Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Chủ Nhật, 10/7/2016 22:47'(GMT+7)

Đối diện nguy cơ bỏ lỡ cơ cấu dân số vàng

 

Ba cơ hội và năm thách thức

Đối với Việt Nam, cơ cấu dân số vàng (CCDSV) mở ra cơ hội làm ra nhiều của cải vật chất, tích lũy hiệu quả các nguồn lực để phát triển đất nước. Dân số trong độ tuổi lao động của nước ta trong thời kỳ này chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 69% tổng dân số năm 2015).

Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, còn đồng nghĩa giúp cho thị trường tiêu thụ được mở rộng. Bởi dân số trong thời kỳ này vừa là lực lượng sản xuất chủ lực vừa là lực lượng tiêu dùng chính. Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây đã chứng minh: “Chi phí tiêu dùng tăng nhanh theo tuổi và đạt mức lớn nhất trong nhóm tuổi từ 25-29 và duy trì ở mức cao cho đến 45 tuổi thì giảm gần tới mức trung bình”.

Thêm nữa, trong thời kỳ CCDSV số lượng trẻ em giảm, chúng ta có điều kiện để tái cấu trúc, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Nhưng cơ hội cũng đi liền với thách thức. Đó là, dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng chưa cao (thống kê năm 2015 cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động mới chiếm khoảng 78,8% dân số); hầu hết (khoảng 70%) dân số sống và khoảng 48% lao động đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn - khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Trong khi nhu cầu tạo việc làm và giải quyết việc làm rất lớn, nhưng tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là thất nghiệp của thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chậm được cải thiện, vẫn có tới 7,21% lao động thanh niên chưa có việc làm. Chất lượng nhân lực chưa cao. Theo số liệu thống kê tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chỉ đạt 20,2% trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế.

Điểm nghẽn lớn hiện nay là năng suất lao động nhìn chung vẫn còn thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực. Một thách thức lớn nữa là số lượng người già có xu hướng tăng nhanh trong thời kỳ CCDSV đã làm phát sinh nhiều nhu cầu mới về chi trả lương hưu, bảo hiểm, hệ thống y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc thù cho nhóm dân cư này.

Cần cách tiếp cận chính sách mới

Việt Nam có thể chưa được nếm vị ngọt của thời kỳ dân số vàng mà đã phải thử trái đắng của vấn đề già hóa dân số, đó là cảnh báo được đưa ra mạnh mẽ trong giai đoạn gần đây. Theo ông Lê Bạch Dương, Đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, do Việt Nam thuộc một trong những quốc gia có mức già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực, nên đòi hỏi phải có một cách thức tiếp cận mới trong các chính sách về dân số. Cần phải đi từ góc độ phát triển chiến lược của quốc gia, chứ không chỉ bó hẹp trong các khía cạnh như kế hoạch hóa gia đình hay chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cơ cấu dân số vàng mang đến cơ hội cho Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Ảnh: QUANG NINH

Việt Nam có nguy cơ đối mặt với tình trạng mức sinh quá thấp và điều này có thể gây ra các tác động xấu tới quá trình phát triển bền vững như: thiếu lao động, già hóa dân số nhanh chóng gây thêm gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm quốc gia và thu hẹp thị trường trong nước. “Việt Nam cần ban hành các chính sách kịp thời, phù hợp để có thể tận dụng được các lợi thế của lực lượng lao động dồi dào bằng cách đầu tư vào thanh thiếu niên vì giai đoạn này dự kiến sẽ kết thúc sau năm 2041. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để giúp thanh thiếu niên phát huy được tối đa tiềm lực của mình bằng cách hỗ trợ họ phát triển toàn diện, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục”,-ông Lê Bạch Dương nhấn mạnh.

Nhìn từ góc độ giáo dục, Quỹ Dân số LHQ đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần phải chú trọng đến nhóm chính sách về giáo dục và đào tạo, chú trọng đến chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động; triển khai các chương trình về kỹ năng sống, hành vi, kiến thức xã hội cần thiết, đặc biệt là cho thanh niên.

Với cương vị là chuyên gia trong lĩnh vực dân số, ông Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng, để không mất cơ hội trong thời kỳ dân số “vàng”, Việt Nam cần tập trung đào tạo lao động có trọng điểm, chú ý đến lợi thế vùng miền. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đội ngũ lao động kế cận chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số. Chia sẻ với ông Cử, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, Việt Nam phải hoàn thiện thể chế và công cụ phục vụ thị trường lao động, hoàn thiện hệ thống thông tin, dự báo... tạo thị trường lao động công khai, lành mạnh.

Nhìn xa hơn, thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số ở nước ta diễn ra cùng một lúc, vậy nên Nhà nước cần có những chính sách nhằm tận dụng ở mức cao nhất đối với bộ phận dân số là người cao tuổi, khuyến khích họ tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với những người với độ tuổi từ 55 - 75 còn sức khỏe, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm.

Những giải pháp khai thác triệt để cơ hội của cơ cấu dân số vàng, không chỉ nhằm phát huy lực lượng lao động dồi dào ở giai đoạn này để làm ra khối lượng của cải vật chất nuôi sống bản thân họ, mà quan trọng không kém là còn tạo nên thặng dư để bảo đảm cuộc sống cho các nhóm dân số phụ thuộc trong cùng thời kỳ.

Cơ hội vàng của “dân số vàng” là điều không cần phải tranh cãi. Tuy nhiên, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ nó để rồi đối diện với giai đoạn già hóa dân số hay không thì vẫn còn là câu hỏi gây tranh luận. Nhưng dù câu trả lời là gì, thì cái mốc 2041 cứ ngỡ xa xôi ấy sẽ trôi qua thật nhanh, nếu chúng ta không hành động kịp thời. Cần đến một thái độ tiếp cận chính sách mới, để chính sách phát triển dân số phải hài hòa với các chính sách kinh tế - xã hội nhằm tạo nên chất lượng vàng cho giai đoạn dân số vàng!

Theo kết quả dự báo của LHQ, Việt Nam có cơ cấu dân số vàng từ năm 2007 và kết thúc vào năm 2035. Năm 2009, Tổng cục Thống kê đã đưa ra dự báo cho thấy nước ta đã chính thức bước vào thời kỳ CCDSV bắt đầu từ khoảng năm 2007 và kết thúc vào khoảng năm 2041.


Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất