Thứ Năm, 28/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 20/6/2016 21:19'(GMT+7)

Doanh thu di động chiếm 30% tổng thương mại điện tử Việt Nam

Bà Hoàng Ngọc Yến, đại diện Google phụ trách khách hàng chiến lược mảng thương mại điện tử ở Việt Nam đang trình bày những công cụ Google hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: H.Đ

Bà Hoàng Ngọc Yến, đại diện Google phụ trách khách hàng chiến lược mảng thương mại điện tử ở Việt Nam đang trình bày những công cụ Google hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: H.Đ

Năm 2016 được xem là năm của di động tại Việt Nam, thể hiện qua lượng tìm kiếm trên di động đã vượt qua máy tính, bà Hoàng Ngọc Yến - đại diện Google phụ trách khách hàng chiến lược mảng thương mại điện tử ở Việt Nam - cho biết.

Nói trước hàng trăm khán giả ở Vietnam Mobile Day 2016 hôm 18/6 tại TP.HCM, bà Yến cho biết những ngành nghề hiện nay đang thu hút nhiều khách mua hàng online là thời trang, phụ kiện, sách, điện tử - điện gia dụng. Đối với hàng thời trang, người dùng sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin cao gấp đôi so với người dùng máy tính. Di động đang là xu hướng chính hiện nay và với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tìm khách hàng mới, di động nên là kênh đầu tư.

Không chỉ tăng trưởng về lượng, di động đã góp phần không nhỏ về chất trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Doanh thu trên mobile đã chiếm 30% trên tổng doanh thu của các trang thương mại điện tử lớn, đại diện Google cho biết. Trước đó, Lazada đã từng công bố doanh thu từ mobile chiếm 50-60% doanh thu tổng.

Bà Yến cho biết tuy người dùng tìm kiếm nhiều trên di động, nhưng việc mua sắm lại thực hiện trên nhiều thiết bị khác nhau. Do đó, để bắt kịp xu hướng và tìm khách hàng thì doanh nghiệp cần đầu tư vào di động, nhưng việc đo lường cần thực hiện trên đa thiết bị mới ra được con số chính xác.

Về hành vi mua sắm, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc công ty nghiên cứu Nielsen Hà Nội - cho rằng, người dùng di động thường mua sắm theo ngẫu hứng, trong khi người dùng laptop sẽ mua sắm có chủ đích hơn. Người dùng di động khi tra cứu chủ yếu tìm kiếm hình ảnh và mua sắm dựa theo thông tin doanh nghiệp mang đến. Ngược lại, người dùng laptop tìm kiếm thông tin, so sánh giá một cách chủ động hơn.

Bà Hà cho biết hành trình mua sắm của khách hàng trên mạng rất phức tạp. Họ thường tìm kiếm thông tin từ mạng xã hội, email, bộ máy tìm kiếm… trước khi có quyết định mua hàng. Khoảng hơn 50% khách hàng dùng điện thoại ở khu vực thành thị đều đã từng có những hành vi liên quan đến mua sắm trên mạng.

Sở dĩ di động lên ngôi trong quy trình mua sắm của người tiêu dùng là do lượng điện thoại thông minh ở Việt Nam đang tăng nhanh. Bà Hà dẫn các thống kê cho biết năm 2010, tỷ lệ người dùng smartphone ở Việt Nam chỉ khoảng 5%. Đến năm 2012, có 30% người ở các thành phố lớn sở hữu điện thoại thông minh. Năm 2014 thì có hơn 50% người dùng ở thành thị có smartphone trong tay.

Trước đó, ông Trần Hải Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương) - cho biết, Việt Nam đang có khoảng 35 triệu người dùng smartphone (năm 2015), con số này có được do lấy tổng lượng người dùng smartphone các mạng di động cộng lại. Ông Linh cũng nói tăng trưởng smartphone ở Việt Nam đứng trong top 5 của thế giới.

Theo ông Linh, có 47% người dùng di động ít nhất một lần tìm kiếm thông tin về sản phẩm, 27% người dùng từng mua một thứ gì đó qua smartphone. Ông cũng đánh giá sự tiến bộ của công nghệ đang phát triển rất nhanh, các cơ quan quản lý nhà nước phát triển theo không kịp. Do đó, cơ quan do ông phụ trách đã đề xuất xây dựng riêng một văn bản để quản lý ngành thương mại điện tử./.

Theo ICTnews


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất