Thứ Hai, 25/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 9/8/2010 17:11'(GMT+7)

Làm thế nào để trở thành cha mẹ tốt?

Chương trình do Trung tâm UNESCO giáo dục quốc tế phối hợp với dự án S-life và các nghiên cứu giáo dục nhằm mục đích cung cấp cho cha mẹ những kiến thức đầy đủ để có thể nuôi dạy con em mình phát triển một cách toàn diện nhất về Đức- Trí-Lao-Thể-Mỹ.

Thừa tự ti, tự phụ, thiếu tự tin, tự lập

Nhiều tiếng thở dài phát ra khi khán giả được xem một clip về những mặt trái của cuộc sống hiện đại tác động đến giới trẻ, nhất là lứa tuổi teen do chương trình thực hiện.

Đoạn phim đặt ra những vấn đề hiện nay đang tồn tại ngày càng một phố biến. Đó là việc bố mẹ mải mê kiếm tiền, phó mặc sự dạy dỗ cho nhà trường; bản thân lớp trẻ sống thiếu lý tưởng, chạy theo lối sống phương Tây, dễ dãi với bản thân; Việc tiếp cận Internet quá sớm và sử dụng vào mục đích không đúng dẫn đến những việc làm băng hoại đạo đức: chát chít thâu đêm, kiếm tìm tình yêu trên mạng, chơi game online quên hết cả việc ăn học, nữ sinh đánh nhau vì ghen tuông, giết người…Tất cả những vấn đề xảy ra ở trên phải chăng là do giới trẻ hiện nay thừa thãi về vật chất nhưng lại nghèo nàn về tinh thần dẫn đến những quan điểm lệch lạc và lối sống sai lầm, thực dụng.

Bà Xoan (Vân Hồ-Hà Nội) có lẽ là người lớn tuổi nhất khi đến tham dự hội thảo. Bà cho biết: Đi nghe để nắm bắt tâm tư của lớp trẻ rồi về dạy lũ trẻ. Bố mẹ chúng nó đi làm suốt, bây giờ ông bà không chỉ làm nhiệm vụ trông, dỗ mà phải thay mặt bố mẹ dạy bảo. Cách xa hai thế hệ, nhiều khi nói gì chúng cũng bảo “ông bà cổ lỗ sĩ”. Hôm nay đến đây tham dự hội thảo mới thấy, bọn trẻ giờ đây thay đổi quá mức, làm sao mà lớp già chúng tôi chạy theo kịp. Chúng tôi chỉ có những giá trị đạo đức truyền thống, nền tảng gia đình, bây giờ bọn trẻ hình như bỏ qua những cái đó, chỉ chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài.

“Tương lai nhân loại đi ngang qua mỗi gia đình vì vậy sứ mệnh của mỗi gia đình là xây đắp tương lai cho nhân loại”. Diễn giả Nguyễn Duy Cương bắt đầu cuộc nói chuyện.

Ông cho rằng: Các bậc phụ huynh ngày nay luôn mải mê với việc làm giàu, tạo dựng tài sản với tâm lý tuổi thơ của họ đã phải trải qua một cách nghèo đói và thiếu thốn, giờ phải kiếm thật nhiều tiền để bù đắp cho con cái, để chúng không thua bạn thua bè mà quên đi rằng, ngoài vật chất mà cha mẹ cho, chúng rất cần một trái tim và thời gian bố mẹ dành cho chúng.

Ông cũng đưa ra một so sánh giữa cách dạy con của người phương Tây và người Việt Nam: Các ông bố bà mẹ phương Tây dạy con rằng hãy sống tự lập thì chúng ta lại o bế, gò ép lũ trẻ. Phương pháp giáo dục của phương Tây là: Học để làm việc còn chúng ta thì học để biết.

Ông cũng cho biết nhiều nước trên thế giới chỉ dạy có bảy môn học trong nhà trường, trong đó đã có hai môn: thể chất và kỹ năng sống được quan tâm đặc biệt. Trong khi nước ngoài rất coi trong việc học nghề thì Việt Nam rất sợ học nghề, việc lựa chọn đầu tiên để gây dựng một tương lai xán lạn cho con trẻ là vượt qua được cánh cửa đại học.

Cha mẹ là mô hình mẫu, là tấm gương cho con trẻ.
(Ảnh do chương trình cung cấp)

Lòng tin phải do cha mẹ xây dựng 

Tâm lý của mỗi ông bố, bà mẹ đều muốn con mình mạnh mẽ, hơn người? Diễn giả Nguyễn Duy Cương cho rằng mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: Con gì muốn sinh tồn cũng phải có sức mạnh đầu tiên là thể chất, sau đó mới đến sức mạnh của trí tuệ và tinh thần.
 
Con người muốn phát triển phải có thêm ba điều kiện: kiến thức, thái độ và kỹ năng. Tuy nhiên hiện nay có một thực tế là :Nhà trường và gia đình chỉ quan tâm tới việc nhồi nhét kiến thức cho con em và học sinh, chứ chưa chú trọng dạy lớp trẻ thái độ và kỹ năng sống.
 
Ông cho rằng lớp trẻ ngày nay thừa: Tự ti, tự phụ, tự kỷ nhưng thiếu tự tin, tự giác, tự lập. Ba yếu tố về sau mới quyết định sự thành đạt của mỗi con người.
 
“Children see, Children do”. Cũng như người lớn, trẻ không làm những gì chúng biết, những gì chúng có thể, mà chúng làm theo khuôn mẫu của đức tin. Đức tin đầu tiên phải là do cha mẹ xây dựng, vì vậy, ông Cương kêu gọi cha mẹ hãy là mô hình mẫu cho con cái của mình.
 
Ông Cương cũng tiết lộ một bí quyết trong cách dạy dỗ con cái đó là : Bạn muốn con bạn như thế nào? Hãy nói thẳng điều đó với con: “Bố (mẹ) muốn…; không ngăn cấm hoặc dùng những giới từ: “đừng”, “không” với lũ trẻ.
 
Theo thống kê của Bộ giáo dục-Đào tạo, nạn bạo hành học đường ngày càng gia tăng với 8.000 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hình sự.

20.000 thanh thiếu niên bỏ học sống lang thang bụi đời. 96,7% học sinh cho biết có hiện tượng nữ sinh đánh nhau trong trường. Mỗi năm có hơn 300.000 ca nạo phá thai trong độ tuổi vị thành niên.

Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về băng hoại đạo đức của giới trẻ hiện nay.



Theo Nhân Dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất