Thứ Năm, 26/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 4/10/2016 9:21'(GMT+7)

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế - điểm mới trong chiến lược kinh tế nước ta

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi. Đây là môi trường khách quan tác động lớn đến thực hiện chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó khâu then chốt là cơ cấu lại nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện thành công chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế trong điều kiện nước ta đã chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT) 30 năm và hội nhập vào nền kinh tế thế giới với sức cạnh tranh ngày càng tăng.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, nhận thức đúng vấn đề “đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” là quyết định thành công của chiến lược đổi mới kinh tế. Muốn vậy, cần làm sáng tỏ mấy vấn đề có ý nghĩa quyết định chất lượng bền vững của chiến lược đổi mới kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo quản lý kinh tế ở thời điểm hiện nay.

1. Xu hướng phát triển KTTT từ đầu thế kỷ XXI và điều kiện khách quan và triển vọng về phát triển bền vững

Nhận thức đúng xu hướng phát triển KTTT từ thế kỷ XXI thì mới có khả năng xây dựng chiến lược kinh tế đúng hướng và có hiệu quả. Hơn bao giờ hết, hiện nay phải sớm từ bỏ tư duy kinh tế cũ, coi trọng về số lượng, coi nhẹ chất lượng trong cạnh tranh và nhất là không đáp ứng yêu cầu thách thức về biến đổi khí hậu. Đây là bài học rút ra từ khi chuyển sang KTTT đến nay.

Nhìn từ các nước phát triển quanh ta như Hàn Quốc, Singapore và nhất là Israel đều bắt đầu từ tình trạng kém phát triển, nhưng nhờ theo kịp thời đại kinh tế nên chỉ trên dưới 30 năm đã chuyển thành nước giàu có ngang hàng các nước phát triển. Điều quan trọng nhất trong nhận thức của cán bộ lãnh đạo và quản lý là sự phát triển KTTT từ đầu thế kỷ XXI đã khác nhiều so với thế kỷ XX nhất là về chất lượng và định hướng phát triển kinh tế. Nếu không nhận thức được những đặc điểm và thách thức trong phát triển KTTT ở thế kỷ XXI thì dù có đạt chỉ tiêu tăng trưởng nhưng hậu quả đem lại sẽ ngày càng nặng nề về mặt xã hội và môi trường, về yếu kém sức cạnh tranh trong hội nhập. Vì vậy, trong chiến lược kinh tế, tiêu chí đầu tiên là sớm nhận thức những đặc điểm và đòi hỏi trong thực hiện chiến lược kinh tế từ đầu thế kỷ XXI. Phải đổi mới nhận thức của cán bộ ngay từ các lớp đào tạo những người đứng đầu các tổ chức. Nếu người đứng đầu các cấp không có tầm nhìn mới, chạy theo kiểu làm hành chính - quan liêu thì sẽ kìm hãm và đẩy đất nước tụt hậu xa hơn.

Những đặc điểm chủ yếu của phát triển KTTT giai đoạn hiện nay

Sau thời gian dài hơn 3 thế kỷ phát triển từ thấp lên cao, từ phạm vi một số quốc gia đã lan tỏa ra khắp các nước trên toàn cầu, KTTT đã phát triển qua các giai đoạn: từ xí nghiệp tư nhân dựa trên kỹ thuật cơ khí phát triển thành các tập đoàn kinh tế dựa trên tự động hóa, cho đến khi bước sang thế kỷ XXI, thì những phát triển về khoa học và công nghệ, cũng như cách tổ chức sản xuất dần dần thay đổi và nét nổi bật là sự ra đời và phát triển của kinh tế tri thức. Sự thay đổi có tính cách mạng trong lực lượng sản xuất (từ lực lượng sản xuất cơ khí và tự động hóa sang lực lượng sản xuất của tri thức).

Đây là thời điểm chứng minh một dự báo khoa học của C.Mác là “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”.

Lực lượng sản xuất dựa trên các thành tựu của tri thức đã làm thay đổi phương thức tổ chức quản lý các cấp, thay đổi người đứng đầu các tổ chức kinh tế, nên đã hình thành mô hình kinh tế mới - mô hình kinh tế tri thức hiện đang lan tỏa ra các nước nhờ sức cạnh tranh trong toàn cầu hóa kinh tế. Ngày nay, kinh tế tri thức đang trở thành dòng chủ lưu của một thời đại kinh tế mới - thời đại kinh tế tri thức, tạo ra thuận lợi lớn cho nước đang phát triển như nước ta vượt lên, nếu những người đứng đầu có nhận thức mới và quyết tâm thực hiện.

Sức sống của kinh tế tri thức không chỉ là hiệu quả và chất lượng sản phẩm làm ra, mà còn là điều kiện hàng đầu cho việc giảm dần sự tàn phá môi trường (mà kinh tế công nghiệp đã tạo ra) và bảo đảm an sinh xã hội nhờ tạo ra năng suất lao động cao, hơn nữa còn là điều kiện để cải cách nền giáo dục và đào tạo nhân lực. Nhìn xa hơn, kinh tế tri thức còn dẫn đến sự nâng cao dân trí và cơ cấu xã hội - dân cư.

Ngày nay, sự lớn mạnh của kinh tế tri thức đang tạo ra nền móng của một xã hội hậu công nghiệp, hậu tư bản. Nền móng này đang hình thành đến mức độ nhất định sẽ tạo ra sức ép thay đổi tổ chức, quản lý kinh tế và xã hội; thay đổi tiêu chí chất lượng đào tạo cán bộ các ngành, các lĩnh vực, thay đổi thể chế tổ chức và quản lý theo đòi hỏi của một xã hội hậu công nghiệp.

Quy luật phát triển rút ngắn của các nước phát triển sau (như Việt Nam)

Đây là quy luật của các nước đang phát triển, kém phát triển khi tham gia vào dòng chảy của KTTT. Nhìn từ lịch sử vận động của KTTT trong hơn ba thế kỷ qua thì thấy rõ tác động của quy luật này là tạo ra cơ hội và thách thức (thành công hay thất bại) đối với các nước phát triển KTTT sau, trước hết là đối với những người lãnh đạo và quản lý cấp vĩ mô và các doanh nhân quản lý xí nghiệp hay tập đoàn. Khi tham gia KTTT và hội nhập quốc tế, nếu cứ theo phương thức cũ (khai thác tài nguyên và lao động rẻ) để tăng trưởng thì sớm muộn cũng thất bại, vì để tồn tại trong KTTT thì cả nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp phải tạo ra sức cạnh tranh của mình, bắt đầu từ xây dựng lực lượng sản xuất đi thẳng vào hiện đại hóa ngang tầm thời đại lúc ấy.

Trong thế kỷ XX, các nước phát triển sau đi thẳng lên hiện đại hóa đều thành công, còn các nước bắt chước theo con đường “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đều thất bại. Đây là thách thức sống còn đối với các nước phát triển sau, trước hết là thách thức những người lãnh đạo, quản lý vĩ mô. Thực hiện quy luật phát triển rút ngắn thể hiện tầm nhìn sáng suốt của người lãnh đạo, quản lý. Không có tầm nhìn như vậy thì họ chỉ đẩy nền kinh tế vào trạng thái lạc hậu, và có nguy cơ trở thành bãi rác của các nước công nghiệp qua viện trợ, nhất là các dự án FDI.

KTTT phát triển thông qua cạnh tranh về trình độ lực lượng sản xuất và trình độ quản lý kinh tế - xã hội, thì mới bảo đảm thành công, còn chạy theo tăng trưởng số lượng một cách phiến diện (khai thác tài nguyên và lao động rẻ) thì chắc chắn sẽ thất bại trong mối quan hệ “cạnh tranh để sống còn và phát triển” của thế giới hiện nay.

Con đường phát triển rút ngắn vào hiện đại hóa là quy luật được minh chứng thành công ở các nước phát triển sau như Hàn Quốc, Singapore,

Israel, v.v... đã từ một nước kém phát triển chỉ sau khoảng ba thập kỷ đã trở thành một nước phát triển.

Từ thành công của các nước này cho thấy quy luật phát triển rút ngắn là cơ sở lý luận chiến lược của các nước phát triển sau như Việt Nam.

2. Những thuận lợi và thách thức trong thực hiện chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế

Quy luật phát triển rút ngắn, đi thẳng lên trình độ hiện đại hóa ở nước ta hiện nay trong giai đoạn hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, cần nhận rõ những cơ hội lớn hiếm có và những thách thức sống còn.

Những cơ hội lớn hiếm có đối với chiến lược phát triển rút ngắn ở nước ta - Đi thẳng lên hiện đại hóa

Như lịch sử thế giới phát triển KTTT ở các nước đi sau chỉ rõ: trong KTTT, quy luật sống còn của doanh nghiệp và cả quốc gia là sớm đi theo con đường phát triển rút ngắn lên hiện đại hóa. Không tuân theo quy luật đó hoặc chần chừ chỉ vì muốn tăng trưởng số lượng thì sẽ chịu hậu quả nhiều mặt: kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị. Những ưu việt của thể chế chính trị và tiềm năng trí tuệ của dân tộc được thử thách ở sự lựa chọn con đường phát triển kinh tế. Đây là thử thách lớn nhất đối với nhân dân ta, trước hết là đối với Đảng cầm quyền và Nhà nước, nhất là với những người đứng đầu trong giai đoạn KTTT phát triển ở thế kỷ XXI và nước ta đã hội nhập sâu, nên chỉ có nâng cao sức cạnh tranh kinh tế mới phát triển được. Nếu không thì nhiều nguy cơ và hậu quả sẽ đến đây đất nước tụt hậu hơn, rơi vào phụ thuộc bên ngoài và hứng chịu nhiều hậu quả kinh tế, chính trị... Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm lịch sử của những người lãnh đạo ở bước ngoặt hiện nay.

Những tiềm năng, điều kiện để thực hiện chiến lược “đi thẳng lên hiện đại hóa” ở nước ta có đủ khi nhìn vào lịch sử và hiện nay:

Thứ nhất, ý chí độc lập, tự chủ của nhân dân tiềm ẩn sức mạnh “khởi nghiệp”, mà chưa được nhận thức và phát huy, tạo điều kiện.

Thứ hai, nước ta đổi mới trong thời đại lan tỏa kinh tế tri thức, đây là cơ hội lớn để thực hiện “đi thẳng lên hiện đại hóa”. Nên lưu ý rằng nếu trong thế kỷ XX, hiện đại hóa có nội dung là nền công nghiệp phát triển cao, còn thế kỷ XXI, kinh tế tri thức là nội dung của hiện đại hóa.

Thứ ba, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, cũng như của tầng lớp trí thức, tiềm năng khoa học công nghệ và khoa học xã hội nước ta có đủ để “đi thẳng vào kinh tế tri thức”, nếu những người lãnh đạo, quản lý biết huy động và sử dụng vào mục tiêu “đi lên kinh tế tri thức”.

Thứ tư, tiềm năng và nhu cầu sáng tạo, đổi mới của lớp trẻ khá lớn, nếu có môi trường và điều kiện, họ sẽ vượt lên theo kịp thời đại. Niềm tin này hoàn toàn có căn cứ khi nhìn thẳng vào tiềm năng lớp trẻ, ấp ủ niềm tin khởi nghiệp.

Những thách thức, khó khăn trong thực hiện chiến lược phát triển rút ngắn ở nước ta

Những thách thức trong phát triển rút ngắn ở nước ta đều phát sinh từ môi trường thế giới và những hạn chế trong tổ chức, quản lý của nước ta. Có thể nhận rõ những khó khăn, thách thức của thời kỳ hội nhập sau đây:

Một là, nước ta hội nhập trong thời kỳ các nước trên thế giới rơi vào giai đoạn khủng hoảng thể chế cũ không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hậu quả nặng nề về mặt xã hội và môi trường.

Vì vậy, nếu chúng ta không có tầm nhìn biện chứng và phương pháp hệ thống thì sẽ tụt hậu, suy thoái. Đây là một tiêu chí số 1 trong công tác cán bộ, nhất là lựa chọn cán bộ cao cấp.

Hai là, nước ta đổi mới từ điểm xuất phát rất thấp về kinh tế, lạc hậu về tư duy và phương pháp trước thực tiễn biến đổi sâu. Quan niệm vừa giáo điều, vừa duy ý chí trước đây đã ngăn cản sự nhận thức khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa chính trị với KTTT phải phù hợp với thực tiễn về đất nước trong từng giai đoạn phát triển, thậm chí trong từng vùng kinh tế.

Ba là, quan niệm giáo điều “chính trị quyết định tất cả” của nhiều Đảng Cộng sản trong thế kỷ XX là trái với luận điểm khoa học của C.Mác về mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế, nên đã ngăn trở lại sự hình thành Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự đúng vai trò của nó: sức đẩy của phát triển.

Bốn là, nhìn từ thực tiễn, vai trò văn hóa đã không được nhận thức và vận dụng vào hoạt động chính trị, kinh tế, tổ chức và quản lý. Vì vậy, vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ, của các đoàn thể xã hội còn yếu, chưa làm được nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội - một thiệt thòi lớn về chất lượng quản lý Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay với nhiều vấn đề khó khăn trước mắt, thì việc “Tin dân, dựa vào dân” đặc biệt quan trọng, nhất là phát huy mạnh từng lớp trí thức trẻ và già của dân tộc, những trí thức Việt kiều có tâm huyết và năng lực. Đó là những người có lòng yêu nước, yêu dân, có tầm nhìn và tri thức có khả năng gánh vác nhiều nhiệm vụ ở giai đoạn nước ta xây dựng nền kinh tế tri thức. Nhất là ở 3 then chốt: xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại; tổ chức và quản lý ở cơ sở và ở các ngành cấp vĩ mô.

3. Những điều kiện cần có để đổi mới mô hình kinh tế trong giai đoạn hiện nay

Trước hết, có chương trình đổi mới nội dung đào tạo cán bộ các cấp, nhất là đào tạo cán bộ cấp cao, những người sẽ bố trí đứng đầu các cấp. Muốn vậy phải bắt đầu đổi mới thật sự chương trình và giảng viên phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác về tầm nhìn và phương pháp mới. Đó là tầm nhìn biện chứng với phương pháp hệ thống. Công tác đào tạo cán bộ các cấp phải sớm có nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn về kinh tế, chính trị, tổ chức quản lý.

Cần phải quyết tâm khắc phục điểm yếu về chất lượng cán bộ; bồi dưỡng kiến thức, năng lực hoạt động có văn hóa, sao cho bệnh hành chính - quan liêu trở thành hạn chế của quá khứ bị tẩy sạch trong thực tiễn. Về văn hóa chính trị, cần khôi phục lại những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện trong năng lực đối nội và đối ngoại. Tiêu chí đầu tiên về văn hóa hiện nay là khắc phục cho được thói quen hành chính - quan liêu bằng việc mở rộng tầm nhìn vào khách quan biến đổi sâu rộng và hé lộ những tiềm năng sáng tạo về mọi lĩnh vực.

Thứ hai, năng lực và hiệu quả của những người đứng đầu là phát hiện các tiềm năng và liên kết lại thành sức mạnh tổng hợp của một hệ thống, chứ không tách rời nhau như hiện nay. Trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cũng như trong hoạt động thực tiễn cần có những tiêu chí chung cho mỗi cấp và tiêu chí riêng cho từng trách nhiệm cá nhân. Cách nói chung chung về “phẩm chất và năng lực” rất có hại cho sự nghiệp hiện nay.

Thứ ba, thật sự đổi mới công tác tổ chức - cán bộ, trước hết nghiên cứu yêu cầu, nhiệm vụ để có đủ tiêu chí chất lượng phù hợp. Đặc biệt coi trọng ý kiến tập thể và nhân dân, công khai minh bạch trong công tác cán bộ là thể hiện yêu cầu “vì dân, của dân” trong bố trí cán bộ.

Thứ tư, xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm kê, kiểm soát các cán bộ, các tổ chức triển khai thực hiện chiến lược đổi mới kinh tế. Kết quả kiểm kê, kiểm soát các tổ chức và cá nhân người đứng đầu các cấp phải được minh bạch và công khai trước dân./.

 

GS.TS . Trần Ngọc Hiên
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất