(TG) - Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội khoá XIV,
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xây dựng Dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử cho
các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường
mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” (Bộ quy tắc). Việc cần thiết ban hành Bộ quy tắc
này là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên làm thế nào để Bộ quy tắc đi vào cuộc sống,
để không bị lãng quên như không ít bộ quy tắc khác là điều cần bàn tới.
TÁC ĐỘNG CỦA MẠNG XÃ
HỘI ĐẾN DƯ LUẬN XÃ HỘI
Mỗi sáng thức dậy, thay
vì bật tivi, mở đài, cầm
tờ báo và vào các trang
báo mạng điện tử để xem tin
tức, rất nhiều người lại bắt đầu
bằng những dòng thông tin rất
ngắn trên các trang mạng xã hội.
Nếu như trước đây, tâm trạng xã
hội được đo lường qua kênh báo
chí là chủ yếu thì nay mạng xã
hội đang dần chiếm lĩnh, khẳng
định vị trí này. Điều này đã tạo
ra sự chuyển biến lớn trong
cách sử dụng các phương tiện
truyền thông hiện nay của công
chúng, ảnh hưởng rất lớn đến
lưu lượng, giá trị thông tin được
truyền tải. Thực tế cũng cho
thấy, trong nhiều trường hợp,
mạng xã hội có tác động rất lớn
trong việc tạo dựng, định hướng
và dẫn dắt dư luận xã hội, đặc
biệt tại một số thời điểm nhạy
cảm, trong một số vụ việc mất
an ninh trật tự.
Một thực tế dễ nhận thấy là
trên các mạng xã hội đang tồn
tại rất nhiều những hội cuồng
tín, phản động, tội phạm… sử
dụng mạng xã hội để phục vụ
cho mục đích xấu xa: có thể là
bôi xấu hình ảnh của cá nhân,
tổ chức nào đó hoặc lợi dụng để
can thiệp công việc nội bộ các
nước khác.
Trên mạng xã hội, người
ta thoải mái chê bai, thậm chí
là xỉ nhục danh dự cá nhân, tổ
chức mà không chịu sự kiểm
soát hoặc phán xét của bất kỳ ai.
Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh
nghiệp… trở thành nạn nhân
của những dụng tâm ác ý, có chủ
đích. Chỉ trong tích tắc, danh
dự, nhân phẩm, thương hiệu
của cá nhân, tập thể bị phá hoại
mà không cách nào khắc phục.
Khá nhiều vụ tự tử xảy ra do bị
lừa đảo hoặc lôi kéo trên mạng.
Những trào lưu sống không lành
mạnh cũng từ đó mà lây lan rất
nhanh. Trong khi đó, các thông
tin cá nhân cũng dễ dàng bị công
bố mà không cần quan tâm tới
bản quyền hay ý kiến của chủ
nhân. Việc bị ăn cắp thông tin cá
nhân là mối nguy hiểm thực sự
qua hình thức phát tán thông tin
không hạn chế trên mạng xã hội.
Có một tâm lý chung của
những người dùng mạng xã hội
là thích hướng về những thông
tin nóng, mới hơn là xem nguồn
gốc chúng đến từ đâu, có chính
xác hay không. Sự thật là có rất
nhiều các tin đồn nhảm xuất
hiện từ các trang web không
đáng tin cậy nhưng chẳng làm
cho cư dân mạng để ý. Các mạng
xã hội dường như cũng không
quan tâm đến điều này. Vì vậy,
nhiều người lo lắng rằng những
giá trị cốt lõi của truyền thông
đang đứng trước nguy cơ mất
dần. Cả thế giới giờ đây đã bắt
đầu cảm nhận được những sự
nguy hiểm từ sự quá tự do trên
mạng xã hội và đang cùng nhau
tìm cách khắc phục.
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP
CHO THỂ CHẾ “MỀM”
Thực tiễn cho thấy, việc ban
hành các văn bản pháp lý, các
quy định về quản lý nhà nước,
cho dù có nghiêm ngặt đến đâu,
cũng không thể loại trừ hoàn
toàn những thông tin xấu, độc
trên mạng xã hội. Mặt trái của
mạng xã hội luôn tồn tại và
không thể xóa bỏ mà chỉ có thể
hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh
những quy định của pháp luật,
cần phải có một khuôn khổ thể
chế “mềm”, để bổ sung cho các
khung pháp lý chính thức của
Nhà nước.
Việc Bộ Thông tin và Truyền
thông xây dựng Dự thảo “Bộ quy
tắc ứng xử cho các nhà cung cấp
dịch vụ và người sử dụng mạng
xã hội, hướng tới xây dựng môi
trường mạng lành mạnh, an toàn
tại Việt Nam”, với nội dung cốt
lõi là những chuẩn mực đạo đức
về hành vi, ứng xử trên mạng
xã hội là rất cần thiết với tình
hình hiện nay. Tuy nhiên, làm
thế nào để Bộ quy tắc tăng tính
hiệu quả, phát huy tính khả thi,
nghĩa là đi vào cuộc sống, để
không bị lãng quên như không
ít bộ quy tắc khác lại là điều
không đơn giản.
Trên cơ sở góc nhìn của lĩnh
vực truyền thông, xin đề xuất
một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức
của người dân về mạng xã hội
nói chung, Bộ quy tắc nói riêng.
Thay vì làm một cách dàn trải,
trước hết hãy tác động nhằm
thay đổi, nâng cao nhận thức của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động trong các
tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp…
và từ họ sẽ lan sang người thân,
bạn bè… Bởi đây là những người
có trình độ nhận thức tương
đối cao trong xã hội, lại gắn bó
và chịu sự ràng buộc của một
tập thể, tổ chức nhất định, nên
việc đo lường sự thay đổi, biến
chuyển cũng dễ dàng hơn.
Nhưng nếu thay đổi nhận
thức, cách ứng xử trên mạng
của cán bộ, công chức, viên
chức, nhân viên trong các cơ
quan, doanh nghiệp thì mới chỉ
thay đổi phần ngọn. Do đó, cần
có chiến lược đưa Bộ quy tắc vào
nhà trường, giáo dục kỹ năng
ứng xử, cách thức sử dụng mạng
xã hội cho học sinh ngay từ cấp
tiểu học, hoặc muộn là cấp cơ sở.
Hai là, tăng cường truyền
thông, phổ biến Bộ quy tắc.
Ngoài việc sử dụng tổng lực
các phương tiện truyền thông
như báo chí, mạng xã hội thì sự
chung tay, góp sức của các bộ,
ban, ngành trong việc đưa Bộ
quy tắc vào các cơ quan, doanh
nghiệp, nhà trường… là hết sức
cần thiết. Thêm vào đó, nếu có
sự phối hợp giữa cơ quan nhà
nước, doanh nghiệp và cộng
đồng, đặc biệt là đơn vị cung
cấp dịch vụ mạng xã hội - đơn vị
chịu trách nhiệm cung cấp dịch
vụ nền tảng - trong việc truyền
thông, nâng cao nhận thức của
người sử dụng mạng xã hội thì
sẽ mang lại hiệu quả cao. Theo
đó, cách thức truyền thông phải
bài bản, dài hơi, bằng nhiều
kênh, tránh khô cứng và phải
gắn với những tình huống sinh
động trong thực tiễn.
Trong công tác tuyên truyền,
lấy đội ngũ làm công tác báo chí
và truyền thông làm đối tượng
tác động trọng tâm, có ý nghĩa
then chốt. Bởi nếu đội ngũ này có
những ứng xử đúng, có văn hoá
thì sẽ là “cánh chim báo bão” lan
toả hành động rất nhanh, ngược
lại sẽ có tác động rất xấu đến dư
luận, xã hội. Đồng thời, cần phải
có công tác truyền thông mang
tính đột phá để chính mỗi nhà
báo phải nhận thức được rằng,
khi tham gia mạng xã hội, dù
cho họ không mang danh nghĩa cơ quan, toà soạn nhưng góc
nhìn của họ vẫn là của một nhà
báo; công chúng vẫn nhìn họ
với tư cách là một nhà báo nên
độ lan toả và hậu quả tác động
sẽ cao gấp nhiều lần người khác.
Không ít nhà báo thể hiện
quan điểm của mình trên báo
chí và trên mạng xã hội là khác
nhau, thậm chí là đối lập nhau.
Hiện tượng “nhà báo hai mặt”,
phát ngôn trên mạng xã hội
không chuẩn mực, thậm chí nói
sai quan điểm của Đảng, trái với
Hiến pháp đang ngày càng có
chiều hướng nghiêm trọng hơn.
Ba là, khuyến khích các cơ
quan báo chí, các tổ chức, doanh
nghiệp, trường học… xây dựng
bộ quy tắc ứng xử trên mạng
xã hội riêng dựa vào điều kiện,
đặc điểm của mình; hoặc đưa
nguyên tắc ứng xử trên mạng
xã hội vào quy định nội bộ của
cơ quan, gắn việc thực hiện này
với tầm nhìn, sứ mệnh của cơ
quan, đơn vị và tạo ra những
tiêu chí cụ thể để soi chiếu. Bản
thân người đứng đầu cơ quan,
đơn vị phải nhận thức được tầm
quan trọng của mạng xã hội nói
chung, có trách nhiệm xây dựng
văn hoá ứng xử trên mạng xã hội
nói riêng, thông suốt và có nhiều
hành động nhằm thúc đẩy nó,
coi đây là một nội dung trong
quản lý hành vi con người, quản
trị nhân sự.
Một trong những nguyên
nhân chủ yếu khiến Bản Quy
định đạo đức nghề nghiệp của
người làm báo Việt Nam trong
thời gian dài chưa thực sự phát
huy hiệu quả, đó là các quy
định đạo đức trên chưa được cụ
thể hóa thành những quy định
bắt buộc trong mỗi cơ quan báo
chí, chưa thực sự trở thành các
nguyên tắc ứng xử hàng ngày
trong cơ quan cũng như trong
thực tiễn tác nghiệp của các
nhà báo.
Hiện tại, việc “tuân thủ quy
định đạo đức nghề nghiệp của
người làm báo” đã được luật
hoá, cụ thể được quy định tại
Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ
của nhà báo của Luật Báo chí
2016. Trong 10 điều của bản Quy
định đạo đức của người làm báo
Việt Nam thì Điều 5 nêu rõ nhà
báo cần: “Chuẩn mực và trách
nhiệm khi tham gia mạng xã hội
và các phương tiện truyền thông
khác”. Mới đây, Hội Nhà báo Việt
Nam cụ thể hóa Điều 5 bằng một
bộ quy tắc ứng xử, làm rõ các
chuẩn mực và trách nhiệm của
nhà báo trên mạng xã hội.
Cùng với đó, mỗi cơ quan
báo chí cũng có thể xây dựng
một bản quy tắc ứng xử trên
mạng xã hội phù hợp với tôn
chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm
vụ, phong cách, đặc trưng, công
chúng, lịch sử… của tờ báo. Đây
sẽ là cơ chế kiểm soát mà tất cả
mọi người trong cơ quan báo chí
đều phải tuân theo.
Bốn là, tăng sự ràng buộc và
cơ chế giám sát của Bộ quy tắc.
Người dùng mạng xã hội trước
hết phải tuân thủ các quy định
của pháp luật, nếu ai vi phạm
hoặc xâm hại đến quyền và lợi
ích của cá nhân hoặc tổ chức thì
sẽ bị xử lý theo các quy định của
pháp luật.
Năm là, tăng cường vai trò
giám sát của nhân dân, công
chúng đối với việc tuân thủ Bộ
quy tắc ứng xử trên mạng xã
hội của của cán bộ, công chức,
viên chức, đảng viên. Bên cạnh
sự quản lý, giám sát của các cấp,
các ngành, của chính cơ quan
nơi người sử dụng công tác thì
sự tham gia giám sát của xã hội,
công chúng đối với đội ngũ cán
bộ, nhân viên nhà nước là điều
rất cần thiết. Khi một hành vi
ứng xử không phù hợp diễn ra,
công chúng, cơ quan, luật pháp
và xã hội cùng lên án thì sẽ tạo
ra sự răn đe đủ mạnh.
Để sự giám sát của xã hội,
cộng đồng mạng đối với đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức… có
hiệu quả, cần thực hiện một số
điều sau: 1) Các quy định trong Bộ
quy tắc phải rõ ràng, cụ thể, ngắn
gọn để có thể trở thành những
chuẩn mực để cộng đồng thẩm
định, kiểm tra, soi vào khi có
hành vi gây tranh cãi. 2) Sự giám
sát công bằng của xã hội, cộng
đồng cũng là một yếu tố tác động
rất nhiều đến việc ứng xử trên
mạng xã hội của đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức... 3) Thường
xuyên làm công tác tuyên truyền,
vận động cộng đồng mạng tích
cực lan toả những hành vi, hành
động tích cực để giúp nhân lên
điều tốt, và đặc biệt dám đấu
tranh với cái xấu, cái tiêu cực để
giành lại không gian sống lành
mạnh cho mình và cộng đồng.
4) Thực hiện việc đăng, phát
công khai các hành vi ứng xử vi
phạm pháp luật và vi phạm Bộ
quy tắc ứng xử khi đã có kết luận
cuối cùng trên các phương tiện
thông tin đại chúng và mạng xã
hội nhằm bảo đảm sự công khai,
minh bạch để nhân dân cùng
biết và cùng lên án.
Trên thực tế, sẽ không có một
giải pháp nào khả thi nếu đứng
độc lập. Vì vậy, để Bộ quy tắc ứng
xử trên mạng thực sự đi vào đời
sống và phát huy hiệu quả thì
cần có sự kết hợp của nhiều giải
pháp với nhiều nguồn lực./.
PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang
_______________________________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 1/2019