việc “săn” lao động mới, nhiều doanh nghiệp về các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyển chọn, hứa hẹn sẽ đào tạo nghề ngay tại dây chuyển sản xuất, lương hậu đãi, bố trí xe đưa đón... Nhiều doanh nghiệp đăng thông báo rộng rãi sẽ thưởng 300-400.000 đồng nếu họ giới thiệu được một lao động vào làm việc tại công ty đó. Hiện nay, một số công ty về may mặc đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân ngoại tỉnh trong những tháng đầu tiên đến Hà Nội làm việc, nhiều đơn vị còn thuê cả một khu trọ gần côcng ty để cho hàng chục công nhân vào ở.

Với những kế sách rất hợp lý mà các công ty đã áp dụng, tưởng chừng hiệu quả sẽ đạt được như ý muốn. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều khác khi các cán bộ nhân sự vẫn chưa tìm đủ lao động, giảm tiến độ sản xuất, hiệu quả kinh tế không được như mong muốn. Trong khi đó, hầu hết thanh niên, đặc biệt là thanh niên ngoại thành lại chê lương công nhân khiến các chỉ tiêu đặt ra trong tuyển dụng của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vô hình chung, việc “săn” lao động của các doanh nghiệp những ngày cuối năm đã làm cho thị trường lao động trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết./.

(Theo HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất