Thứ Tư, 27/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 5/3/2009 22:9'(GMT+7)

“Đời cười 8”: Chưa diễn đã cháy vé

Vở kịch “Bệnh huyếnh” trong chùm hài kịch. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Vở kịch “Bệnh huyếnh” trong chùm hài kịch. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Hóa phép với những “bệnh nan y”
 
Đích thân đạo diễn Lê Hùng ra tay, với kịch bản khá nổi tiếng của hai tác giả, một đã rất nổi tiếng: Lưu Quang Vũ, và một đã khá quen thuộc: Thanh Lê; “Đời cười 8” ngay từ khi trên kịch bản đã hứa hẹn hấp dẫn.
 
Những câu chuyện thú vị về thói hư tật xấu trong cuộc sống hàng ngày, như thông lệ của Đời cười lâu nay; nhưng năm nay “Những bệnh nan y” được đưa lên sân khấu khá dí dỏm. Bốn căn bệnh: Bệnh sạch - bệnh ghen - bệnh huyếnh - bệnh sĩ xem ra đều khá quen thuộc và khiến ai cũng dễ giật mình khi xem.
 
“Bệnh sạch” với hình ảnh một người vợ luôn đòi hỏi, cầu toàn trong cuộc sống cũng như sinh hoạt gia đình. Cô luôn muốn mọi thứ quanh mình phải sạch sẽ, tinh tươm, sạch đến mức “bệnh lý”. Trong khi đó, những người thân của cô lại sống rất bừa bãi, thiếu ý thức, trái ngược hoàn toàn và “phá vỡ” hoàn toàn những "sự sạch" của cô.

Sự dí dỏm của tác giả kịch bản trong việc khai thác những chi tiết “chi li” của cô vợ để đảm bảo “sạch”, mâu thuẫn giữa một người cố sạch hết mức và một người bừa bãi hết mức tạo một chút cương khiến nụ cười mang đến cho khán giả càng thêm dí dỏm, thú vị.
 
Cũng là một căn bệnh, nhưng “bệnh ghen” kể về một tình huống kịch đầy lố bịch và hài hước do không kìm chế được sự ghen tuông mù quáng của mình mà tình yêu của cô Nguyệt và ông Thọ dành cho người thân trong gia đình họ đã khiến cuộc sống trở nên đầy tù túng và ngột ngạt.
 
Yêu thương là điều cần thiết trong cuộc sống, yêu thương kèm thêm sự ghen tuông sẽ tạo ra gia vị cho cuộc sống. Nhưng ghen tuông quá mức và mù quáng, vô lý sẽ làm mất đi những niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống, gây ra sự ngột ngạt, mệt mỏi cho những người thân của mình.
 
Không dừng lại trong mức độ “bệnh gia đình”, câu chuyện của “Đời cười 8” còn “mổ xẻ” với những căn bệnh xã hội. Đó là “Bệnh huyếnh” với tình cảnh trớ trêu ở một gia đình giàu có mà các bậc “tuổi cao đức trọng” thường nuông chiều quá mức, “thưởng tiền” cho đứa cháu “đít nhôm” một cách vô tội vạ, nên hậu quả đã biến cậu ấm quý tử thành con nghiện từ lúc nào không ai hay.
 
Hay “bệnh sĩ”, với kịch bản nổi tiếng cùng tên của cố tác giả Lưu Quang Vũ phê phán thói hư tật xấu của một số công chức hám thói khoe khoang, ưa thành tích chỉ cốt huyênh hoang vẻ ngoài mà không nghĩ đến những việc thiết thực và trọng tâm.

Bốn câu chuyện, bốn căn bệnh, bốn cách “oái oăm” và trớ trêu mà các nhân vật tự tạo ra cho mình trong cuộc sống… đã tạo nên một chùm hài kịch thật sự thú vị, mang tới những nụ cười nhẹ nhàng nhưng sâu sắc cho người xem, bởi ra khỏi rạp, cười xong, ai cũng lại thấm thía, rằng hình như trong cuộc sống, đôi khi, mình cũng có thể mắc những căn bệnh này, có thể nhẹ, có thể nặng… Ý nghĩa của vở diễn chính là ở đó!

Không cần “sao”!

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Trương Nhuận. Và có lẽ đó cũng là một “chiêu” rất thành công của Đời cười lâu nay: Không dùng “sao” trên sân khấu.
 
Với “Đời cười 8”, người xem gặp lại những gương mặt “không hề Chí Trung, hay Vân Dung”. Đó là nghệ sỹ ưu tú Ngọc Huyền, Nghệ sĩ Sĩ Tiến, Quỳnh Dương, Quang Ánh, Thanh Bình, Ngọc Bích, Nguyệt Hằng, Tuấn Anh, Lệ Hằng. Nhưng chính những cây hài mới này lại tạo nên sự tươi trẻ, thú vị và cảm giác rất tự nhiên trong diễn xuất, khiến người xem thật sự bị cuốn hút và hấp dẫn.
 
Tất nhiên, cũng phải kể tới cái tài của “ông thầy phù thủy” Lê Hùng, khi chỉ với những “mảng miếng” quen thuộc, nhưng với khả năng nhào luyện của ông, đã tạo ra tiếng cười rất mới mẻ và khá thành công trên sân khấu đầu năm của Nhà hát Tuổi trẻ!
 
Công chúng không bao giờ “nhầm” trong sự chọn lựa của mình. Vậy nên có thể coi, việc “cháy vé” và lại xuất hiện “phe vé” ở cửa rạp đã là thành công không thể “từ chối” của “Đời cười 8” rồi./.
 
TG- (theo (Tin tức/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất