Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 26/5/2016 17:25'(GMT+7)

Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam

TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đọc báo cáo đề dẫn

TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đọc báo cáo đề dẫn

 

Dự Hội thảo có ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện nhiều ban, bộ ngành, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) các tỉnh, thành tham dự.


Quang cảnh Hội thảo 

Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng nhân lực; thực trạng công tác đào tạo công nhân có tay nghề cao; đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế. Hội thảo đã nhận được gần 20 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý ở một số KCN, KCX khu vực miền Nam.

Các báo cáo tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn: i) Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ở Việt Nam. ii) Thực trạng, nhu cầu và yêu cầu nhân lực ở các KCN, KCX. iii),Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả  công tác đào tạo công nhân có tay nghề cao. i) Vai trò và trách nhiệm của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người lao động trong các KCN, KCX. Đây là 4 nhóm vấn đề quan trọng tác động mạnh đến quá trình đào tạo, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhân lực trong các KCN, KCX.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Sau 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới (1986-2016), Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm phát triển khu vực sản xuất công nghiệp, nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa. Đến nay, cả nước đã có khoảng 300 KCN, KCX được phân bố ở hầu hết các tỉnh, thành phố, với hơn 2 triệu người lao động đang làm việc. Các KCN, KCX đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất - nhập khẩu hằng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nền kinh tế; đã góp phần to lớn trong việc đưa đất nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước có thu nhập trung bình, từng bước xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập; việc kết nối giữa đào tạo với việc sử dụng lao động ở các doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của các doanh nghiệp. Năng suất lao động ở Việt Nam còn rất thấp trong khu vực, thua xa so với các nước phát triển. Nhiều chỉ tiêu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt, tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng vào thời điểm tháng 3 năm 2016 cả nước có khoảng 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ chưa có việc làm. Một số tỉnh có tới 80% sinh viên ra trường làm trái nghề. Nhiều KCN chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật. Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện Chiến lược đào tạo nghề tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp nghề và cao đẳng nghề chỉ đạt 53,4% kế hoạch, trong khi nhu cầu công nhân có tay nghề cao ở các KCN và KCX còn rất lớn. Tất cả những yếu kém nêu trên dẫn đến sản xuất công nghiệp và giá trị các sản phẩm công nghiệp ở nước ta vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong môi trường toàn cầu hóa của nước ta còn nhiều vấn đề yếu kém… là những vấn đề Hội thảo cần tập trung bàn thảo, nêu rõ nguyên nhân và tìm ra các giải pháp hữu hiệu có tính khả thi, góp phần khắc phục nhanh các yếu kém, bất cập hiện nay.

Theo đó, báo cáo đề dẫn yêu cầu tập trung thảo luận bốn vấn đề: Thứ nhất, tại sao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nhân lực ở Việt Nam thấp? Giải pháp nào có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu và nhu cầu các KCN, KCX? Thứ hai, cần đổi mới cơ chế, chính sách như thế nào để giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam phát triển tốt hơn? Thứ ba, sau hơn hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW, giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực như thế nào? Thứ tư, vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương đã đóng góp gì để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu và nhu cầu xã hội?

Tại Hội thảo, cùng với việc nghiên cứu các tham luận, đã có 10 ý kiến phát biểu, làm sáng tỏ hơn các mục tiêu mong muốn của Hội thảo. Trong đó, các ý kiến đều phân tích, đánh gía rõ thực trạng, đúc kết những nguyên nhân, đề ra định hướng và các giải pháp khắc phục khó khăn bất cập, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực của các KCN, KCX. Các tham luận của các Ban Quản lý KCN, KCX Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai; Công ty POSCH; Tổ chức Hợp tác phát triển nghề Đức và một số trường cao đảng, trung cấp dạy nghề đều bày tỏ những yếu kém, bất cập hiện nay của nguồn nhân lực Việt Nam trong các doanh nghiệp đang là cản trở rất lớn đối với sự sự phát triển, nhất là quá trình phát triển bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Sau khi nêu rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là việc tăng cường đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo yêu cầu của thực tiễn và đòi hỏi cấp thiết của các doanh nghiệp, các tác giải cũng mong muốn, ngoài sự nỗ lực của các đơn vị đào tạo, Đảng và Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa, chủ trương, chính sách thích hợp với điều kiện của đất nước và yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời phải phù hợp vơi xu thế của kỷ nguyên số hóa và hội nhập kinh tế thế giới, tạo ra môi trường thuận lợi để công tác đào tạo gắn với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và phù hợp với su thế phát triển của thười đại. Các ý kiến tham luận cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan tổ chức Hội thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết nội dung Hội thảo, đúc kết thành những đề xuất tham mưu cho Đảng và Chính phủ tăng cường đổi mới thật sự công tác đào tạo nghề và sử dụng hữu ích những người đã được đào tạo, tránh để “chảy máu”, lãng phí như lâu nay. Qua đó, tạo ra khí thế mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển thật sự chứ không phải chỉ có hô hào, rồi vẫn không sao khắc phục được khó khăn, công tác đào tạo nghề vẫn càng ngày càng bị đình đốn, nhiều cơ sở đào tạo vẫn bị “trắng” học viên, hoặc chất lượng đào tạo càng ngày càng sa sút. Và, nhất là đừng để những ý kiến tâm huyết của các đại biểu bị “chìm” sau Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, GS, TS. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao với các ý kiến tham luận, đồng thời đưa ra một số nhận xét để tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện:

 Một là, việc nêu rõ bức tranh tổng thể về tình hình, nhân lực hiện nay ở các KCN, KCX, cho thấy những bất cập, yếu kém trong công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân, chưa gắn kết được đào tạo với nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó là các chủ trương, chính sách từ vĩ mo vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và còn nhiều bất cập cần phải điều chỉnh.

Hai là, từ một số kinh nghiệm thành công, nhất là đối với các tổ chức hợp tác đào tạo trong các KCX, KCN như mô hình hợp tác phát triển nghề Đức; mô hình nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của trường cao đẳng LILAMA 2 và trường cao đẳng Nghề Kỹ thuật –Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; của công ty POSCH, Công ty BIWASE; của một số KCN ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cho thấy cần phải điều chỉnh các chính sách, cơ chế của Nhà nước để vừa phát huy khả năng đào tạo của họ, vừa nhân rộng đáp ứng với nhu cầu đào tạo trong cả nước. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp để nhanh chóng cải thiện hình ảnh đào tạo nghề, huy động được lực lượng của các trường nghề có kinh nghiệm tham gia tích cực vào đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, tiến tới xây dựng chuẩn nghề có sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp.

Ba là, thực trạng của các KCN, KCX đã phản ánh những nhu cầu nhân lực hiện nay. Việc đề xuất những giải pháp là cần thiết, đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động của doanh nghiệp. Qua đó, cho thấy trách nhiệm của các bên liên quan: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người lao động trong học nghề cần phải được nâng lên. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các bên trong việc quy định phí đào tạo, cải thiện điều kiện sống, điều kiện học tập nâng cao tay nghề của công nhân…

Bốn là, trên cơ sở những báo cáo tham luận, cho thấy: i) Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho các KCN, KCX là nhu cầu bức bách và thách thức lớn đối với hệ thống dạy nghề của nước ta. ii) Hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự do, sự định chuẩn lao động trong cộng đồng ASEAN và các nước đòi hỏi các nhà trường phải đổi mới chương trình, đổi mới cách thức đào tạo để cung cấp cho người lao động những kỹ năng cần thiết đáp ứng với yêu cầu mới. iii) tập trung đổi mới cơ chế đào tạo nghề, xóa bỏ dần bao cấp, tăng tính tự chủ của các nhà trường, tạo cơ chế cho doanh nghiệp sử dụng người lao động tham gia công tác đào tạo, đóng góp tài chính, đề ra các tiêu chí để các cơ sở đào tạo điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. iv) Tập trung đào tạo kỹ năng cho người lao động phù hợp với yêu cầu từng vị trí việc làm. Căn cứ vào nhu cầu đào tạo cần xây dựng chuẩn nghề nghiệp, trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với thực tiễn. v) Đổi mới việc xây dựng cơ chế tiền lương, chế độ bảo hiểm để khuyến khích người lao động liêp tục học tập nâng cao trình độ năng lực, tạo động lực cho người lao động phấn đấu.

Năm là, cần điều chỉnh lại kế hoạch, chiến lược đào tạo nhân pực cho phù hợp với mức tăng dân số, yêu cầu của kỷ nguyên số hóa và tự động hóa. Hiện nay, tỷ lệ dân số nước ta không cao như dự kiến trước đây. Những năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT giảm dần, năm nay chỉ có 800.000 thí sinh thi tốt nghiệp THPT, giảm gần 14% so với năm ngoái, số học sinh đăng ký đào tạo Trung học nghề tăng 5%. Trong kỷ nguyên số, lao động phổ thông sẽ dần dần thay thế bằng robot, nên phải có tầm nhìn dài hạn để định hình đào tạo nhân lực cho phù hợp. Mô hình nhân lực hình chóp cần được thay thế bằng mô hình đào tạo hình trống.

Sáu là, thực hiện khung trình độ trung cấp và cao đẳng nghề tương thích khung trình độ ASEAN, các cơ sở đào tạo cần bám sát khung trình độ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để thiết kế chương trình, xây dựng chuẩn đầu ra và các chương trình đào tạo phù hợp.
Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo


Ông Host Summer GĐ Chương trình đổi mới đào tạo nghề Cộng hòa Liên bang Đức tại VN (GIZ)
phát biểu tại Hội thảo


TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục Trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại Hội thảo


TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

 
Đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức phát biểu tai Hôi thảo

 
TS. Bùi Thế Đức trao đổi với các đại biểu quốc tế bên lề Hội thảo


Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo 

Phương Vinh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất