Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 9/3/2012 22:3'(GMT+7)

Doanh nghiệp Việt Nam được gì sau 5 năm gia nhập WTO

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: “Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố đóng vai trò quyết định sự thành bại không chỉ của doanh nghiệp, mà còn của quốc gia dân tộc. Do đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp không còn là việc của riêng doanh nghiệp, mà đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, nỗ lực của các tổ chức ngành nghề và người lao động”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi các nội dung về quan điểm và chủ trương của Đảng ta về hội nhập quốc tế, về nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và sản phẩm; cùng nêu lên các kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, nhất là của các nước có điều kiện khá tương đồng với Việt Nam, trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế, đặc biệt sau khi gia nhập WTO; chỉ ra những yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực trạng năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO (tiếp cận thị trường, củng cố, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…); xử lý mối quan hệ giữa đòi hỏi củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với yêu cầu phát huy tối đa nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhằm thực hiện mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và hiệu quả toàn bộ nền kinh tế…

Các đại biểu cũng tập trung bàn bạc về những đòn bẩy kinh tế nào cần được vận dụng để hướng mọi người, mọi doanh nghiệp hành động đúng với phương hướng đã xác định; những vướng mắc cần tháo gỡ, những cơ chế cần thiết lập, triển khai thực hiện để gắn kết đội ngũ doanh nghiệp nước ta, tạo thành sức mạnh tổng hợp khi cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những sản phẩm có thương hiệu mạnh ở khu vực và trên thế giới; những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm rút ra trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO; những giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế diễn ra sôi động; đồng thời cũng đánh giá một cách khái quát những thành tựu đạt được của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO.

Sau 5 năm gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện ở một số mặt: số lượng doanh nghiệp Việt Nam tăng lên, chất lượng doanh nghiệp được nâng lên một bước; nhiều doanh nghiệp đã từng bước xác lập được chỗ đứng trên thị trường khu vực và thế giới; nhiều loại hình dịch vụ mới được mở ra, thu hút nhiều loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển một số ngành công nghệ mới, công nghệ cao; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng khá tốt... Điều này cũng chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam không bị “đè bẹp” như nhiều ý kiến lo ngại trước đây. Trái lại, doanh nghiệp nước ta đã cải thiện được năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
 
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO vẫn còn thấp, độ ổn định chưa cao: đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học - công nghệ yếu, chưa có thương hiệu nổi tiếng; chất lượng nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo thấp. Đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu kiến thức, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp hoạt động toàn cầu; đa số các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu làm gia công, nên phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào; rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược cạnh tranh hiệu quả, chưa khẳng định được uy tín, chất lượng và thị phần trên thị trường khu vực và thế giới. Chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông và xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều yếu kém./.

Tuấn Phạm
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất