Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Ba, 27/12/2022 8:11'(GMT+7)

Đổi mới nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội (Phần 2)

NHỮNG ĐỔI MỚI VỀ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương

Trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991). Sau 20 năm, trên cơ sở các kết quả mới về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Đảng đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 để xây dựng nên Cương lĩnh 2011. Trong suốt quá trình xây dựng phát triển đất nước gần 40 năm qua, Cương lĩnh thực sự trở thành ngọn cờ định hướng, tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thành công những nhiệm vụ chính trị to lớn và quan trọng.

Phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đổi mới quy trình ra nghị quyết, chỉ ra nghị quyết đối với những vấn đề lớn, có tầm quan trọng với đất nước. “Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi, phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả; phân công trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong nghị quyết”(1).Đặc biệt, đối với Cương lĩnh, các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến thảo luận, góp ý của nhân dân. Đảng tập hợp ý kiến của nhân dân để cân nhắc trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng Cương lĩnh và các văn kiện, làm cho các quyết sách của Đảng vừa đảm bảo định hướng XHCN, vừa thực sự phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc, bảo đảm cho chất lượng, sự đồng thuận của nhân dân, biến các quyết tâm chính trị của Đảng thành quyết tâm chính trị của nhân dân.

 Nhìn chung, trong đổi mới phương thức lãnh đạo,cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã có những bước tiến quan trọng. Những biểu hiện chưa hợp lý như Đảng làm thay cơ quan nhà nước, tác động bằng các chỉ thị trực tiếp, đã dần dần được khắc phụ. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã chuyển hẳn sang hướng: Đảng hoạch định đường lối thông qua các nghị quyết, rồi từ nghị quyết của Đảng, Nhà nước thể chế hoá thành luật pháp, cụ thể hóa thành các chính sách và dựa vào nhân dân để tổ chức lực lượng thực hiện. 

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền bằng công tác tư tưởng

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định công tác tư tưởng, bao gồm các hoạt động nghiên cứu lý luận, tuyên truyền, thuyết phục, vận động, là “một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ”. Do đó, làm tốt công tác tư tưởng chính là một yếu tố sống còn bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở nhận thức ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn coi trọng, đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng.

Trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng việc hoạch định chủ trương chỉ đạo đối với công tác tư tưởng. Liên tiếp hai nhiệm kỳ IX (2001-2006) và nhiệm kỳ X (2006-2011), Đảng ban hành hai nghị quyết lớn về công tác tư tưởng: Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới; Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 01/8/2007, Hội nghị Trung ương 5 khoá X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.

Công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận được Đảng quan tâm, có nhiều biện pháp để đổi mới, tăng cường hiệu quả. Hệ thống trường Đảng được xây dựng, củng cố từ trung ương đến cấp huyện, được đổi mới, cập nhật cả về nội dung và phương pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Năm 1997, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan chuyên trách nghiên cứu và tư vấn những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH của đất nước. Hệ thống báo chí, truyền thông được coi là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, được đầu tư phát triển đa dạng, phong phú và hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng đa dạng, phong phú của các tầng lớp nhân dân. Các phương tiện truyền thông mới được tạo điều kiện để phát triển nhanh với phương pháp quản lý hợp lý nhằm phát huy vai trò tích cực của chúng trong công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước. Bắt đầu hoạt động từ năm 1997, đến nay Internet đã trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến ở Việt Nam với số người dùng chiếm 70,3% dân số.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng_Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng_Ảnh: TTXVN

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục hệ tư tưởng, tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật, Đảng còn tăng cường lãnh đạo, làm tốt công tác đấu tranh tư tưởng, phê phán, lên án tiêu cực, tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; đấu tranh phản bác các quan điểm chính trị sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền bằng công tác tổ chức, cán bộ

Trong quá trình Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền bằng công tác tổ chức nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo chủ trương này, năm 1999, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy khoá VIII: Một số vấn về đề tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước. Các năm sau đó 2007 và 2017, Trung ương Đảng đều có các nghị quyết quan trọng về công tác tổ chức nhằm mục đích sắp xếp lại hệ thống tổ chức các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tế của công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của công tác cán bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ. Đồng thời, Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ từ đào tạo, bồi dưỡng, chọn lọc, rèn luyện thực tế, đến quản lý, sử dụng, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật. Năm 1997, Đảng ban hành Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững độc lập tự chủ, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau hơn 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết, đánh giá lại tình hình thực hiện Chiến lược cán bộ và ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết xác định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Kết quả của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bằng công tác tổ chức, cán bộ chính là một yêu tố then chốt đảm bảo cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền đối với Nhà nước và xã hội, thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc Đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền bằng công tác kiểm tra, giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chỉ đạo tập trung, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp. Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, Đại hội IX (2001) đã quyết định chuyển trọng tâm sang kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm; Đại hội X (2006) bổ sung thêm công tác giám sát. Đảng quyết định công khai kết luận về kết quả kiểm tra và xử lý sai phạm. Trong thời gian từ nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hai nội dung giải pháp được đổi mới và tăng cường trong công tác kiểm tra, giám sát là: giám sát quyền lực và nhân dân tham gia kiểm tra giám sát, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo công tác nghiên cứu, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng vị trí công việc, trên cơ sở đó để xây dựng các giải pháp quản lý cán bộ, giám sát quyền lực, hạn chế việc lợi dụng quyền lực một cách vụ lợi. Đảng cũng đã có những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng, các tổ chức nhà nước thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức nhân dân, và một cách trực tiếp. 

Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra được chỉ đạo đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong giai đoạn 2012-2022, Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến 6-2022, Đảng đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng. Kết quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được nhân dân ủng hộ tích cực, góp phần củng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao uy tín và hiệu lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền bằng vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự gắn bó mật thiết cán bộ, đảng viên với nhân dân

Trong quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, hiện thực hóa CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của vai trò gương mẫu và sự gắn bó mật thiết của cán bộ, đảng viên với nhân dân.

Người Việt Nam có câu thành ngữ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để nói về vai trò gương mẫu, tiên phong của người đảng viên cộng sản. Muốn gương mẫu, cán bộ đảng viên phải có cả tài và đức. Trên cơ sở ấy, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII xác định 3 tiêu chí đánh giá cán bộ là phẩm chất chính trị, năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, lối sống. Hằng năm, mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự kiểm điểm, giải trình trước tổ chức đảng về 3 tiêu chí đó. Đồng thời, Đảng chủ trương tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, đặt yêu cầu cụ thể với mỗi cán bộ, đảng viên về tự rèn luyện, hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, xứng đáng là người lãnh đạo, cầm quyền của nhân dân.

Một trong những giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ với nhân dân, Đảng quy định rõ trách nhiệm cán bộ, đảng viên hằng năm phải đăng ký sinh hoạt hai chiều với tổ chức đảng nơi cư trú. Nhận xét hằng năm của tổ chức đảng nơi cư trú là một căn cứ để đánh giá đối với đảng viên. Sinh hoạt hai chiều không chỉ để cán bộ, đảng viên gần gũi hơn với người dân, mà còn thông qua đó giáo dục cán bộ, đảng viên ý thức trách nhiệm với nhân dân.

Đặc biệt, ý kiến của nhân dân là một điều kiện bắt buộc trong quy trình nhận xét, đánh giá hay bổ nhiệm cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược. Đồng thời Đảng yêu cầu những đảng viên giữ chức vụ trong tổ chức Đảng, Chính phủ hay các tổ chức nhân dân phải có các cuộc tiếp xúc định kì để lắng nghe ý kiến nhân dân.

Vai trò gương mẫu, sự gắn bó mật thiết với nhân dân là một điều kiện quan trọng, một trong số ít yếu tố quyết định niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đến lượt mình, niềm tin của nhân dân trở thành quyền lực chính trị của Đảng, điều kiện để Đảng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của mình. Như Hồ Chí Minh đã chỉ ra, “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi” (2).

*

Tóm lại, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong quá trình hiện thực hóa CNXH là một vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với chế độ và đất nước Việt Nam. Song đây cũng là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, vì thế phải được đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, gắn với mục đích thực hiện thành công các nhiệm vụ xây dựng CNXH, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Do tính chất đặc biệt quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng nên các giải pháp phải phù hợp, lộ trình, bước đi thận trọng, vững chắc, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đồng thời cũng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, tính kỷ luật nghiêm minh của toàn Đảng, cũng như sự đồng thuận, ủng hộ rộng rãi của nhân dân./.


GS.TS. Tạ Ngọc Tấn

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr.216.

[2] Xem: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tập 5, tr. 325-326.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất