Thứ Hai, 25/3/2013 22:58'(GMT+7)
Doanh nghiệp tự tin để đương đầu với khó khăn
(TG) - Dù dự báo kinh tế và kinh doanh năm 2013 có thể sẽ tiếp tục có những bất ổn và khó khăn, nhưng nhiều DN Việt thay vì tiếp tục bi quan, đã sẵn sàng hơn để đương đầu với khó khăn.
Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố bảng xếp hạng TOP 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2012 (FAST 500 năm 2012). Kết quả cho thấy nhiều bất ngờ khi phần lớn doanh nghiệp khá lạc quan vào sự tăng trưởng trong năm 2013, họ đã có sẵn phương án khả thi mặc dù không khí ảm đạm vẫn bao trùm nền kinh tế.
Trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu phục vụ việc Bảng Xếp hạng FAST500 năm 2013, Việt Nam Vietnam Report đã khảo sát ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) thuộc cộng đồng 500 DN lớn nhất Việt Nam, với số phiếu điều tra thu về là 225, thời điểm điều tra vào tháng 1/2013. Theo đó, hơn 62% số DN được hỏi hy vọng doanh thu của họ sẽ gia tăng trong năm 2013 so với năm 2012, trong khi chỉ có chưa đến 15% số DN e ngại khả năng doanh thu sẽ giảm sút trong năm 2013. Tương tự, trên một nửa số DN trả lời khảo sát dự định tuyển dụng thêm lao động trong năm 2013. Đây cũng là tín hiệu tốt, bởi nếu kế hoạch tăng quy mô lao động được thực hiện, thì số lao động thất nghiệp hiện nay sẽ giảm bớt và gánh nặng về an sinh xã hội cũng được cải thiện. Vẫn theo kết quả khảo sát, các DN tiếp tục lo ngại tình trạng lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ gia tăng trong năm 2013
Sở dĩ có bước ngoặt về tâm lý như đã nói ở trên là do tình hình lạm phát, tỷ giá và lãi suất tương đối ổn định trong năm 2012, cho dù tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu dùng thấp, môi trường chính sách và môi trường kinh doanh dường như có tính dự báo khả quan cao hơn. Ngoài ra còn do nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam, sau những khó khăn trong hai năm vừa qua, đã có phương án dự phòng cho tình hình kinh tế trong các năm tới. Điều này cho thấy, Chính phủ cần tiếp tục chính sách điều hành theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao hiệu quả đầu tư. Sự điều hành nóng vội theo hướng “giải cứu” thị trường hoặc tăng đầu tư công bằng nguồn vốn vay để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với rủi ro kèm theo là bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát gia tăng, chưa hẳn đã tác động tích cực tới niềm tin mới được nhen nhóm trong cộng đồng DN.
Kết quả này càng được củng cố thêm khi Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) công bố kết quả khảo sát về Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam có những tương đồng về sự lạc quan. Kết quả được EuroCham công bố ngày 7/3/2013 cho thấy, chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng trở lại sau bốn quý rớt điểm liên tiếp, điều này cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam đang được cải thiện.
Các phản hồi của khối doanh nghiệp châu Âu đều đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện. Nếu như năm ngoái, 72% dự đoán sẽ có suy thoái thì chỉ số này cho năm nay chỉ còn 57%; 43% kỳ vọng rằng sẽ ổn định và phát triển. Chỉ số kinh doanh trong quý này đã tăng từ 45 lên 48 điểm nhờ những cải thiện nhỏ về tình hình kinh doanh. So với quý trước, số lượng DN đánh giá tốt về tình hình kinh doanh hiện tại đã tăng từ 26% lên 40%, theo đó viễn cảnh kinh doanh được cải thiện với 42% đánh giá trung lập; 30% đánh giá tích cực và 28% đánh giá tiêu cực. Các dự án đầu tư vẫn ổn định với số lượng doanh nghiệp muốn cắt giảm đầu tư giảm từ 27% xuống 24%. 73% DN muốn giữ nguyên quy mô hoạt động như năm 2012; 78% cho rằng đang duy trì hoạt động như cũ hoặc tăng đầu tư. Tuy nhiên số lượng công ty có dự án mở rộng kinh doanh đã giảm từ 11% xuống 7%.
Các DN châu Âu cũng cho rằng lạm phát đã giảm đi và dự báo mức 5,12% cho năm nay so với mức họ đã dự báo hồi năm 2012 là 7,83%. Tuy nhiên vẫn còn 45% doanh nghiệp cho rằng lạm phát tác động căn bản đến công việc kinh doanh trong trung hạn của họ tại Việt Nam.
Ngay khi bước vào năm 2013, nhiều DN Việt Nam đã tìm kiếm cho mình những hợp đồng lớn, đẩy mạnh thực hiện chiến lược hướng tới đẩy mạnh mở rộng sản xuất trong trong năm nay. Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Phước Hưng, thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, tình hình đơn hàng đầu năm cũng như toàn năm 2013 của công ty có nhiều khả quan. Ngày 20/2, công ty đã xuất đơn hàng khai xuân khoảng 4-5 container sang thị trường châu Âu. Mặc dù tình hình chung còn khó khăn nhưng Công ty vẫn có nhiều cơ hội, mở rộng sang thị trường xuất khẩu với nhiều đơn hàng của các tập đoàn hy vọng sẽ tăng trưởng tốt.
Hơn 1.500 công nhân của Công ty May KJ Vina (Hàn Quốc) ở tỉnh Bình Dương cũng đang hối hả chuẩn bị thực hiện hợp đồng với các đối tác Mỹ và châu Âu cho những tháng đầu năm 2013. Theo KJ Vina, công ty này đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu 5 triệu USD cho năm 2013, sau khi đã đạt mức doanh thu xuất khẩu 4,8 triệu USD vào năm ngoái.
Có thể thấy, dù theo nhiều dự báo, kinh tế và kinh doanh năm 2013 có thể sẽ tiếp tục tình trạng bất ổn và khó có khả năng phục hồi, nhưng đa số DN Việt thay vì tiếp tục bi quan, đã sẵn sàng hơn để đương đầu với khó khăn. Sự tự tin này là dấu hiệu tốt mở màn cho năm tài chính mới và với sự tự tin này, hy vọng các DN lớn sẽ trở thành những người lính dũng cảm đi tuyến đầu trong việc vực dậy nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi những khó khăn hiện nay./.
Đỗ Hải - Bộ Tài chính