KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT Ở NƯỚC TA
Về thẩm quyền giao đất và cho thuê đất
Ở
nước ta, theo pháp luật đất đai từ năm 2013 đến nay, thẩm quyền này
thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, được phân cấp theo
hạn mức diện tích đất, quy mô của dự án có sử dụng đất và đối tượng sử
dụng đất. Trên phạm vi cả nước có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, 713 thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện và 11.164 đơn vị
hành chính cấp xã. Tổng số cơ quan có thẩm quyền trao quyền sử dụng đất
(QSDĐ) tại Việt Nam hiện nay là 11.940 cơ quan. Thẩm quyền trao QSDĐ còn
được giao cho các bộ và cơ quan ngang bộ là các cơ quan nhà nước đang
quản lý và sử dụng đất phục vụ cho mục đích hoạt động của tổ chức mình
gồm: trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất, QSDĐ đối với đất
dùng để xây dựng trụ sở làm việc trong trường hợp các tổ chức này không
còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng không có hiệu quả.
Bên
cạnh các cơ quan có thẩm quyền chung được quyền trao QSDĐ, còn có cơ
quan có thẩm quyền chuyên môn cũng được trao quyền bán tài sản gắn liền
với QSDĐ. Như vậy, cấu trúc phân quyền đại diện sở hữu toàn dân để định
đoạt về đất đai được phân tán cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.
Thực
trạng phân tán về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất dẫn đến hệ quả là:
Nhà nước chưa quản lý tốt diện tích đất chưa trao cho người sử dụng đất;
trong một số trường hợp, Nhà nước mất kiểm soát về hoạt động trao QSDĐ
cho người sử dụng đất.
Về căn cứ giao đất, cho thuê đất
Luật
Đất đai năm 2013 (Điều 52) quy định: Căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất
hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất,
thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thực
hiện quy định về căn cứ kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện khi
thực hiện giao đất và cho thuê, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý
nhà nước là đơn vị quản lý đất chưa trao cho người sử dụng đất. Do đó,
các doanh nghiệp nhà nước có lợi thế trong việc tiếp cận QSDĐ khi cơ
quan có thẩm quyền lập kế hoạch sử dụng đất. Từ đây, có thể dẫn đến việc
hạn chế quyền tiếp cận QSDĐ của các chủ thể thuộc thành phần kinh tế
khác, trong đó có các chủ thể của kinh tế tư nhân. Vấn đề đặt ra là, Nhà
nước khi lập kế hoạch làm căn cứ giao đất, cho thuê đất phải bảo đảm
mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế, công bằng trong phân bổ nguồn
lực giữa các thành phần kinh tế.
Về thủ tục giao đất, cho thuê đất
Pháp
luật Việt Nam quy định hai hình thức đó là, giao đất, cho thuê đất theo
hình thức đấu giá và giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu
giá hay gọi là chỉ định chủ đầu tư.
Giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá là
hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai
người trở lên tham gia đấu giá. Quy định về trình tự đấu giá QSDĐ hiện
nay còn những hạn chế: Các cơ quan, tổ chức đang quản lý đất không có
động cơ để lên phương án đấu giá QSDĐ nhằm thu lợi cho chủ sở hữu toàn
dân; không có bất cứ ai giám sát quá trình đấu giá mà hoàn toàn do cơ
quan hành pháp thực hiện điều này. Do vậy, nhiều khi không bảo đảm
nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan khi tổ chức việc đấu giá.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: dantri.com.vn)
Giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá, hay
còn gọi là hình thức chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có
quyền sử dụng đất hợp pháp hoặc nhận chuyển QSDĐ ở để xây dựng nhà ở
thương mại (Điều 21, 23 Luật Nhà ở năm 2014) cho phép chuyển mục đích sử
dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất; tính giá trị
QSDĐ khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử
dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho
thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền
thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà
nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm; trường hợp đất đưa ra đấu
giá QSDĐ mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người
đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 2 lần nhưng không thành
và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định (Điều 114 và
Điều 118 Luật Đất đai năm 2013).
Các thủ tục giao đất, cho thuê đất như trên đều mang tính chất hành chính, có thể mang đến những bất cập: Thứ nhất,
giá đất áp dụng để tính tiền sử dụng đất là giá đất cụ thể không qua
quá trình thương lượng hay đấu giá để xác định giá thị trường, Nhà nước
không thu được giá trị QSDĐ tăng lên trên giá trị định giá theo quyết
định hành chính (giá đấu giá) và phần giá tăng thêm thông qua quá trình
cạnh tranh. Thứ hai, các cơ quan nhà nước chưa có sự gắn kết
hai hình thức trao QSDĐ, QSDĐ thông qua đấu giá do Bộ Tài nguyên và Môi
trường thực hiện, còn thủ tục lựa chọn chủ đầu tư do Bộ Xây dựng thực
hiện (giá trị QSDĐ không được kết hợp với quyền phát triển trên đất đã
làm thất thoát lượng “địa tô tuyệt đối” thu về cho ngân sách nhà nước). Thứ ba,
không có văn bản tích hợp quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, khi cơ quan
ký hợp đồng cho thuê đất là các sở tài nguyên và môi trường, trong lúc
đó, cơ quan quản lý việc tạo lập tài sản trên đất được trao cho các sở
xây dựng. Thứ tư, quá trình thực hiện còn chưa bảo đảm sự bình
đẳng trong tiếp cận QSDĐ giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế khác. Với việc khẳng định vai trò chủ đạo
của kinh tế nhà nước giúp các doanh nghiệp nhà nước có nhiều cơ hội và
thuận lợi hơn các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.
Nhà nước trao quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Đối
với hình thức này, khi tính giá trị QSDĐ để cổ phần hóa doanh nghiệp
nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà
nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất
một lần cho cả thời gian thuê thì doanh nghiệp được áp dụng giá đất cụ
thể mà không thông qua hình thức đấu giá (Điều 114 Luật Đất đai năm
2013). Sau khi có QSDĐ do cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước được tiếp
tục chuyển nhượng QSDĐ này cho nhà đầu tư trong nước hoặc doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài. Việc gia nhập và rút khỏi thị trường của doanh
nghiệp nhà nước với việc được giao QSDĐ và được quyền chuyển nhượng lại
QSDĐ cho thấy có sự chênh lệch giá đầu vào theo giá chỉ định và giá đầu
ra theo giá thị trường, khoản giá trị QSDĐ chênh lệch (gọi là lợi nhuận
từ kinh doanh) không phải do sự đầu tư sức lực của doanh nghiệp nhà
nước mà có.
Nhà nước trao quyền sử dụng đất dưới hình thức đổi đất lấy kết cấu hạ tầng
Hiện
nay, việc trao QSDĐ dưới hình thức đổi đất lấy kết cấu hạ tầng được
thực hiện dưới hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) là hợp
đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây
dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó
cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để
thực hiện dự án khác. Quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư gồm: đất xác
định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế theo quy định
của pháp luật về đất đai; đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ sử dụng
để thanh toán dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới gồm,
đất mà cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước
nắm giữ 100% vốn điều lệ được giao quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất tại
vị trí cũ, có văn bản báo cáo về nhu cầu, sự cần thiết thực hiện dự án
BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới và sử dụng quỹ đất của cơ
sở nhà, đất tại vị trí cũ để thanh toán. Quy định đổi đất lấy kết cấu hạ
tầng nêu trên cho thấy hai vấn đề cần phải quan tâm: Thứ nhất, đối tượng đem ra trao đổi chính là QSDĐ chưa trao cho người sử dụng đất - đất công sản chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai. Thứ hai,
cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng trao đổi là cơ quan được trao
quyền để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như có thẩm
quyền trao QSDĐ được quy định trong Luật Đất đai. Cơ chế này đã tạo điều
kiện cho một lượng đất công sản thoát ly khỏi sự kiểm tra, giám sát của
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG GIAO ĐẤT NHẰM BẢO ĐẢM QUYỀN CỦA CÁC CHỦ THỂ VÀ PHÙ HỢP VỚI CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG
Thứ nhất, trong
bối cảnh đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đại diện quyền định đoạt đất
đai không nên phân tán cho quá nhiều cơ quan. Quyền định đoạt QSDĐ nên
được trao cho một cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, nên thống nhất việc
trao quyền định đoạt QSDĐ cho một cấp là chính quyền địa phương (chính
quyền cấp tỉnh) theo cơ chế phân quyền là cấp độ phân cấp hành chính cao
nhất. Theo đó, toàn bộ chức năng ra quyết định, quản lý và tài chính
được chuyển giao cho chính quyền địa phương. Trong các trường hợp cụ
thể, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm giải trình trước các
quan chức dân cử. Đồng thời, các đại biểu dân cử sẽ chịu trách nhiệm
giải trình trước cử tri chứ không chỉ là trước chính quyền các cấp cao
hơn. Trong phạm vi được phân quyền, cơ quan có thẩm quyền được phép ủy
quyền cho cơ quan chuyên môn thực hiện các công việc được ủy quyền.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về phân bổ đất đai tại Việt Nam. Các
cơ quan quản lý nhà nước không tham gia trực tiếp vào hoạt động phân bổ
QSDĐ nữa mà chỉ tổ chức, kiến tạo ra cách thức và tổ chức các chủ thể
phân bổ QSDĐ, tách hoạt động quản lý hành chính ra khỏi hoạt động điều
phối tài sản công.
Nhà
nước thành lập những doanh nghiệp để quản lý kinh doanh quỹ đất theo cơ
chế thị trường dưới dạng những giao dịch dân sự để tránh các thủ tục
hành chính rườm rà như các quy định về giao đất, cho thuê đất hiện hành.
Việc
thiết lập các chủ thể thị trường theo cách: thành lập những chủ thể mới
hoặc trao thêm quyền cho các chủ thể đang tồn tại như tổ chức phát
triển quỹ đất, đi kèm xác định lại tư cách chủ thể trong quan hệ giữa
các chủ thể này với chính quyền địa phương với danh nghĩa là pháp nhân
hoạt động theo ủy quyền của chính quyền địa phương nhằm bảo đảm sự tham
gia bình đẳng của các thành phần kinh tế trong hoạt động giao đất, cho
thuê đất.
Thứ ba, cần
có quy định hạn chế và kiểm soát hoạt động chuyển QSDĐ bằng hình thức
chỉ định chủ đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đổi đất lấy
kết cấu hạ tầng. Các hình thức trao QSDĐ được điều chỉnh theo
hướng hoàn thiện thể chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Thu
hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất. Việc
giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã
hội được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có sử
dụng đất. Kiểm tra chặt chẽ việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu
nhà nước và việc thực hiện đấu giá QSDĐ khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở
làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh
tế. Tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh
nhằm bảo đảm sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phù hợp
với nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.
Kiểm
soát chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử
dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; quy định và tổ chức thực hiện nghiêm
túc các điều kiện, tiêu chí để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất,
cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư. Tập
trung kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm những trường hợp đất đã được Nhà
nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng
lãng phí, đầu cơ hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật.
Hạn
chế, tiến tới chấm dứt hình thức trao QSDĐ thông qua hình thức chỉ định
chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển sang hình
thức thỏa thuận theo hợp đồng. Điều này giúp Nhà nước thu được nguồn địa
tô theo giá thị trường. Xem xét chấm dứt hình thức trao QSDĐ khi cổ
phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra sự công bằng cho các thành
phần kinh tế trong việc tiếp cận QSDĐ, đồng thời chính quyền địa phương
quản lý được QSDĐ từ các doanh nghiệp này nhằm sử dụng cho mục tiêu phát
triển kinh tế của địa phương. Cùng với đó, cần hạn chế, tiến tới chấm
dứt trao QSDĐ thông qua hình thức đổi đất lấy kết cấu hạ tầng để chuyển
đất này sang hoạt động đấu giá nhằm thu về cho ngân sách nhà nước giá
trị địa tô tương ứng với giá thị trường. Chuyển từ hình thức trao QSDĐ
dưới hình thức quyết định hành chính chuyển sang mô hình hợp đồng, khi
đó hợp đồng là công cụ để Nhà nước quản lý thị trường bất động sản.
Xem xét mở rộng hạn mức sử dụng đất để tạo điều kiện tăng năng suất
lao động, hình thành sản xuất lớn về nông nghiệp ở Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
Thứ tư, cần
bổ sung các quy định về “vốn hóa đất công sản” và tài sản công gắn liền
với đất. Như mọi quốc gia chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế
thị trường, ở nước ta cũng diễn ra quá trình chuyển một phần lớn QSDĐ
công, tài sản công từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân. Đây là một
quá trình tất yếu. Quá trình này được gọi là quá trình “vốn hóa đất công
sản” và tài sản công. Các hình thức cụ thể của quá trình này ở Việt Nam
bao gồm: “đổi đất lấy hạ tầng” (sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng
nay ẩn dưới tên mới “dự án BT”), “giao đất để thực hiện các dự án đầu
tư”, “bán tài sản công” khi Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng, “cổ phần
hóa doanh nghiệp nhà nước”. Nếu quá trình vốn hóa này không được kiểm
soát tốt thì tham nhũng sẽ phát sinh liên quan đến phần giá trị chênh
lệch giữa giá trị do Nhà nước xác định và giá thị trường(1).
Thứ năm, pháp
luật đất đai cần được sửa đổi, bổ sung quy định trao quyền cho tổ chức
kinh tế, trong đó có tổ chức kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài được nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại đất nông nghiệp của
hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để đầu tư trong lĩnh vực kinh tế
nông nghiệp. Cần xem xét lại thời hạn sử dụng đất để người dân, nhà đầu
tư yên tâm đầu tư trên đất; xem xét mở rộng hạn mức sử dụng đất để tạo
điều kiện tăng năng suất lao động, hình thành sản xuất lớn về nông
nghiệp ở Việt Nam.
Thứ sáu, trong
bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương
mại thế giới (WTO), tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
thì những cam kết của Việt Nam trong hoạt động trao QSDĐ cho người sử
dụng đất cần phải được thực hiện đúng với cam kết theo tinh thần hội
nhập bằng việc cải cách hoạt động trao QSDĐ từ cơ chế hành chính quan
liêu sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước./.
PGS. TS. Phạm Hữu Nghị
Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nhà nước và pháp luật,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
__________________
(1) Đặng Hùng Võ: Một số vấn đề cần sửa đổi, trong Luật Đất đai năm 2013, https://kinhtevadubao.vn/mot-so-van-de-can-sua-doi-trong-luat-dat-dai-nam-2013-10564.html, ngày 3/11/2017.
(Nguồn: TC Cộng sản)