Thứ Năm, 21/11/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Sáu, 1/7/2022 16:57'(GMT+7)

Quyền lợi khi được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia

CÁC SẢN PHẨM ĐẠI DIỆN CHO VIỆT NAM TRƯỚC CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ

Có thể nói, quyền lợi đối với các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là rất lớn, tuy nhiên, thiết thực và vinh dự nhất đó là các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia sẽ chính là các sản phẩm đại diện cho Việt Nam - một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao – trước cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.

Song song đó, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương triển khai các hoạt động như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu; Hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp về công tác xây dựng và phát triển thương hiệu.

Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế tập trung cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp về công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị, diễn đàn với nhiều chủ đề liên quan đến xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia, đào tạo kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp THQG và các doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện các hoạt động tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường; thiết kế bao bì, sản phẩm và hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG: Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, trong đó tập trung tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực, nhằm nâng cao vị thế và giá trị của Thương hiệu quốc gia cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với khách hàng/ người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế.

 

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRONG XÂY DỰNG, BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

Hiện nay, đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, phần lớn chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho xây dựng thương hiệu. Vì vậy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp để tăng giá trị gia tăng, thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tăng cường khả năng nhận biết hàng hóa, dịch vụ trên thị trường là điều vô cùng cần thiết trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước. Chương trình THQG Việt Nam được thực hiện với mục tiêu đó. Đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, Thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Chương trình thể hiện sự bảo trợ của Nhà nước cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

Với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG Việt Nam, trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Chương trình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: (1) tổ chức hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thương hiệu Việt Nam 20 tháng 4; tổ chức Tuần lễ THQG Việt Nam; tổ chức xét chọn, tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia hai năm một lần; tổ chức các hoạt động quảng bá, truyền thông về Chương trình và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG tại các sự kiện ngoại giao, kinh tế, thương mại, xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch và trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước…, (2) và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cụ thể như: hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và đối tác kinh doanh, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn  thiết kế về sản phẩm, đào tạo nghiệp vụ marketing cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu…, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước và quốc tế.

 Minh Thế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất