Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 14/9/2010 15:51'(GMT+7)

Đổi mới công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Sáng nay 14/9/2010, tại Hưng Yên, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục BVCSTE (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); Dự án Trẻ em lang thang tổ chức Hội thảo Báo chí với công tác truyền thông về trẻ em lang thang. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc, Cục trưởng Cục BVCSTE Nguyễn Hãi Hữu, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hưng Yên và đại diện hơn 40 cơ quan báo chí của trung ương và địa phương. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 9.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe lãnh đạo Cục BVCSTE đã thông tin về: Những vấn đề cơ bản về Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015; Vấn đề trẻ em lang thang và Dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang; Bộ Tiêu chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em; Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em và các giải pháp khắc phục. Cũng tại hội thảo, các phóng viên sẽ cùng thảo luận về những kinh nghiệm, giải pháp, phương thức đẩy mạnh công tác truyền thông về trẻ em và trẻ em lang thang; Viết thế nào để tạo sự đồng cảm xã hội trong BVCSTE. Đồng thời, xuống tận một số thôn, xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tìm hiểu thực tế về các mô hình xã, phường thực hiện tốt công tác BVCSTE; vận động, giúp đỡ trẻ em lang thang hồi gia; dạy nghề cho trẻ em lang thang.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2009, cả nước có 23,63 triệu trẻ em. Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010, công tác BVCSTE đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, nhiều chỉ tiêu đến năm 2010 về chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho trẻ em đã đạt hoặc vượt so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số quyền cơ bản của trẻ em chưa được thực hiện tốt, số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị mua bán, bị bạo lực, tai nạn thương tích, nhiễm HIV… vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, còn trên 4,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em nghèo cần được cả cộng đồng xã hội quan tâm, chăm sóc.

Tính đến tháng 5/2009, cả nước đã có 706 báo in với hơn 600 triệu bản báo phát hành hàng năm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình, 606 đài cấp huyện và hệ thống truyền thanh xã, phường. Rất nhiều tờ báo có chuyên mục dành cho trẻ em, hoặc thường xuyên đăng tải các vấn đề về trẻ em, nhất là về luật pháp, cơ chế, chính sách, các vấn đề bức xúc trong công tác BVCSTE. Có thể nói, các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về BVCSTE. Báo chí còn là tiếng nói của xã hội, tiếng nói của trẻ em, phản ánh trung thực cuộc sống của trẻ em, bảo vệ quyền của trẻ em, thể hiện sự lắng nghe và tôn trọng của xã hội đối với các em.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, công tác thông tin tuyên truyền về trẻ em cũng còn nhiều hạn chế. Còn thiếu nhiều bài viết hấp dẫn, thông tin sâu sắc về vấn đề này, thông tin về BVCSTE còn đơn điệu, một chiều, theo hướng khen hoặc tập trung vào các vụ việc mang tính giật gân mà ít chú ý đến khía cạnh quyền trẻ em. Cách thức thể hiện, truyền tải thông tin chưa hấp dẫn nên chưa thu hút đông đảo bạn đọc.

Một số ấn phẩm báo chí về trẻ em tại hội thảo. Ảnh: QT



Thứ trưởng thường trực Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc đã phát biểu tại hội thảo: Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề BVCSTE và công tác này đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Thời gian qua, các cơ quan truyền thông cũng đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vấn đề trẻ em nói chung và trẻ em lang thang nói riêng. Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng có thể nhận thấy vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục, ngược đãi, bạo lực, bị mua bán, lạm dụng sức lao động… vẫn còn bức xúc, trong đó có những vụ rất thương tâm, gây chấn động dư luận. Thực trạng trên cho thấy, vấn đề BVCSTE nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, TELT nói riêng chưa đạt được như mong muốn, nhận thức của cộng đồng, từng gia đình, từng người dân còn hạn chế.

BVCSTE là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và báo chí phải góp phần đắc lực vào công tác này… Sự thành công của sự nghiệp BVCSTE, TELT một phần phụ thuộc vào việc tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, của từng người dân, của từng mái ấm gia đình. BC phải tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa về hình thức, nội dung thể hiện để làm sao đến được với từng người dân. Báo chí cũng phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình đối với xã hội, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng nhằm góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của công tác BVCSTE. Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng sẽ có khuyến nghị với Chính phủ, đề nghị dành một thời lượng nhất định trong “giờ vàng” trên truyền hình, quảng cáo giữa các bộ phim hay để tuyên truyền về vấn đề CSBVTE./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất