Thứ Hai, 7/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 26/12/2010 17:23'(GMT+7)

Đừng để lời ước nguyện hòa bình chỉ là khát vọng

Giáo hoàng Benedict XVI tại quảng trường St.Peter Vatincan hôm 25/12 (Ảnh: Getty Images).

Giáo hoàng Benedict XVI tại quảng trường St.Peter Vatincan hôm 25/12 (Ảnh: Getty Images).

Đất nước Italy chưa bao giờ phải đặt trong tình trạng “báo động cao” vào đúng mùa Giáng sinh và đón Năm Mới, vậy mà nay phải thực hiện việc này tại các đại sứ quán nước ngoài, tại trụ sở các bộ, các bưu điện và trụ sở Quốc hội... Việc làm này được thực hiện sau khi xảy ra hai vụ nổ bưu kiện ngay trong ngày 23/12 tại các Đại sứ quán Chile và Thụy Sĩ ở Thủ đô Roma khiến 2 người bị thương. Các nhà điều tra Italy đang truy tìm mối liên hệ giữa hai vụ nổ trên với làn sóng đánh bom bưu kiện ở Hy Lạp và một loạt nước châu Âu trong tháng trước. Theo cảnh sát Italy thì đây chính là một hành động nhằm gây căng thẳng trước ngày Thượng viện nước này thông qua dự thảo luật về cải cách hệ thống giáo dục quốc gia đã gây nhiều phản đối trong giới sinh viên Italy và dẫn đến các cuộc biểu tình.

Đất nước Nigeria từ nhiều năm nay vẫn xảy ra nhiều vụ xung đột giữa hai cộng đồng tôn giáo là Hồi giáo và Thiên chúa giáo ở thành phố Jos, bang Plato thuộc miền Trung, làm hàng nghìn người thiệt mạng và ngay đêm Giáng sinh lại có ít nhất 5 người thiệt mạng trong một vụ nổ bom.

Còn ở Pakistan thì ít nhất 42 người thiệt mạng và 72 người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết đúng ngày giáng sinh 25/12. Vụ nổ xảy ra ở ngay trước Văn phòng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại thành phố Khar, Tây Bắc Pakistan, gần biên giới với Afghanistan. Số người thiệt mạng còn có thể tăng cao do nhiều người đang trong tình trạng nguy kịch. Ở đất nước Pakistan, suốt năm 2010 liên tục xảy ra những vụ đánh bom khủng bố và nó đã trở nên hết sức nghiêm trọng khi vào đúng dịp Giáng Sinh và đón Năm Mới, người ta vẫn phải nơm nớp bởi những vụ khủng bố đầy chết chóc này.

Chính những thông tin buồn này khiến người ta quan tâm tới những hành động “vì hoà bình” được tổ chức ở không ít nơi trên thế giới trong mùa Giáng sinh năm nay. Tại Bethlehem, chính quê hương của “cái máng cỏ”, nơi Chúa Giê-su ra đời trong một đêm băng giá, vào Đêm Giáng sinh người dân Palestin đã tổ chức một Lễ hội lớn được mở đầu bằng cuộc tuần hành vì hoà bình của nhiều nam nữ hướng đạo sinh Palestine. Thông điệp của họ gửi tới thế giới dường như muôn thuở vẫn là hòa bình trên trái đất, và bình an cho người ngay lành.

Còn ở Pretoria, Thủ đô của Israel, Thủ tướng Simon Peres đã tham dự một chương trình ca múa nhạc của những em thiếu niên, nhi đồng với những bài ca bày tỏ niềm khát vọng hoà bình của thế hệ tương lai Israel. Có lẽ hơn ai hết, những người dân Trung Đông hiểu rõ cái giá trị của Hoà bình đắt đến thế nào.

Các tín đồ Kito ở Ấn Độ thắp nến tại nhà thờ St.Paul tại Amritsar

Cũng như truyền thống, vào đêm Noel, Giáo hoàng Benedict đã có bài phát biểu để cầu chúc hòa bình trên toàn thế giới. Trong bài thuyết pháp của mình, Giáo hoàng Benedict nói: “Xin Chúa hãy giúp chúng con sống với nhau như anh chị em, để tất cả trở thành một gia đình- gia đình của Người”. Vào cuối ngày, Giáo hoàng đã gửi thông điệp này tới Roma và cả thế giới, rồi ông chủ trì một bữa tiệc Giáng sinh tại sảnh của Vatican dành cho 350 người vô gia cư.

Vâng, có lẽ với mọi người dân lành, mọi tín đồ không chỉ Thiên chúa giáo, khi Đêm Giáng sinh đến, từ khắp mọi nơi trên hành tinh “lời cầu nguyện an lành” vẫn cứ vang lên. Vậy mà đây đó sự an lành vẫn không ngự trị, người ta vẫn phải chứng kiến hàng chục, hàng trăm mạng người bị sát hại. Và bởi vậy, có lẽ lời cầu nguyện của mùa Giáng sinh năm nay, lời cầu chúc Năm Mới này không gì giá trị hơn là “Hãy đừng để lời ước nguyện hoà bình mãi chỉ là khát vọng”./.

(Điệp Anh/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất