Thứ Năm, 28/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 18/2/2016 20:45'(GMT+7)

Độc đáo Lễ cấp sắc đánh dấu trưởng thành của người Dao ở Sa Pa

Nghi thức cấp sắc của dân tộc Dao đỏ tại thôn Can Hồ B, xã Bản Khoang. (Ảnh: TTXVN)

Nghi thức cấp sắc của dân tộc Dao đỏ tại thôn Can Hồ B, xã Bản Khoang. (Ảnh: TTXVN)

Nhằm giới thiệu những nét đẹp văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Dao đến đông đảo du khách trong và ngoài nước nhân dịp đầu Xuân Bính Thân, ngày 18/2, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã tổ chức tái hiện Lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ tại thôn Can Hồ B, xã Bản Khoang.

Lễ cấp sắc của người Dao trước kia chỉ được thực hiện tại các gia đình. Đây là lần đầu tiên Sa Pa đưa Lễ cấp sắc đến gần hơn với đông đảo du khách trong dịp lễ hội đầu Xuân với kỳ vọng sẽ trở thành một trong những lễ hội truyền thống thu hút đông đảo nhất du khách trong và ngoài nước.

Ông Tẩn Sài Chiêu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Khoang (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua Lễ cấp sắc thì dù già vẫn chưa được coi là trưởng thành vì chưa có thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm.

Người đã qua cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng và được cúng bái.

Họ cũng quan niệm rằng có trải qua Lễ cấp sắc mới biết lẽ phải, trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Do vậy, người đàn ông Dao nào cũng phải làm Lễ cấp sắc.

Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nông nhàn.

Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kỹ, người Dao đỏ, Dao tiền thường làm Lễ cấp sắc từ độ tuổi 12-30, có khi đến già; trong khi đó ở người Dao áo dài là 11-19 tuổi.

Người Dao đỏ có thể tổ chức cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ.

Buổi lễ đã tái hiện sinh động những phân khúc độc đáo nhất của nghi thức cấp sắc như lễ trình báo đón tổ tiên, lễ lên hương, lễ phát lương, lễ xin treo tranh nhỏ... Lễ vật dâng cúng gồm có thịt lợn, rượu và cơm. Mâm lễ được bày trước bàn thờ tổ tiên của dòng họ.

Đến giờ làm lễ, thầy cúng chính thỉnh mời các thần thánh, tổ tiên...; đội nhạc gồm trống, chiêng, kèn tấu lên khúc nhạc vui mừng đón thần thánh, tổ tiên về thụ hưởng lễ, bảo vệ che chở cho thầy và trò hoàn tất các thủ tục cấp sắc 12 đèn cho các trò.

Bên cạnh những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, Lễ cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác, giúp con người nhận thức đúng đắn về bản thân, về cách sống có nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

Theo ông Lù Văn Khuyên - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Sa Pa, Lễ cấp sắc của người Dao là cả một kho tàng văn hóa cổ truyền không chỉ mang tính giáo dục mà còn mang giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Lễ cấp sắc đã huy động tổng hợp các loại hình nghệ thuật để phục vụ cho mục đích tôn giáo, tín ngưỡng. Tất cả các loại hình như âm nhạc, kiến trúc, thánh ca, diễn xướng… (bao gồm nhảy múa, trình tự trình diễn lễ nghi...) đều hòa quyện vào nhau, đổi thay rất phong phú và đa dạng.

Các loại nhạc cụ dân tộc như trống, kèn, thanh la, não bạt, chuông con, tù và… được sử dụng trong ​Lễ cấp sắc cùng hòa tấu trở thành một dàn nhạc dân tộc rất độc đáo, hấp dẫn.

Trong ​Lễ cấp sắc có điệu múa chuông trang trọng, khỏe khoắn, rộn ràng, vui tươi, đã được khai thác và biên tấu phù hợp để phục vụ đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước, chứng tỏ giá trị nghệ thuật múa của dân tộc Dao qua bao đời nay.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ cấp sắc thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung sướng, ấm no và hạnh phúc, chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện và có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thắt chặt tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của đồng bào Dao.

Để buổi ​Lễ cấp sắc thực sự trở thành ngày hội của người dân ở địa phương, huyện Sa Pa còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, leo cột tre, kéo co... và đặc biệt là tái hiện lại đám cưới truyền thống của người Dao ở Sa Pa./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất