Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Tư, 30/1/2019 15:45'(GMT+7)

Đổi mới hình thái cấu trúc, cơ chế vận hành và kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị Việt Nam

Theo quy mô, tốc độ, chiều sâu và hiệu quả của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng hiệu quả, với tầm nhìn trước mắt tới năm 2030 và xa hơn nữa, chúng ta không thể không đổi mới chính trị, trực tiếp và trọng tâm là đổi mới hệ thống chính trị, ở đây cấp bách về hình thái cấu trúc, cơ chế vận hành và kiểm soát quyền lực - một trong những phương diện cốt tử của công việc đổi mới chính trị hiện nay - trong tổng thể công cuộc phát triển đất nước.

Đó là nhu cầu phát triển tất yếu và đồng thời là thách thức của việc xử lý quá trình lịch sử - tự nhiên đối với công cuộc đổi mới.

Thành quả công cuộc đổi mới qua hơn 30 năm, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã kết tinh những kinh nghiệm lớn, phác thảo những dự kiến lớn về tầm nhìn chiến lược, lộ trình, bước đi và nhịp độ đổi mới mang tầm tổng thể. Nó là những tiền đề quan trọng của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ với những trọng trách mới, do Đại hội XII của Đảng quyết sách, trước sự biến đổi đa dạng, phức tạp và khôn lường của “thế giới phẳng” và không “phẳng” đã và đang đặt ra thách thức, nguy cơ, để thực hiện mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững của đất nước, trong tầm nhìn toàn cầu.

Chúng ta không có sự lựa chọn đúng đắn nào khác, ngoài bước quyết định mang tầm chính trị - lịch sử đó, tối thiểu trong tầm nhìn tới năm 2030 - khi Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 100 năm xây dựng, trưởng thành, phát triển; và tới năm 2045 - khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm.

Đó chính là lô-gic của sự phát triển lịch sử - tự nhiên của công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta.

CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ VỚI ĐỔI MỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ, BẢO ĐẢM PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ VÀ BỀN VỮNG

Qua 30 năm, nếu từ lúc khởi xướng vào năm 1986, chúng ta chỉ tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, thì tới tháng 1/2016, bước chuyển tất yếu của công cuộc đổi mới là toàn diệnđồng bộ trong chỉnh thể của công cuộc đổi mới hiện nay.

Chúng ta không “ảo tưởng” về quyết sách chính trị đó, như có ý kiến từng công kích. Nó được chuẩn bị trên mảnh đất thực tiễn đổi mới toàn diện hơn 30 năm, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh nghiệm của hơn 30 năm khẳng định, với đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng làm then chốt, hội nhập kinh tế quốc tế làm động lực quan trọng (từ chủ động tới sẵn sàng) đã đưa đất nước đổi mới lên một vị thế mới trong đời sống toàn cầu.

Lịch sử dân tộc hơn 30 năm đổi mới toàn diện vừa qua đã đi đúng hướng, tuy không nhanh như chúng ta mong đợi. Không ít tiềm năng, lợi thế và xung lực đổi mới, ở góc độ nào đó, chưa được khai thác ngang tầm, sử dụng hiệu quả và khởi động đúng mức. Đồng thời, những thời cơ và lực lượng đổi mới, với tất cả những điều kiện cần và đủ, chưa được đón bắt đúng, trúng, chưa đặt xứng tầm trong chỉnh thể, chưa kiến tạo cơ chế, thể chế phù hợp và hữu hiệu, nên vô hình trung, động lực đổi mới vẫn bị cắt khúc, khép kín, thậm chí rơi vào sự thiên lệch trên không ít phương diện, do đó vô hình bị ngưng trệ hoặc bị triệt tiêu. Đó là thực tế có tính chất mấu chốt. Vấn đề trung tâm: đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế với đổi mới văn hóa,... và mối tương đồng và dị biệt về vị thế, về mối quan hệ, về nhịp độ phát triển... giữa chúng vẫn đang là những câu hỏi lớn. Có ý kiến lo ngại rằng, công việc đó chưa có tiền lệ, nên dừng lại và không đặt vấn đề đó ra lúc này(!). Nhưng, họ quên mất rằng, chúng ta làm ra lịch sử của chính mình, rằng lịch sử sẽ tự mở đường đi cho nó, thậm chí ngoài mong muốn của không ít những ai đó trong số họ, và thậm chí ngay cả đối với không ít người trong chính chúng ta. Lịch sử sẽ vận động đúng hướng, nếu những người làm ra lịch sử có tầm viễn kiến và những điều kiện cho lịch sử mới đã đặt ra, dù có thể chưa đầy đủ.

Chúng ta không thể không đổi mới một cách tổng thể và song hành, khi thời cơ và điều kiện đã chín muồi: Cùng với toàn diện phải thực thi đồng bộ trong tầm nhìn chiến lược và hành động tổng thể và chỉnh thể, vì đất nước phát triển xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ và bền vững. Đó chính là yêu cầu phát triển tất yếu của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế một cách toàn diện và hiệu quả.

Nói cách khác, tất cả yêu cầu đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên định sự chủ động giải quyết không thể trì hoãn trên tầm vĩ mô một cách phù hợp và hiệu quả. Đó là con đường phát triển duy nhất đúng, nếu muốn bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ. Đất nước không thể phát triển bền vững bằng đôi chân khập khiễng hay phiến diện. Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến và cũng phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Vì thế, công việc đó càng đòi hỏi chúng ta không thể chờ đợi, cầu toàn hoặc có thái độ do dự, ngập ngừng và càng không thể chấp nhận hành động nửa vời, chắp vá. Lúc này, đất nước chỉ có hoặc tụt hậu hoặc phát triển; trong thế giới hiện nay, không thể đứng im, cũng bởi hơn hết bao giờ, đứng im, dù ở bất cứ phương diện nào, cũng chính là tụt hậu, là lãng phí thời cơ. Đó là nguy cơ đối với sự phát triển của chúng ta.

Thời kỳ cạnh tranh và phát triển mới của thế giới, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong không gian phẳng và tốc độ toàn cầu hóa, đã và đang mở ra những cơ hội phát triển mới mẻ chưa từng có, với quy mô, tốc độ đột phá nhưng cũng đặt ra những thách thức tụt hậu nan giải đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, trên quy mô toàn cầu. Theo đó, thời cơ chiến lược hay nguy cơ bỏ lỡ vận hội và hiểm họa lệ thuộc khôn lường hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiên lượng, lựa chọn, đón bắt và giải quyết của chúng ta trên con đường phát triển. Nó không chỉ đòi hỏi về tầm nhìn chiến lược mà còn thách thức về sự chuẩn bị thế lực một cách vững chắc và chủ động chớp lấy thời cơ một cách chủ động, tỉnh táo, để đất nước “cất cánh”. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, sau hơn 30 năm đổi mới toàn diện, phải được đặt trên những tiền đề và điều kiện vững chắc. Đó cũng chính là câu trả lời thách thức của lịch sử nước nhà về tầm nhìn và phương lược xử lý giữa đổi mới các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... của Đảng tiến tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa một cách khoa học, cách mạng và mang tầm chiến lược.

Đó là tiếp tục sự phát triển tuần tự kết hợp với nhảy vọt biện chứng đã chín muồi không chỉ về phương diện nhận thức mà còn trên bình diện tổ chức thực tiễn, không chỉ về sự phát triển về định tính mà quan trọng hơn là sự hoàn thiện về định lượng mang tính tổng thể, toàn diện và phù hợp, không chỉ về quy mô mang tính đồng bộ mà còn là nhịp độ phát triển ngang tầm và hài hòa tất thảy các phương diện, các lĩnh vực đổi mới một cách chỉnh thể và toàn diện của công cuộc đổi mới được khởi xướng từ năm 1986. Nó đòi hỏi sự hoàn chỉnh về chất của sự phát triển mới hiện diện trước hết ở tầm nhìn, lộ trình và phương lược đổi mới, nói gọn lại là sự kết tinh nội lực đủ mạnh sau nhịp 30 năm, tạo dựng nền tảng cho sự hội nhập quốc tế và phát triển mới, với tất cả các ngoại xung lực, hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới đương đại đang vận động, củng cố và phát triển một cách đa dạng sự nhất thể hóa ở tầm khu vực, từ Á sang Âu... Kinh nghiệm chính trị thế giới xác tín: Triết học thiếu lịch sử chỉ là triết học trống rỗng, đến lượt nó, lịch sử thiếu triết học thì chỉ là lịch sử mù quáng mà thôi. Vì thế, có thể nói, quyết sách của Đại hội XII của Đảng về công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, theo nghĩa đó, là quyết sách chính trị - lịch sử mang tầm nhìn thế kỷ. Đó là nhân tố quyết định vị thế và sức mạnh mới của đất nước, vận mệnh mới và nặng nề của Đảng. Nó cũng chính là nền tảng để định vị chiến lược vị thế mới và uy tín quốc gia trên trường quốc tế hiện nay.

Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong đó đổi mới chính trị mà rường cột và trung tâm là đổi mới hệ thống chính trị, phải được đặt, vận hành trong chỉnh thể một cách tương dung và hiệu quả. Đó là nhân tố quyết định thành bại của công cuộc đổi mới, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngược lại hoặc so le, lệch lạc sẽ rơi vào sự khập khiễng hoặc kìm hãm lẫn nhau giữa các phương diện đổi mới, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước, khi thời cơ, thế và lực quốc gia đã chín muồi. Và, như thế sẽ khó khăn, thậm chí thất bại.

Nói khái quát, đó là con đường phát triển một cách kiên định, trung thành nhưng đòi hỏi tính độc lập, sáng tạo, trong sự phát triển đa dạng nhưng thống nhất của chủ nghĩa xã hội và tự nhiên của thế giới hiện đại... Đó cũng là con đường phát triển duy nhất đúng của dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng.

QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG CHÂM ĐỔI MỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Đổi mới hệ thống chính trị là một trong những nhân tố rường cột của cuộc đổi mới chính trị đồng bộ với kinh tế, văn hóa, xã hội..., mang tính toàn diện và chỉnh thể. Theo đó, đổi mới tư duy về hình thái cấu trúc và tổ chức bộ máy là công việc căn bản của việc đổi mới chính trị; và, song hành với công việc đó là xác lập và vận hành cơ chế hoạt động của toàn hệ thống và kiểm soát quyền lực của các thành viên trong hệ thống chính trị. Nó là một bảo đảm thành công không chỉ đối với đổi mới chính trị, mà còn là nền móng và động lực đối với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Ở đây, trước hết, cái chúng ta cần là phải thay đổi mình để phát triển và tiến bộ, chứ không phải bắt đầu thay đổi cái gì khác. Theo ý nghĩa nào đó, A. Anh-xtanh từng gợi ý về phương pháp luận, đại ý: Trí tưởng tượng là tất cả. Nó là sự xem trước của những gì sẽ xảy ra. Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức.

Vì, vậy, cần nắm chắc mấy vấn đề cơ bản sau:

1- Về quan điểm

Bảo đảm ba vấn đề sau:

Thứ nhất: Tổng thể và đồng bộ. Đây là quan điểm bao trùm và quán xuyến suốt lộ trình đổi mới hệ thống chính trị nói riêng, đổi mới chính trị nói chung, bảo đảm đồng bộ với tất cả các phương diện đổi mới. Nói cách khác, phải xuất phát từ mục tiêu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ được thể hiện trên từng lĩnh vực hợp thành, để đổi mới hệ thống chính trị một cách tương dung. Đó chính là sự thống nhất một cách hữu cơ của các mục tiêu cụ thể (kinh tế, chính trị, xã hội,...) hợp thành mục tiêu tổng thể với tư cách là một chỉnh thể của công cuộc đổi mới hiện nay. Đến lượt nó, mục tiêu đổi mới hệ thống chính trị trở nên tất yếu và là nhân tố cấu thành làm cho việc đổi mới chính trị trở nên hoàn bị, cùng với đổi mới kinh tế, đối ngoại... hợp thành mục tiêu tổng thể của công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ. Làm trái đi sẽ kìm hãm hoặc thất bại tất cả.

Thứ hai: Lịch sử và cụ thể. Kinh nghiệm thành bại từ thực tiễn cho thấy: Ảo tưởng và nóng vội, cả hai thái cực nhất định chuốc lấy thất bại không tránh khỏi. Vì thế, bảo đảm sự biện chứng giữa cái phổ biến và cái đặc thù, cái lịch sử và cái lô-gic một cách cụ thể trên phương diện đổi mới hệ thống chính trị là nguyên tắc cần được tuân thủ hết sức nghiêm ngặt. Vì, không có cái cụ thể, cái lịch sử, mọi sự cố gắng, đều trở nên trống rỗng, tất vào rơi vào ảo tưởng, viển vông hoặc thiển cận, cục bộ. Mặt khác, không nắm lấy cái tất yếu sẽ rơi vào cái lịch sử cụ thể cục bộ, không lối thoát. Cả hai thái cực này đều nguy hiểm như nhau và tất dẫn tới đổ vỡ, thất bại. Cái cụ thể một cách tất yếu chính là thước đo mức độ thành bại mục tiêu của đổi mới sáng tạo hệ thống chính trị trên cơ sở lịch sử truyền thống và hiện đại.

Thứ ba: Phù hợp và hiệu quả. Hiệu quả là mục tiêu, là thước đo trình độ của việc đổi mới một cách tổng thể và trực tiếp đổi mới chính trị. Tính phù hợp trong đổi mới hệ thống chính trị là nhân tố tích hợp về tầm nhìn, bước đi, phương pháp..., đến lượt nó, bảo đảm tính thích ứng và toàn dụng của hệ thống chính trị đổi mới - tính hiệu quả - tương dung với đổi mới phương diện kinh tế, xã hội, đổi mới lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng.

2- Về nguyên tắc

Bản chất của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm tái thiết cơ cấu chính trị - xã hội, xây dựng cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, xã hội, với động lực mới, theo đường lối chính trị của Đảng, trên nền tảng xã hội - chính trị và xã hội truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của đất nước, phù hợp với thời đại.

Một là: Đổi mới - ổn định - phát triển - ổn định trong vị thế và đẳng cấp mới - không ngừng phát triển.

Xử lý mối quan hệ giữa ổn định và phát triển, với tư duy chính trị toàn cục là công việc cấp bách, với nhận thức mới theo mục tiêu và yêu cầu của công cuộc đổi mới. Kinh nghiệm lịch sử từng cảnh báo và đòi hỏi: Không thể sửa những lỗi lầm cũ bằng thứ tư duy đã đẻ ra chúng.

Ổn định để phát triển, chứ không phải là để duy tồn nguyên trạng, lảng tránh hoặc sợ sự thay đổi hoặc thay đổi khập khiễng. Mục tiêu của ổn định phải là phát triển. Đến lượt nó, phát triển chính là sự ổn định mới, là đẳng cấp mới của ổn định, nhưng ở tầm cao hơn và mức sâu hơn. Vì thế, suy tới cùng, ổn định chính là hành động không ngừng đổi mới để phát triển! Nếu làm trái thế, ổn định sẽ rơi vào hoặc ngưng trệ hoặc thụt lùi; phát triển trở thành ảo tưởng hoặc phản phát triển. Rốt cuộc, cả hai tất yếu thất bại. Hơn hết lúc nào, hiện nay, chính trị chính là sự biểu hiện tập trung của kinh tế! Không ổn định và phát triển kinh tế sẽ rất khó khăn đổi mới chính trị nói chung, đổi mới hệ thống chính trị nói riêng. Nhưng, không thể chờ đợi sự phát triển của kinh tế, chính trị phải đi tiên phong! Giải quyết thành công mối quan hệ giữa ổn định và phát triển càng trở thành cấp bách.

Hai là: Nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế bộ máy, bảo đảm tính liên thông, trực tiếp, tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả của toàn hệ thống và từng bộ máy, tinh giản biên chế tổng thể và thành viên.

Đây là nguyên tắc phải được giữ vững trong việc đổi mới, bảo đảm tổng thể sự phát triển của toàn bộ hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh của mỗi tổ chức thành viên đúng vị thế, chức năng và nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, liên thông, trực tiếp, tinh gọn và hiệu quả. Để thực thi tập trung trọng trách, theo chức năng và nhiệm vụ, tất yếu nhất thể hóa chức danh nhằm bảo đảm một người phải làm được nhiều việc, nghĩa là tập trung quyền năng, quyền lực xứng đáng; nhất nguyên chế bộ máy các tổ chức thành viên một cách tương dung và phù hợp, theo hướng một đầu mối tổ chức phải đảm đương nhiều loại việc (của nhiều tổ chức) cùng chức năng, tương đồng nhiệm vụ; từng việc phải có người, có tổ chức cụ thể chịu trách nhiệm; đồng thời tập trung nguồn lực bộ máy đủ mạnh. Kiên quyết cắt giảm những chức danh, giải thể và sáp nhập các bộ máy làm chung một việc hoặc nhóm việc cùng chức năng; giảm thiểu biên chế mỗi bộ máy.

Tập trung quyền lực và tập trung nguồn lực phải được giải quyết tương xứng với mục tiêu phát triển. Đó là tất yếu.

Ba là: Chủ động - độc lập - sáng tạo trong sự liên thông - và đo lường cụ thể.

Tất cả các bộ máy thành viên của hệ thống chính trị chủ động tự soát xét, chỉnh đốn mình một cách độc lập và đo lường cụ thể công việc, cán bộ theo chức danh; tự chỉnh đốn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy tổ chức và lượng cán bộ đủ (về cơ chế vận hành, về định biên nhân sự và các hình thức thuê khoán, hợp đồng công việc, lao động khác...), trên cơ sở thực thi định lượng các điều kiện tài chính, vật chất - kỹ thuật khác tương dung.

Nói cách khác, phải lượng hóa cụ thể (về đầu mối trực thuộc, nhân sự, về tài chính bảo đảm), kiên quyết bãi bỏ các khâu trung gian, các bộ phận trùng lắp hoặc sáp nhập các bộ phận tương dung về chức năng, tương đồng về nhiệm vụ.

3- Về phương châm

Đây là công việc rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đầy nhạy cảm, liên quan mệnh hệ tới từng bộ máy, số phận mỗi con người, nhân tố căn bản mệnh hệ tới sự thành công của công cuộc đổi mới. Nhưng, không thể không làm. Cần nắm chắc các phương châm sau:

- Bảo đảm phát triển lâu dài trên cơ sở bắt đầu từ giải quyết cấp bách trước mắt. Tổng rà soát trên cơ sở chiến lược chung với tầm nhìn dài hạn, theo lộ trình phù hợp, lựa chọn đúng khâu đột phá, dồn toàn lực xử lý, theo tinh thần kiên quyết, không “bắt cóc bỏ đĩa”, “đầu voi đuôi chuột”; thiết thực và cụ thể, nhất định không “mang thúng úp voi”, “đánh bùn sang ao”...

- Không cầu toàn, với các điều kiện cho phép và khả năng có thể, chọn thời cơ chín muồi và quyết những bước đi phù hợp. Đây là một trong những phương châm quyết định thành bại. Phải chuẩn bị kỹ lưỡng về tư tưởng, tâm lý, các điều kiện vật chất bảo đảm với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng không nôn nóng, vội vàng; thận trọng, cân nhắc nhưng không trì trệ, rụt rè; mạnh dạn, đột phá nhưng không phiêu lưu, chờ đợi cầu toàn; tiếp thu, tiếp biến tinh hoa nhân loại nhưng không khinh suất, kỳ thị hoặc vọng ngoại, sùng ngoại.

- Kiến tạo, thử nghiệm mô hình và triển khai toàn cục và thống nhất. Đó là bước đi cực kỳ quan trọng. Lựa chọn mẫu điển hình, kiến tạo mô hình tổ chức thí điểm điển hình; chuẩn bị đầy đủ điều kiện chín muồi về pháp lý, về tổ chức, về cán bộ và các điều kiện vật chất, kỹ thuật khác, từ đây nhân ra toàn cục theo lộ trình một cách kiên quyết nhưng linh hoạt trong toàn thể hệ thống.

ĐỔI MỚI MÔ HÌNH CẤU TRÚC: TỪ ĐA TẦNG SANG ĐA TRỤ, TỪ ĐA TUYẾN ĐƠN CHỨC NĂNG SANG ĐƠN TUYẾN ĐA CHỨC NĂNG

Thực tiễn hơn 73 năm qua, trong đó có hơn 30 năm đổi mới, đã để lại những kinh nghiệm, bài học quý, nhưng trước yêu cầu mới, phải thừa nhận, tất cả điều đó chưa đủ. Từ chiều sâu của thực tiễn cho thấy, những vấn đề mang tính quy luật và quy luật về chính trị, và mối quan hệ chỉnh thể giữa chính trị với kinh tế, với văn hóa, xã hội... ở nhiều phương diện và mức độ chưa hiện diện trong việc kiến tạo, vận hành hệ thống chính trị bảo đảm tương hợp với quy mô, tốc độ và chiều sâu những yêu cầu, cơ hội và thách thức của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và phù hợp với thế giới chỉnh thể và đa dạng. Vô hình trung, đã kìm hãm tổng thể, thậm chí triệt tiêu sức mạnh trên nhiều phương diện chủ yếu.

Vì thế, để đổi mới hệ thống chính trị trên phương diện này, tối thiểu giải quyết các vấn đề tất yếu sau:

1 - Về đặc trưng hệ thống chính trị đổi mới

Về cơ bản, hệ thống chính trị nước ta được tổ chức mang tính phổ biến như nhiều quốc gia, với các tiểu hệ thống thể chế cấu thành rường cột của hệ thống, bao gồm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội... nhưng các thành viên này của hệ thống lại kết nối với nhau bởi những quan hệ, với những nguyên tắc và cơ chế vận hành khác biệt, trong môi trường thể chế và văn hóa chính trị riêng, nên mang tính đặc thù.

Do vậy, một cách tự nhiên, việc đổi mới hình thái cấu trúc và tổ chức bộ máy nhằm kiến tạo hệ thống chính trị Việt Nam ngang tầm công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, thực tiễn khẳng định mấy đặc điểm mang tính quy luật chính trị ở Việt Nam:

Thứ nhất, hệ thống chính trị nước ta, từ sự lựa chọn của lịch sử và nhân dân ủy thác duy nhất chỉ một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, mang bản sắc Việt Nam. Đây chính là vấn đề vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù về vấn đề đảng chính trị trong thời đại ngày nay, mà không ít người bất chấp lịch sử và khoa học, ra sức kỳ thị, cố tình bài xích. Họ cố không hiểu rằng, nó được quy định bởi sự lựa chọn và đào thải của lịch sử Việt Nam qua trường kỳ chống ách thực dân nô dịch và chế độ phong kiến, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập quốc gia; cũng là tính quy luật hiển nhiên trong đời sống chính trị thế giới.

Vì, qua trường kỳ tranh đấu với ngoại xâm, với các đảng phải chính trị đương thời những năm 30, 40 của thế kỷ XX, vai trò, vị trí, khả năng chính trị, uy tín lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay được nhân dân và quốc tế thừa nhận và Hiến định, trở thành đảng duy nhất cầm quyền trên vũ đài chính trị Việt Nam. Theo lịch sử, các tổ chức chính trị - xã hội vì thế, một cách tự nhiên, đều do nhân dân lập ra, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, và nhân dân ủy quyền cho Đảng lãnh đạo, nên nó gắn bó tự nhiên, chặt chẽ với Đảng và Nhà nước, là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, là nền tảng chính trị, xã hội của quốc gia.

Thứ hai, hệ thống chính trị nước ta phải chuyển mạnh từ cấu trúc đa tầng, cồng kềnh, chồng chéo giữa các tầng nấc sang hệ thống đa trụ trực tiếp, liên thông, tinh gọn và hiệu quả; từ đơn tuyến một chức năng, nhiệm vụ sang đa chức năng. Với vai trò cầm quyền, Đảng chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm, nhất là xây dựng kinh tế trong lộ trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Nền hành chính nhà nước, một bộ phận quan trọng của Nhà nước ta còn rất non trẻ (hơn 73 năm, trong đó mất hơn 40 năm trong điều kiện chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc) lại kế thừa rất ít kinh nghiệm từ quá khứ (chế độ thực dân nửa phong kiến), lại bị ảnh hưởng nặng và khắc chế từ di tồn của mô hình tập trung quan liêu cao độ... Hơn nữa, sự song trùng, thậm chí đa trùng nhiệm vụ, chức năng giữa các thành viên của hệ thống còn phức tạp nặng nề, chồng lấn nhiệm vụ, thậm chí là “bản đồng dạng phối cảnh” của nhau khiến cho mỗi bộ máy không chỉ nhiều tầng nấc mà còn gây nên tình trạng cách bức, kém hiệu quả; mặt khác, do không định rõ công việc, định biên không minh bạch, cụ thể và phù hợp càng làm cho số lượng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức ở mỗi bộ máy nặng nề và ngày càng phình to hơn mức cho phép, thậm chí nhiều lần.

Chuyển mạnh từ đa tầng khép kín, trung gian cách bức, chủ yếu theo thứ bậc, nặng về phẩm ngạch sang trực tiếp, liên thông, định việc minh bạch, cụ thể, trách nhiệm rõ ràng phải là quá trình tất yếu tự nhiên theo quy mô và tốc độ của công cuộc đổi mới hiện nay.

Thứ ba, hệ thống chính trị đổi mới nước ta là hệ thống mở, trên nền móng truyền thống, chủ động tiếp thu, tiếp biến tinh hoa chính trị nhân loại, không giáo điều mang tính tiên thiên, không rập khuôn, chuyển dịch mô hình từ bên ngoài; độc lập, sáng tạo, bản sắc nhưng không xa lánh, dị biệt, kỳ thị trong sự vận động phổ biến của đời sống chính trị thời đại.

Dù nỗ lực đổi mới, hoàn thiện, nhưng rõ ràng hệ thống chính trị chưa tương dung và tương xứng với lộ trình đổi mới và thực tiễn hoạt động của các phương diện khác. Trên một số lĩnh vực, việc đổi mới hệ thống chính trị hoặc trì trệ hoặc “lẽo đẽo” đi sau, thậm chí “nhảy cực” đi bên này lề đường, theo chiều ngược lại. Một số nơi tỏ ra nôn nóng chuyển dịch mô hình, phương thức từ bên ngoài..., và đó chính là những lực cản, những “cục nghẽn mạch” khiến cho tình trạng khấp khểnh, thậm chí “lạc nhịp” diễn ra đây đó, làm phương hại lộ trình đổi mới toàn diện, đồng bộ mang tầm vĩ mô.

Vả nữa, ảnh hưởng của sự tùy hứng, thậm chí nét “thâm căn cố đế” của truyền thống một chiều pha trộn với tàn tích phong kiến, chế độ tập trung quan liêu, bao cấp... tất cả đã in dấu ấn trong việc thiết kế và vận hành mô hình đậm dấu ấn mô phỏng, rập khuôn, “đồng dạng phối cảnh” với hệ thống khác và trong từng thành viên hệ thống, với thiên hướng “thang bậc” cứng nhắc, phân chia “tôn ti”, “đẳng cấp”, “đặc quyền”,... đã cản trở đổi mới tư duy và hành động xã hội, trong tổ chức và thực thi quyền lực của nhân dân, tạo nên sự khác biệt (không đáng có) và có nguy cơ khép kín và biệt lập. Điều này tạo những rào cản, sự “lệch pha” theo kiểu “một mình một chợ” mang tính tiểu nông, đẳng cấp trong nhận thức và thực tiễn vận hành, vô hình tự dựng lên những “cồng kềnh” trong các mối quan hệ chính trị quốc nội và bang giao chính trị quốc tế. Những khiếm khuyết của mô hình ấy cùng với những tâm lý, thói quen trở thành tập quán chính trị, thậm chí thói ngạo mạn chính trị hoặc bệnh thiển cận chính trị đã cản trở tầm viễn kiến chính trị và tổ chức thực tiễn vận hành “cỗ xe chính trị”, chưa thể tương hợp một cách dân chủ, trên nền tảng pháp quyền tương xứng trong tổng thể công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, trong quá trình phát triển, xuất hiện không ít tư tưởng “nhảy cực” trên nhiều phương diện, dẫn tới sự “pha trộn” với các hình thái “nhập khẩu” từ bên ngoài (“Nhà nước kỹ trị”, đa nguyên tư tưởng, thể chế độc lập...) kỳ vọng và cổ xúy cho những sự “lai ghép” xa lạ.

Tối thiểu đổi mới hệ thống chính trị là phải tiên lượng những “biến thể” ấy, khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết ấy, để thực sự có một hệ thống chính trị Việt Nam dân chủ, hiện đại, tinh gọn, năng động và hội nhập, trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào.

Những đặc điểm này vừa quy định kết cấu, tổ chức, vận hành và các mối quan hệ, vừa cho thấy những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải giải quyết, vừa đặt ra những yêu cầu đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị Việt Nam.

2 - Phác thảo mô hình cấu trúc tổng thể hệ thống chính trị đổi mới

Hiện nay, hệ thống chính trị nước ta về phương diện hình thái cấu trúc mô hình đa tầngsong trùng. Và, mô hình này cũng là mô hình tổ chức mỗi bộ máy của toàn hệ thống (hệ thống thể chế). Nó gồm 8 thành viên: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam).

Qua thực tiễn vận hành, nhìn tổng thể, với mô hình cấu trúc này và sự vận hành thực tế của hệ thống chính trị nước ta cho thấy, ngày càng bộc lộ rõ những khiếm khuyết và hạn chế của toàn hệ thống và của từng thành viên.

Về vị trí, chức năng và nhiệm vụ: Bộ máy tổng thể và từng thành viên còn vừa chồng chéo, vừa cách bức, thậm chí có bộ phận, có lúc “đóng băng”, tê liệt bởi những “cục bướu” trung gian, và tất cả đều nặng nề “đầu nặng hơn chân”...

Về tổ chức bộ máy và thực thi chức năng, nhiệm vụ: Quy mô từng thành viên còn cồng kềnh nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối... do song trùng, nên phức tạp, nặng nề, trong khi nhiều phương diện bị khép kín, đứt đoạn lại vận động trong “khu rừng rậm” thể chế vừa thừa, vừa thiếu, vừa nhiều mặt bất cập; tình trạng vừa cắt khúc, khép kín, vừa chồng lấn, bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ của các thành viên hệ thống... trong thực thi vai trò, trọng trách cần kíp phải sửa đổi, chỉnh đốn.

Và, hạn chế xuyên suốt, bao trùm lo ngại nhất, đặc biệt ở những thời điểm khó khăn, có tính bước ngoặt của cách mạng trong thực thi cơ chế vận hành tổng thể đang bộc lộ rõ: Không ít các cấp của thành viên hệ thống “nổi, chìm”, thậm chí “buông trôi” trong cơ chế vừa tập trung, ôm đồm, vừa phân ly, không rõ trọng trách lãnh đạo, chỉ đạo, trong quản trị quốc gia, dẫn dắt phát triển đất nước...; nhất là những thể chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát chưa phù hợp trong lãnh đạo, quản lý (nói suông, “nắm chặt thì xơ cứng, nới lỏng thì rối tung”, “không quản được thì... cấm”...) còn duy tồn và hậu quả sẽ còn di tồn dai dẳng; những chính sách vĩ mô mang tính động lực vừa rườm rà, vừa chắp vá, vừa không ít phương diện lạc hậu, thậm chí là phản động lực, kìm hãm, triệt tiêu sức mạnh mỗi thành viên và lẫn nhau.

Và, đội ngũ cán bộ, công chức và nhân viên của toàn hệ thống: Tổng thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa thừa, vừa thiếu, vừa quá đông, vừa mất cân đối theo chức năng, nhiệm vụ, kỹ năng công vụ thiếu thành thục, không tinh nhuệ và phẩm hạnh cần thiết khiếm khuyết... lại “vào, ra, lên, xuống” rất không bình thường”, “có vào không có ra”, với “biên chế trọn đời”... chưa tương dung với vị trí công việc, đang trở thành “vừa chồng chéo, vừa bỏ trống” trong thực thi nhiệm vụ và trở “gánh nặng quá tải” về tài chính trong khi ngân sách rất khó chịu đựng và tài lực quốc gia khó dung hợp và đáp ứng, nếu không nói là không thể bao chứa nổi, nguy cơ rơi vào “kiệt sức”.

Nói khái quát, hệ thống chính trị hiện thời, rõ ràng chưa tương dung, chưa đáp ứng trực tiếp và toàn vẹn cuộc đổi mới chính trị, rộng hơn chưa tương hợp với đổi mới kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế... một cách toàn diện và đồng bộ; là căn nguyên của sự khấp khểnh, thậm chí trên nhiều phương diện chưa tương dung giữa các phương diện đổi mới hiện nay, cấp bách phải chỉnh đốn.

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình tổ chức hệ thống chính trị đó, không thể không cấu trúc lại hệ thống, bảo đảm tương dung với yêu cầu, trọng trách của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, tối thiểu trong tầm nhìn năm 2030. Trong tình hình hiện nay, xuất phát từ thực tiễn đổi mới, yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, xét từ các góc độ khoa học về tổ chức, về kinh nghiệm quản trị truyền thống và tham chiếu kinh nghiệm và thông lệ quốc tế, có thể nói, kiên quyết chuyển từ mô hình đa tầng sang mô hình đa trụ. Vì, không có mô hình hệ thống chính trị xã hội tối ưu nào hơn mô hình đa trụ, đa chức năng vận hành theo cấu trúc gồm những trụ - những vòng tròn (những thành viên hệ thống chính trị) đồng tâm, mà tâm của hệ thống cấu trúc những trụ cột này là trung tâm.

Nói khái lược, cấu trúc hệ thống chính trị Việt Nam đổi mới gồm 2 trụ cột và 1 trung tâm.

Theo đó, có thể phác thảo trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là trung tâm, là hạt nhân - tâm điểm của những vòng tròn đồng tâm của hệ thống chính trị, giữ vai trò lãnh đạo toàn hệ thống, trước hết và trực tiếp là Nhà nước (trụ cột - vòng tròn thứ nhất), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trụ cột - vòng tròn đồng tâm kế tiếp) và dẫn dắt toàn xã hội.

2.1- Trung tâm: Đảng Cộng sản Việt Nam - hạt nhân của hệ thống chính trị

Về nguyên tắc chính trị: Đảng giữ vị thế, vai trò lãnh đạo trực tiếp hệ thống chính trị và toàn xã hội, quyết không chia sẻ quyền lãnh đạo chính trị tất yếu đó cho bất cứ một lực lượng chính trị nào. Kiên định, phát triển độc lập, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên thực tế Việt Nam, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, với mục tiêu bất di bất dịch: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Về tất yếu cầm quyền chính trị và tính chính trị cầm quyền: Để xứng đáng là đội tiên phong chính trị của giai cấp, của dân tộc về trí tuệ và đạo đức, về bản lĩnh và văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị, Đảng phải tự mình trở thành dân tộc, không ngừng đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội dưới mọi hình thức, không đổi mới vô nguyên tắc. Các quyết sách chính trị phải phản ánh đúng quy luật khách quan và yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và sự phát triển của thế giới. Tất cả nhằm bảo vệ vô điều kiện lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc và nhân dân, với tư cách là “đứa con nòi” của nhân dân. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trực tiếp và quyết định là cấp chiến lược; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Nói khái lược, mục tiêu chính trị cầm quyền cao nhất của Đảng là, Đảng lãnh đạo để nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ đất nước.

Về nghệ thuật cầm quyền chính trị: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở đây, vấn đề trở nên cấp bách hơn hết bao giờ, Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị, trong xã hội, để thực thi sự cầm quyền của mình, thông qua đường lối chính trị, tổ chức đảng và đảng viên của mình, một cách dân chủ tập trung, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật, chứ không phải bên cạnh hay ở trên... một cách đơn giản, cứng nhắc, chồng chéo và cơ học - nguồn gốc nảy nòi của các bệnh hoạn cầm quyền: vừa áp đặt quyền lực, nhưng vừa bỏ trống quyền lực, lại vừa buông lỏng và lạm dụng quyền lực. Nói cách cách khác, đó là quá trình pháp luật hóa công việc lãnh đạo và tổ chức thực thi quyền lực chính trị của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội. Do đó, Đảng gương mẫu thực thi nghiêm cách quyền lực chính trị của mình và tự kiểm soát quyền chính trị theo Hiến định, luật định, nguyên tắc của Đảng và sự giám sát của nhân dân; không dung thứ bất cứ ai, và tổ chức đảng nào đứng ngoài hoặc trên kỷ luật của Đảng và pháp luật, tổ chức chính trị - xã hội nào đứng trên hay đứng ngoài pháp luật.

Có thể khái quát, phương thức cầm quyền của Đảng được thực thi tối thiểu trên 5 bình diện: 1- Cầm thời, 2- Cầm đạo, 3- Cầm cương, 4- Cầm tướng và 5- Cầm tâm. Đó cũng là cốt lõi của nghệ thuật cầm quyền (tôi sẽ trình bày dưới đây). Đảng cầm quyền để nhân dân là chủ và làm chủ trực tiếp và bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân, chứ tuyệt đối không phải đứng trên nhân dân, đứng trên và ngoài Nhà nước, như có người cố tình hiểu sai và hành động lệch lạc, hoặc một số ai đó xuyên tạc và bôi nhọ. Đó là mục tiêu cầm quyền duy nhất và tối cao, công việc cầm quyền cốt tử của Đảng, và Đảng chịu trách nhiệm lịch sử trước Nhà nước và nhân dân về quyền lãnh đạo chính trị của mình, đối với Nhà nước và xã hội, được bảo đảm bằng pháp luật và trên nền tảng luật pháp. Không có mục tiêu, con đường hay cứu cánh trung dung về phương tiện cầm quyền nào khác.

Theo đó, Đảng tập trung lãnh đạo kiến tạo Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, giữ vững và bảo đảm toàn bộ quyền lực của thể chế chính trị và quốc gia thuộc về nhân dân, với tư cách là một đảng duy nhất cầm quyền. Đây là cái gốc, mục tiêu bất biến của mọi hình thức và nghệ thuật cầm quyền. Đảng thượng tôn pháp luật, do đó, tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, theo đường lối chính trị của Đảng, bảo đảm và bảo vệ cho quyền lực nhà nước được thực thi nghiêm ngặt và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ một cách dân chủ theo pháp luật. Pháp luật của Nhà nước phải là bản khế ước của đường lối chính trị của Đảng, một cách tiến bộ, văn minh và hiện đại, theo tinh thần dân chủ và pháp quyền tối cao.

Và, theo đó, Đảng là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhưng, Đảng giữ trách nhiệm lịch sử lãnh đạo Mặt trận thực hiện mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế theo Hiến định, trên các bình diện: tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận (và các các tổ chức của Mặt trận); bảo đảm các điều kiện tổ chức nhân dân tham gia xây dựng, phản biện dân chủ đường lối chính trị, giám sát đội ngũ đảng viên của Đảng; có trách nhiệm xây dựng pháp luật và bộ máy nhà nước; tham gia thực thi, giám sát, kiểm tra và phản biện hoạt động của Nhà nước và các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước; đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, hành chính hóa và các chứng bệnh của Đảng cầm quyền, của Nhà nước và của chính Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng chịu trách nhiệm về quyền lãnh đạo chính trị và lịch sử của mình trước Mặt trận và nhân dân.

Về lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy và lựa chọn, bố trí cán bộ, trước hết là người đứng đầu mang tầm chiến lược của các thành viên hệ thống chính trị. Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo công việc này cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Đó là nguyên tắc. Vì, nếu trái thế, Đảng sẽ thất bại ngay từ bước khởi nguyên về nhân tố rường cột chính trị căn bản, càng không thể hóa thân chính trị thành công, trong điều kiện cầm quyền (hay trước kia khi chưa cầm quyền), khi thiếu hoặc buông lỏng nhân tố căn bản này. Đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết đặc biệt là cấp chiến lược, phải xứng đáng là chính trị gia của Đảng cầm quyền: trung thành với lý tưởng và lợi ích quốc gia dân tộc; tầm nhìn chính trị viễn kiến, giỏi về quản lý và chuyên môn, có óc phản biện; danh dự, dũng cảm, liêm sỉ, trách nhiệm, trong sạch và đạo đức... Bằng mọi cách, thu hút, nuôi dưỡng, bảo vệ, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ tinh hoa của hệ thống chính trị, một cách bình đẳng, công bằng và xứng đáng, không kể họ là, chưa là hay không là đảng viên của Đảng thông qua cơ chế tuyển chọn nhân tài một cách khoa học, dân chủ với các phương thức phù hợp và cụ thể.

Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu... Không có lòng tin của nhân dân, mọi cuộc cải cách, cho dù là nỗ lực bao nhiêu, sẽ đổ vỡ không tránh khỏi. Đội ngũ cán bộ, trước hết là những người lãnh đạo và quản lý mang tầm chiến lược, bảo đảm hài hòa về các độ tuổi, giữ vững tính liên tục, phát triển ngang tầm công việc cầm quyền của Đảng và đủ sức dẫn dắt quốc gia phát triển. Định kỳ và không định kỳ kiểm tra, “khảo hạch”, chỉnh đốn, cơ cấu lại đội ngũ này theo hướng dân chủ hóa, tinh nhuệ hóa, văn hóa hóa.

Nói khái lược, mỗi cán bộ trong bộ máy của Đảng là một nhà chính trị, đồng thời là một tấm gương mẫu mực về văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị. Lãnh đạo việc xây dựng các bộ máy của tổ chức thành viên bảo đảm: tinh, gọn, đa chức năng, liên thông, trực tiếp, hiệu lực và hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở. Bảo đảm nghiêm ngặt chế độ lãnh đạo tập thể dân chủ đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo gắn chặt với kiểm soát quyền năng và quyền lực theo trách nhiệm cụ thể, duy nhất của và đối với từng cá nhân bằng kỷ luật và pháp luật thượng tôn, trước hết là của người đứng đầu theo chức năng và thẩm quyền. Qua các vụ án, liên quan tới vấn đề này, cần thiết nhắc lại lời của V. Lê-nin: Cần phải truy tố và trừng phạt điển hình một cách nghiêm khắc đúng những người có trọng trách gây ra “những khuyết điểm về tổ chức này” chứ không trừng phạt người nào khác... Đem truy tố trước toà án về tệ quan liêu và xử phạt hết sức nghiêm khắc. Bởi vì, nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó. Cũng bởi vì, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham nhũng. Giữ vững vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (và các đoàn thể nhân dân thuộc Mặt trận) theo khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Ở đây, trước hết, đổi mới không ngừng bộ máy đảng trên cơ sở cấu trúc lại bộ máy tổ chức trong hệ thống đảng theo hướng xác lập trụ cột căn bản và chủ yếu đa chức năng, kiên quyết cắt bỏ tầng nấc trung gian, hoạt động trực tiếp, liên thông, tinh gọn và hiệu quả bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trao đủ quyền năng đúng, phù hợp và kiểm soát quyền lực một cách minh bạch được giao một cách chặt chẽ và thường xuyên từ Trung ương tới cơ sở; thông qua nắm lấy rường cột tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chủ chốt mang tầm chiến lược của tất cả các thành viên của hệ thống chính trị, trên cơ sở dân chủ, phân quyền và giám sát, kiểm tra thích hợp đối với từng loại cán bộ một cách chặt chẽ trong các bộ máy này. Phải đo lường được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy bằng mức độ giải quyết công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ và độ hài lòng của nhân dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công. Không có kiểm tra, giám sát dân chủ và đa diện thì không có bất cứ thành công mong muốn nào trong công cuộc cầm quyền của Đảng. Vấn đề có ý nghĩa sinh tử đối với sự thành bại của lĩnh vực tổ chức - cán bộ và kiểm tra của Đảng, cần khắc sâu: Người làm các công tác tổ chức - cán bộ, người làm công việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy trước hết và sau cùng, phải liêm chính, trong sạch, trách nhiệm và dũng cảm; rồi mới nói tới tầm nhìn, sự tinh nhuệ, tinh thông... Vì, sự thất bại của chúng ta trong thời gian vừa qua thường bắt đầu từ sự bất cập của công tác tổ chức và cán bộ, công tác kiểm tra và người chủ trì, dẫn dắt và chịu trách nhiệm về hệ thống nhân sự và kiểm soát đội ngũ trên phương diện này.

Nếu có đại họa nào làm Đảng băng hoại về chính trị và tổ chức, thể chế tan tành, thì lúc này, hơn hết lúc nào, đó chính là “giặc nội xâm” và nạn phân rã chính trị: tham nhũng quyền lực, “lợi ích nhóm”, “sứ quân” cát cứ... Đảng đi tiên phong và nêu gương phòng, chống tham nhũng: tham nhũng vật chất, tham nhũng quyền lực và tham nhũng lòng tin; phòng, chống nguy cơ đe dọa sự thống nhất của Đảng, làm Đảng phân rã: các nhóm lợi ích, nguy cơ về các “sứ quân” trong Đảng.

Cần thiết đổi mới Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng theo hướng đổi mới vị trí, chức năng và nhiệm vụ, với quyền năng và trách nhiệm mới để thực thi trọng trách ngang tầm nhiệm vụ, trước yêu cầu phát triển mới: Ủy ban Kiểm tra, giám sát và Kỷ luật của Đảng (sẽ trình bày ở phần kiểm soát quyền lực dưới đây).

Chỉnh đốn toàn diện đội ngũ đảng viên của Đảng, bảo đảm chất lượng, “thà ít mà tốt”. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện Điều lệ Đảng, trong đó phát triển bộ tiêu chí về Tư cách người đảng viên của Đảng theo hướng: Toàn diện nhân cách, tinh hoa về định tính; cụ thể về định lượng; minh bạch về thực hiện và trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra. Không thể là đảng viên của Đảng, tối thiểu khi: không còn trung thành với lý tưởng, xa rời các nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, sống và hoạt động ngoài nhân dân, không trung thực và trong sạch, không đoàn kết và thống nhất, không gương mẫu và tự trọng... Nghĩa là như thế, không còn xứng đáng là người có phẩm hạnh và khả năng cầm quyền của một Đảng cầm quyền.

Trở lại và nâng tầm mối liên hệ với nhân dân, với tư cách là “đứa con nòi”, xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Đó là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng. Nhân dân là nguồn gốc sinh thành và cội nguồn sức mạnh của Đảng, nền móng sức mạnh quốc gia, dưới ngọn cờ của Đảng. “Sông phía Bắc, biển phía Đông. Nếu không dân cũng là không có gì”. Nhân dân là người sinh ra Đảng, vì “Đảng ta là đứa con nòi của giai cấp lao động”! Từ quyết sách chính trị tới lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp..., cần thiết lắng nghe ý kiến của nhân dân, định chế bằng chính sách cụ thể để nhân dân tham gia giám sát, lựa chọn và quyết định giới thiệu. Ai mơ hồ về lẽ đó tất suy bại, ai đi ngược lại điều sơ giản đó không thể không cầm chắc tiêu vong. Nhân dân tự mình nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ văn hóa chính trị, văn hóa pháp lý, văn hóa dân chủ... để sử dụng các quyền dân chủ, thực hành dân chủ tự giác theo luật pháp nhằm bảo vệ “đứa con nòi” của mình, một cách chủ động với tấm lòng của người sinh thành ra Đảng một cách nghiêm khắc và bao dung. Tới lượt mình, Đảng phải làm tốt nhất không chỉ về phương diện đạo lý mà cả trên bình diện pháp lý bảo đảm thực thi tất cả những vấn đề về quyền và trách nhiệm tối thiểu đó của nhân dân, vì và cho nhân dân.

Đảng tự xây dựng, tự chỉnh đốn mình và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về con người, về tổ chức, về vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại bảo đảm cho công cuộc đổi mới phương thức cầm quyền hoàn bị ngang tầm với trọng trách lịch sử.

Nói khái quát, công cuộc đổi mới cầm quyền của Đảng xoay chung quanh 6 chữ: Thế Nước - Lòng Dân - Vận Đảng!./.

(Còn nữa)

TS. Nhị Lê
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất