Thứ Tư, 4/12/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 26/4/2014 21:7'(GMT+7)

Đổi mới chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm

PGS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TH)

PGS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: TH)

Ngày 26/4, tại Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới mô hình đào tạo và chương trình đào tạo của các trường đại học sư phạm”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng  Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển và đại diện 7 trường đại học khối sư phạm trong cả nước.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giới thiệu Đề án Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên của trường, từ đó lấy ý kiến góp ý thảo luận của các nhà quản lý, các giáo viên khối các trường đại học sư phạm nhằm hoàn thiện đề án. Nếu Đề án thành công, các trường đại học khối sư phạm trên cả nước có thể học hỏi và áp dụng vào công tác giảng dạy của trường mình.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết giáo dục phổ thông ở Việt Nam đã trải qua 3 cuộc cải cách giáo dục. Tuy nhiên, chưa có cuộc đổi mới cơ bản nào trong đào tạo ở các trường đại học. Trường ĐH Sư phạm có sứ mạng và trọng trách đặc biệt trong việc chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Mô hình đào tạo, chương trình, giáo trình của trường ĐH Sư phạm đã được xây dựng, phát triển theo yêu cầu đào tạo của mỗi thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mô hình đào tạo, chương trình đào tạo, giáo trình hiện hành còn nhiều hạn chế và đã bộc lộ nhiều bất cập trước những đòi hỏi mới của ngành giáo dục.

Mục tiêu của việc đổi mới chương trình đào tạo giáo viên nhằm đào tạo ra đội ngũ cử nhân sư phạm, có đầy đủ trình độ và năng lực nghề nghiệp để thực hiện hoạt động giáo dục - giảng dạy, đáp ứng mô hình giáo dục phổ thông đổi mới sau năm 2015. Các cử nhân sư phạm được đào tạo có trình độ cao, có thể trở thành các giảng viên giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước. Việc đổi mới chương tình nhằm phát triển trí tuệ, hoàn thiện thể chất, phẩm chất, năng lực người giáo viên, giảng viên tương lại; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển khả năng và phong cách làm việc sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu suốt đời.

Đại học Sư phạm cũng đã đề xuất khung chương trình đào tạo mới của trường. Trong đó, với các ngành đào tạo chuyên biệt như sư phạm Toán, sư phạm Ngữ văn, Tâm lý – Giáo dục, Giáo dục – Chính trị, Giáo dục quốc phòng – an ninh, sư phạm tiếng Anh…, chương trình sẽ được sắp xếp lại và tiến trình cũng có thể thay đổi đáp ứng chuẩn đầu ra của các đối tượng giáo viên THCS.

Các giải pháp để thực hiện Đề án gồm: Đổi mới cơ cấu tổ chức trong đó cần có những linh hoạt trong cơ cấu bộ môn, sắp xếp lại đội ngũ giảng viên theo chuyên môn, hình thành hệ thống đào tạo liên khoa….; đào tạo lại đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu mới; tham gia tích cực vào quá trình đổi mới giáo dục phổ thông; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất. Hệ thống chương trình đào tạo được xây dựng một cách khoa học, hiện đại và có tính thực tiễn cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Việc đổi mới mô hình và chương trình đào tạo giáo viên cần theo chuẩn nghề nghiệp, cử nhân sư phạm khi tốt nghiệp có thể giảng dạy cả chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông; vừa có khả năng dạy tích hợp vừa có khả năng dạy phân hóa theo yêu cầu. Việc tăng thời gian giảng dạy nghiệp vụ sư phạm cũng là việc làm cần thiết, trong đó nêu cao phẩm chất người giáo viên. Đồng thời, trong quá trình học tập, sinh viên sư phạm phải được trải nghiệm thực tế nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu công việc khi ra trường./.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất