Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Hai, 8/10/2018 8:42'(GMT+7)

Đôi bên cùng lợi

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại một hội nghị ở Johannesburg, Nam Phi ngày 26/7/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại một hội nghị ở Johannesburg, Nam Phi ngày 26/7/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống LB Nga V.Putin vừa có chuyến thăm hai ngày (4 và 5/10) tới New Delhi để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Nga thường niên lần thứ 19. Diễn ra vào thời điểm quan hệ hai nước bị chi phối bởi nhiều yếu tố địa chính trị quốc tế và khu vực đang có nhiều thay đổi, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống V.Putin lần này được đánh giá là thành công trên cả phương diện ngoại giao và kinh tế.

Moscow và New Delhi đang có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp từ nhiều năm nay dù phải trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị biến đổi nhanh chóng thời gian qua đang tạo ra những áp lực khiến mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Nga gặp không ít sóng gió.

Vấn đề hàng đầu đối với Ấn Độ là Nga ngày càng có xu hướng xích lại gần với Pakistan, quốc gia láng giềng và cũng là đối thủ của New Delhi. Trong quá khứ, Moscow thường hậu thuẫn Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua việc bỏ phiếu phủ quyết các nghị quyết liên quan đến vấn đề Kashmir-vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực Nam Á ngày càng trở thành đối tượng ưu tiên của Nga. Lần đầu tiên Nga ủng hộ một đường ranh giới tại Kashmir bằng việc tham gia Tuyên bố chung Islamabad tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở Pakistan tháng 12/2017, với sự tham gia của 5 quốc gia là: Afghanistan, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Ngoài ra, Nga cũng công khai hối thúc Ấn Độ tham gia sáng kiến Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, điều mà New Delhi gần như chắc chắn sẽ không tham gia do những vấn đề liên quan tới chủ quyền lãnh thổ.

Ngược lại, Moscow cũng không cảm thấy thoải mái khi New Delhi ngày càng có xu hướng mở rộng hợp tác với Mỹ, điển hình là việc Ấn Độ tham gia “Bộ Tứ” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu, cùng với Nhật Bản và Australia.

Do vậy, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống V.Putin lần này chính là “làm mới” quan hệ hai nước nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm đảo lộn các nguyên tắc quản lý toàn cầu.

Chỉ vỏn vẹn trong 24 giờ, song cả Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã giải quyết một khối lượng lớn công việc, tạo nền tảng hợp tác cho cả hai nước trong 10-20 năm tới. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm lần này của Tổng thống V.Putin chính là việc hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Theo đó, Moscow bán 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400 tối tân trị giá 5,43 tỷ USD cho New Delhi. Dự kiến, việc chuyển giao S-400 sẽ bắt đầu vào tháng 10-2020. Ngoài ra, hai bên còn ký thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực không gian, theo đó, một trạm theo dõi của Ấn Độ sẽ được xây dựng gần thành phố Novosibirsk thuộc vùng Siberia, miền Đông nước Nga.

Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại trong thời gian tới, đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức hơn 30 tỷ USD từ nay đến năm 2025. Thủ tướng Narendra Modi tái khẳng định lập trường rằng việc mở rộng quan hệ với Nga là một phần không thể thiếu trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ. Ông Narendra Modi đề xuất, hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ hạt nhân và quốc phòng.

Hơn 20 thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống V.Putin đã minh chứng cho mức độ sâu sắc và bền chặt của mối quan hệ đối tác chiến lược lâu đời giữa Moscow và New Delhi, cũng như phù hợp với lợi ích của mỗi nước.

Việc Nga ký thỏa thuận bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho New Delhi mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử hợp tác kỹ thuật-quân sự hai nước, cũng như cho thấy mức độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Thỏa thuận này không chỉ giúp New Delhi củng cố vị thế quân sự trong khu vực mà còn giúp Moscow thu về khoản lợi nhuận không nhỏ.

Tuy nhiên, thỏa thuận quốc phòng Nga-Ấn lại đẩy Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan. Thực tế, tham vọng sở hữu tên lửa S-400 của Ấn Độ không phải thông tin bất ngờ đối với Washington, bởi các cuộc đàm phán giữa New Delhi và Moscow đã khởi động từ năm 2015. Trớ trêu ở chỗ, việc Nga-Ấn ký thỏa thuận này diễn ra vào thời điểm Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ, thông qua cấm vận, gọi tắt là CAATSA, vừa có hiệu lực hồi tháng 8 vừa qua. Tháng trước, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc sau khi Bắc Kinh mua một lô vũ khí từ công ty Nga, trong đó có tên lửa S-400.

Thế nên, thương vụ mua tên lửa S-400 của Ấn Độ buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump đứng giữa hai lựa chọn: Trừng phạt nước này hoặc trao cho New Delhi một ngoại lệ. Nếu Washington áp đặt lệnh trừng phạt với New Delhi, điều này càng đẩy Ấn Độ vào vòng tay của Nga. Còn ngược lại, CAATSA sẽ mất đi sức mạnh trừng phạt. Lựa chọn nào cũng là khó khăn lớn đối với Washington.

Rõ ràng, chuyến thăm Ấn Độ của nhà lãnh đạo Nga V.Putin đã thành công ngoài mong đợi trên cả phương diện ngoại giao và kinh tế. Kết quả chuyến thăm không chỉ xóa bỏ những nghi ngại từ hai phía mà còn góp phần thắt chặt hơn nữa vai trò trung tâm của mối quan hệ Nga-Ấn Độ trên thế giới và trong khu vực, củng cố bởi lòng tin và tình hữu nghị trong quan hệ song phương./.

Linh Oanh (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất