Với 86 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng phong phú, sôi nổi, từ khi còn lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long, ở Tây Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định, thành phố Hồ Minh, cho đến khi giữ những cương vị trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó,… cuộc đời đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh chống giặc ngoại xâm đầy gian khổ, hào hùng; với sự nghiệp đổi mới đầy chông gai, thử thách nhưng rất đỗi vẻ vang và tự hào của Đảng và nhân dân ta. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài tham luận chỉ đề cập giai đoạn tuổi trẻ và những hoạt động yêu nước đầu tiên gắn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long của đồng chí.
TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG VÀ GIA ĐÌNH
Đồng chí Võ Văn Kiệt sinh ra và lớn lên ở quê hương Vĩnh Long – vùng đất, con người nơi đây đã trải qua nhiều thế hệ đấu tranh gian khổ và hào hùng, gắn liền với lịch sử mở mang bờ cõi về phía Nam của dân tộc ta. Tỉnh Vĩnh Long ra đời cách đây gần 300 năm, nhưng lịch sử khai phá và quá trình hình thành đơn vị hành chính và cộng đồng dân cư ở Vĩnh Long đã có từ trước. Từ một vùng đất hoang sơ, rộng lớn thời lập châu Định Viễn, dựng Dinh Hồ 1732, đã trở thành vùng đất trù phú, dân cư đông đúc như ngày nay của Vĩnh Long là một quá trình khai khẩn đất hoang, chống chọi với thiên tai, địch họa của các cư dân vùng đất Nam bộ. Đó là công lao to lớn từ đời này sang đời khác từ lúc “mang gươm đi giữ cõi” của ông cha ta trong công cuộc khai hoang, lập ấp, chống chọi với thiên tai đầy khắc nghiệt, chống kẻ thù xâm lược gìn giữ từng tấc đất quê hương. Vĩnh Long là cái nôi hun đúc nên tâm hồn, bản lĩnh và khí phách yêu nước của nhiều thế hệ. Qua các thời kỳ lịch sử, Vĩnh Long là vùng đất được mệnh danh là “vùng đất học”, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi đã sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước, điển hình như trong thời kỳ các vương triều nhà Nguyễn có Tiền quân thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn, dòng họ Châu Vĩnh – Thoại Ngọc Hầu; lược sứ Phan Thanh Giản người Vĩnh Long cũng là người đầu tiên ở miền Nam thi đỗ tiến sĩ… và trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ, Vĩnh Long còn là quê hương sản sinh ra Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Giáo sư - Viện sĩ - Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, Phan Văn Đáng, Phùng Văn Cung... Riêng trên địa bàn Vũng Liêm còn có Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ (một trí thức yêu nước – Viện trưởng Viện răng hàm mặt đầu tiên của Việt Nam) và Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
Ở xã Trung Hiệp - nơi Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt) sinh ra và lớn lên, xưa kia là làng Trung Hiệp được thành lập từ thời vua Minh Mạng, người dân nơi đây đa số là dân tứ phương từ miền Trung vào. Thời Pháp thuộc vùng này đã trải qua nhiều lần tách nhập, lần cuối cùng năm 1930, làng Trung Chánh nhập vào làng Trung Lương gọi là làng Trung Hiệp. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân xã Trung Hiệp một lòng yêu nước, khẳng định quyết tâm không hề tiếc xương máu, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nói về lịch sử vùng đất này, ông Nguyễn Văn Mẹo (1915-2010), một người cố cựu ở xã Trung Hiệp, cũng là người dạy chữ đầu tiên cho Phan Văn Hòa kể lại rằng: Bà con trong xóm thương nhau lắm, cả xóm đều không dư dả, nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng từ tâm, thiện ý, sẵn sàng giúp nhau không so đo tính toán. Dù ở vùng sâu, vùng xa, việc đi lại khó khăn nhưng người dân rất quan tâm tới việc học hành của con em. Bà con bàn với nhau rước thầy về dạy tại xóm để các em tiện tới học sau mùa vụ. Ngoài việc học ở trường, các bậc cha mẹ còn dạy dỗ con cái từ miếng ăn, lời nói “học ăn, học nói, học gói, học mở”; “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”; “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… Ở mỗi làng người dân còn gom góp để xây dựng các ngôi đình làm nơi họp mặt, thờ cúng các vị thần linh, các bậc tiền nhân. Ngôi đình cổ ở làng Bình Phụng, xã Trung Hiệp được hình thành và tồn tại đến ngày nay là một minh chứng. Hàng năm, vào dịp cúng đình, các cụ bô lão có uy tín đứng ra khuyên nhủ bà con đoàn kết, làm lành, lánh dữ, noi theo những tấm gương tốt đẹp; ở đó các cháu nhỏ còn được răn dạy vừa được vui chơi, ca hát... Cậu bé Phan Văn Hòa từ nhỏ may mắn vì được nuôi dưỡng trong môi trường như thế. Đây cũng là môi trường xã hội lý tưởng để góp phần tạo nên một cốt cách con người sống có ý chí, nghị lực, hiểu được đường ngay, lẽ phải, sống nghĩa tình, thủy chung,…của Phan Văn Hòa và là Võ Văn Kiệt về sau.
Dòng họ Phan Văn Hòa là chi họ Phan di cư từ miền Trung vào Nam kỳ định cư (tính đến đời Phan Văn Hòa là đời thứ tư). Đất Cái Bè (Tiền Giang) là nơi định cư đầu tiên của ông Phan Văn Bình (ông nội của Phan Văn Hòa), với nghề đánh bắt thủy hải sản quanh năm “hạ bạc”, cuộc sống nhiều gian khó, hiểm nguy. Khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862), ông Phan Văn Bình và bà Nguyễn Thị Thuận (bà nội của Phan Văn Hòa) đưa cả gia đình lánh về sống ở Vĩnh Trị (Vũng Liêm). Khi quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, ông Phan Văn Bình tham gia lực lượng của nghĩa quân Lê Cẩn, Nguyễn Giao chống Pháp ở vùng An Điền, Láng Thé, cùng dân binh xây dựng địa đạo, ụ chiến đấu, đào hào chống Pháp dọc bờ sông Cổ Chiên và vàm sông Vĩnh Trị (Vũng Liêm). Sau chiến trận Cầu Vông 1872, đốc binh Lê Cẩn hy sinh, Nguyễn Giao tiếp tục dấy binh kế nghiệp, chiến đấu ròng rã suốt 10 năm gian khổ. Trong một trận chiến tại vàm Vũng Liêm, Nguyễn Giao anh dũng hy sinh, từ đó lực lượng nghĩa quân dần tan rã, ông Bình trở về với nghề làm mướn nuôi gia đình.
Ông Phan Văn Bình và bà Nguyễn Thị Thuận sinh được bảy người con. Ông Phan Văn Dựa (thân phụ của Phan Văn Hòa) là người con thứ tư, kết hôn với và Võ Thị Quế sinh được 8 người con (6 trai, 2 gái). Cuộc sống làm thuê, làm mướn bao đời lam lũ quanh năm, họ chỉ ao ước vào một tương lai sau này con cái có cuộc sống đỡ vất vả, no đủ hơn, vì vậy khi chọn đặt tên cho các con, ông bà đã chọn các tên như: An, Đầy, Tràng, Huệ, Diệu, Thực, Phẩm, Đủ. Tên Đủ dự kiến đặt tên cho người con Út nhưng do trùng tên với một người lớn tuổi trong xóm nên cha mẹ đổi tên Hòa (tức Phan Văn Hòa - Võ Văn Kiệt sau này).
Thân phụ Phan Văn Hòa - ông Phan Văn Dựa tuy là người không biết chữ, cả đời cực nhọc làm thuê, làm mướn để nuôi con, nhưng ông tính tình khẳng khái, trượng nghĩa. Dù gia cảnh khốn khó nhưng ông đã cùng vợ quyết định cưu mang đứa con nuôi Đoàn Văn Phát (Mười Đương hoặc Mười Phát) và yêu thương như con ruột. Khi Chín Hòa (Phan Văn Hòa) còn nhỏ là đứa trẻ rất hiếu động, mến mộ người có nghề võ. Có người trong nhà không đồng tình nói rằng, học võ chỉ để đánh nhau, nhưng ông Phan Văn Dựa là người khuyến khích Phan Văn Hòa học võ để rèn luyện sức khỏe, phòng vệ bản thân, bảo vệ người yếu. Theo hồi ký đồng chí Võ Văn Kiệt: năm 1940, sau cuộc dấy binh “đêm cộng sản dậy” 23/11/1940 (Nam kỳ khởi nghĩa), lính quận ra lệnh đốt hết ấp Bình Phụng, bà con rất hoang mang, anh trai ông bị buộc phải đi lùng bắt đứa em làm loạn. Một tối Chín Hòa về nhà, ba ông không nói gì chỉ lặng lẽ đi mài lưỡi mác, trao cho ông và nói: “Mày cầm cái mác này, đứa nào bắt thì cứ đâm cho tao”. Câu nói của ông Phan Văn Dựa trong hoàn cảnh hiểm nguy, khốc liệt đó không những cho thấy sự ủng hộ tuyệt đối của người cha khi biết con dấn thân vì nghĩa lớn, mà còn thể hiện được lối suy nghĩ, nhận thức của ông – một người nông dân giàu lòng yêu nước.
Thân mẫu Phan Văn Hòa - bà Võ Thị Quế, là người phụ nữ nhân hậu, giàu đức hy sinh và sự nhạy cảm, tinh tế của một người mẹ. Sự tinh tế rất văn hóa trong giao tiếp của mẹ đã giúp Chín Hòa nhận ra ở bà biết bao tình cảm mà một đứa trẻ như cậu khao khát. Từ nhỏ đã sống xa mẹ, khi mẹ đau yếu không có thời gian bên cạnh chăm sóc, Chín Hòa cảm thấy nhớ và thương yêu mẹ mình hơn bao giờ hết. Khi cần đặt tên mới để hoạt động, Chín Hòa lấy họ Võ của mẹ, và tên Võ Văn Kiệt từ đó đã được dùng như tên chính thức của ông. Một cái tên, bắt đầu và sẽ gắn liền với một sự nghiệp mà chắc chắn sẽ còn được nhắc tới. Dù không sống cùng bà trong một mái nhà nhưng Chín Hòa luôn dành cho mẹ niềm thương yêu, kính trọng vô hạn và sẽ mãi đi theo suốt cuộc đời của mình.
Ông Phan Văn Chi – cha nuôi Chín Hòa là người nông dân chân chất, hiền lành, giàu lòng nhân ái và nghĩa hiệp. Dù cuộc sống ông còn nghèo hơn cả gia đình ông Dựa, nhưng phần vì thương gia đình người anh vất vả, đông con, phần lo nghĩ tới tuổi già nên xin Chín Hòa về nuôi. Sống cảnh gà trống nuôi con nhưng ông chăm sóc Chín Hòa chu đáo. Ông cõng Chín Hòa đi khắp xóm để xin “bú thép”, nay ở đầu ấp, mai ở cuối ấp. Chính tình thương bao la của ông, cùng những giọt sữa ấm nặng tình người của các bà mẹ ấp Bình Phụng đã nuôi dưỡng Chín Hòa trong những ngày thơ ấu khốn khó. Những năm 1938, Chín Hòa khi ấy mới bắt đầu tham gia các hoạt động cách mạng, đã thú thật với cha nuôi “Xin cha cho con đi làm cách mạng”. Ông lặng thinh hồi lâu mới nói: “Con đi cha không cản,…”. Có thể hiểu được sự “lặng thinh” của người cha trong bối cảnh lúc bấy giờ trước sự lựa chọn của Chín Hòa, nhưng bằng tình thương con, vì lý tưởng cao đẹp của con, ông đã nhận lời, giữ bí mật, âm thầm chở che con cho đến phút cuối cuộc đời mình.
Phan Văn Hòa đã được sinh ra trong hào khí kiên cường, bất khuất của quê hương, được dưỡng nuôi trong truyền thống tốt đẹp của gia đình, thừa hưởng những đạo lý, đức độ của ông bà, của hai người cha, người mẹ tảo tần,…tất cả như đã ngấm vào máu, như đã có sẵn những tinh anh của khí trời Nam Bộ về sự phóng khoáng, tự do, tinh thần trượng nghĩa, nuôi dưỡng mầm mống lòng yêu nước thương nòi vô hạn trong con người Phan Văn Hòa.
NHỮNG NĂM THÁNG TUỔI T HƠ
Phan Văn Hòa sinh ra vào cuối năm 1922, đây là thời gian Vĩnh Long bị mất mùa liên tiếp, đời sống nông dân vô cùng khổ cực. Khi đó, cậu bé Hòa là con út trong một gia đình có năm anh trai và hai chị gái, quê ở ấp Bình Phụng, một ấp nghèo thuộc xã Trung Lương, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình Phan Văn Hòa cũng nghèo như số đông trong làng, từ đất ở, đất ruộng, đến trâu cày đều đi thuê. Hoàn cảnh gia đình quá túng bấn, bà Võ Thị Quế phải bấm bụng đem Phan Văn Hòa cho người em họ nuôi dưỡng, còn mình phải đi “nuôi vú” cho một gia đình khác để kiếm tiền phụ lo gia đình.
Tuổi thơ của Chín Hòa là những ngày tháng vất vả, không được đến trường, ăn không đủ no, phải lao động cực nhọc để kiếm sống, nhưng nhờ đó, Chín Hòa ngay từ khi còn bé đã biết yêu lao động, thương người cùng cảnh ngộ. Khi lên sáu, lên bảy tuổi, vào mùa gặt, Chín Hòa thường theo cha nuôi lênh đênh đi gặt mướn cho các điền chủ dọc sông Tiền, sông Hậu. Công việc của cậu là giữ ghe hoặc mót lúa. Mỗi mùa như thế, Chín Hòa cũng thêm được cho cha nuôi được vài giạ. Năm 11 tuổi, gia đình thuê được mấy công đất làm ruộng, mướn cả đôi trâu để lo cày trục. Từ đó, Chín Hòa chăn trâu, cắt cỏ, làm bạn với thiên nhiên, ruộng đồng thôn dã. Chín Hòa từ ngày đó đã biết cào cỏ, đứng trục, học cày, học phát, học cấy, biết cộ lúa, vác lúa phụ giúp gia đình. Nhưng rồi mùa màng thất bát, không đủ trả công thuê mướn, gia đình phải trả trâu, trả ruộng, cậu bé Hòa lại phải đi ở đợ, làm thuê.
Mặc dù tuổi thơ cơ cực, nhưng cậu bé Hòa rất ham học. Lớp học do những gia đình trung nông, địa chủ sau ngày mùa cất trại, rước thầy về dạy, dạy mùa nên tiền học chỉ phải trả “rất nhẹ”. Ông Hai Mẹo – một người cháu gọi ông Kiệt là chú nhưng lớn tuổi hơn và cũng là một trong hai người thầy “dạy mùa” của ông, kể: “Chín Hòa thông minh và ăn nói lễ độ lắm. Nhưng dạy được hai năm thì tôi cũng hết chữ”. Chín Hòa ham học, đi học khá đều đặn và kết bạn với nhóm bạn cùng trang lứa, tranh thủ lúc trưa lại đi cắt cỏ cho trâu ăn để kịp học ngày hai buổi được đến trường. Học được ba tháng thì mùa làm đồng lại đến, cậu học trò Chín Hòa buộc phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Mùa vụ sau lại đến, Chín Hòa tiếp tục học với thầy Võ Văn Nhậm tại nhà hàng xóm. Nhưng được một thời gian ngắn ông phải nghỉ học để đi làm mướn ở Hậu Bối (ấp An Lạc, xã Trung Hiếu), việc học dang dở, nên ông chỉ mới biết đọc, biết viết. Thầy giáo Nhậm rất thương hoàn cảnh của Chín Hòa, biết cậu học trò của mình rất ham học nhưng do hoàn cảnh khó khăn không thể theo học xuyên suốt chương trình, nên thầy thường xuyên tới lui hỏi thăm, chỉ dạy thêm. Ngoài thời gian dạy chữ ra ông còn kể cho Chín Hòa nghe về những mẩu chuyện ý nghĩa. Ông kể cho Chín Hòa nghe về thầy Bảy, người bạn thân của mình đang giảng dạy ở quận lỵ Vũng Liêm. Thầy Bảy là một thầy giáo dạy giỏi và có tinh thần yêu nước, ông có các tác phẩm Nam nữ bình quyền đã bị thực dân Pháp cấm đoán không cho xuất bản, vì sách có nội dung cho rằng một đất nước bị ngoại bang xâm chiếm thì không bao giờ có “bình quyền”, một dân tộc không có quyền thì làm gì có tự do… Những câu chuyện đó, sau này Chín Hòa còn nhớ và mang theo suốt cuộc đời. Chín Hòa còn được thầy Nhậm kể cho nghe về chuyện Phù Đổng phá giặc Ân… Chín Hòa là một học sinh rất sáng dạ, nghe kể xong rất thấm thía và đem câu chuyện thú vị đó kể lại cho bạn bè cùng trang lứa. Trong thời gian ở đợ cho nhà Hộ Ba Võ Ngọc Lung (xóm Thế Hanh), ông còn được những người cùng cảnh ngộ giúp đỡ cho mượn sách, báo, truyện, được học võ…xem truyện Lục Vân Tiên, Chín Hòa rất thích nhân vật họ Lục đánh giặc Ô Qua, xem hát bội thích nhân vật Triệu Tử Long, Tiết Nhơn Quý, Tiết Đinh San,…Năm Chín Hòa 15 tuổi vẫn đi làm thuê, làm mướn. Cuộc sống rày đây mai đó, Chín Hòa nhìn thấy được cảnh khổ cực, cuộc sống vô vàn khó khăn của đa số người nông dân lao động, cũng như cuộc sống xa hoa, lãng phí của những người giàu có. Từ sự đồng cảm với bà con nghèo và căm ghét thói cường quyền, trịch thượng của tầng lớp giàu có,… trong suy nghĩ của người thiếu niên Phan Văn Hòa khao khát cuộc sống tự do, không ràng buộc, nhất là không bị khinh khi, dần dần hình thành ý chí tiến bộ, với mong muốn cứu nước, cứu dân.
Tuổi thơ cơ cực, lam lũ, sống xa người thân, sớm vào đời để bươn chải nuôi thân cũng như phụ giúp gia đình, môi trường đó giúp cho cậu thanh niên Phan Văn Hòa rèn luyện được ý chí nghị lực phi thường. Bởi vì nghị lực của con người không phải trời sinh ra mà có, nó xuất phát và được rèn luyện từ trong gian khổ của cuộc sống. Khi đã có nghị lực thì người ta luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn bằng cách tự lao động, tự mưu sinh, tự mở ra cho mình một con đường đến tương lai tốt đẹp hơn. Đối với cậu thanh niên Phan Văn Hòa khó khăn sẽ cho thêm kinh nghiệm, nghịch cảnh sẽ là môi trường để rèn luyện bản lĩnh, là tiền đề quan trọng từng bước dấn thân theo con đường cách mạng đầy chông gai và thử thách phía trước. Để rồi, khi được giác ngộ, hiểu được con đường cần tranh đấu để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp khỏi ách thống trị của bạo ngược, bất công, Phan Văn Hòa tự nguyện, hăng hái tham gia. Nó như một quá trình và quy luật tự nhiên, để từ đó cậu thanh niên Phan Văn Hòa từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, chính thức dấn thân vào con đường cách mạng của Đảng do Bác Hồ lựa chọn.
DẤN THÂN THEO CÁCH MẠNG VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC ĐẦU TIÊN GẮN VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở QUÊ HƯƠNG
Năm 1938, đang làm thuê xa nhà, hay tin mẹ đau nặng rồi mất, Chín Hòa phải về chăm lo và chịu tang. Tại đây, có một sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên yêu nước Phan Văn Hòa. Trong số khách đến chia buồn đám tang mẹ, có ông Hà Văn Út - người thầy từng dạy mình từ thuở nhỏ, Chín Hòa được tuyên truyền, giác ngộ bằng những câu chuyện bình dị về lịch sử dân tộc, được giải thích tại sao dân ta cực khổ. Lần đầu tiên Chín Hòa được biết phải đấu tranh để chống áp bức, bóc lột; phải đấu tranh để giành độc lập, tự do. Liên hệ với cuộc sống cực khổ của bà con, gia đình, bản thân và những đều tai nghe mắt thấy đã khắc sâu từ nhỏ. Chín Hòa dần hiểu được nguồn gốc của sự bất công. Đang gánh chịu những áp bức của cuộc sống làm thuê, đang đau nỗi đau tột cùng vì sự ra đi của người mẹ, nay được nghe những lý tưởng sáng suốt, Chín Hòa như giác ngộ ra được điều gì đó mới mẽ, thấy được một tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Tiếng lòng kêu gọi Chín Hòa vùng lên, ông biết mình không thể cứ sống vùi mình trong cảnh bao đời làm thuê, dân mình không thể khổ cực mãi vì mất tự do. Ý thức được vai trò, trách nhiệm của người thanh niên. Đặt ra cho ông hai con đường: một là chọn con đường tiếp tục làm thuê làm mướn để nuôi gia đình, hai là phải đấu tranh xóa bỏ bất công, đòi quyền độc lập, tự do. Cùng lúc này, phong trào cách mạng 1938-1939 trên địa bàn xã Trung Hiệp phát triển rất mạnh. Các tổ chức cách mạng như: Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ dân chủ Đông Dương đã ra đời và hoạt động sôi nổi. Phong trào cách mạng ngày càng phát triển và lan rộng, ngày 15 tháng 4 năm 1938, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đỗ Tấn Nên - Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, chi bộ xã Trung Hiệp đã được thành lập tại ấp Bình Phụng, chi bộ đẩy mạnh các hoạt động gầy dựng cơ sở cách mạng, phát triển đảng viên mới, tuyên truyền giác ngộ thanh niên, quần chúng tham gia đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đồng thời tập hợp rộng rãi quần chúng tham gia.
Chín Hòa giấu gia đình tự nguyện tham gia hoạt động cách mạng. Ông Hà Văn Út đưa Chín Hòa tới giới thiệu cho Hội Cứu tế, Hội Ái hữu. Kể từ đó, ban ngày Chín Hòa vẫn đi làm mướn, phát cỏ, cày trục…, ban đêm đi dự nghe diễn thuyết, tham gia tuyên truyền, lôi kéo các bạn cùng trang lứa tham gia vào tổ chức bí mật và công khai. Sau đó, Chín Hòa được phân công làm giao liên cho xã và huyện. Do bản tính hoạt bát, hòa đồng, thông minh, nhanh nhạy, nên Chín Hòa làm rất được việc, được mọi người tin cậy, quý mến. Nói về tài tuyên truyền, vận động quần chúng của thanh niên Phan Văn Hòa, thầy giáo Mẹo kể: “Mới mười mấy tuổi, chả (Chín Hòa) họp dân, nói, ai cũng há hốc mồm nghe. Chả (Chín Hòa) vận động đi cướp chính quyền, người ta xách rựa đi hết”.
Tiếp tục đi làm mướn để trả nợ, phụ nuôi gia đình, hàng ngày dắt trâu đi cày ruộng, khi cày gần nhà, khi qua tận địa bàn xã bạn Trung Hòa, An Lạc. Ban đêm tranh thủ đi nghe diễn thuyết, tham gia giao liên, chuyển thư từ, tài liệu mật. Chín Hòa còn được tổ chức phân công canh gác các cuộc hội họp. Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của bản thân, Chín Hòa được tổ chức tín nhiệm và bí mật kết nạp vào Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương “Tôi may mắn được gặp Đảng sớm. Đó là năm tôi vừa tròn 16 tuổi, lứa tuổi luôn cảm thấy tù túng giữa dòng kinh rạch chằng chịt quê hương Vũng Liêm (Vĩnh Long) của tôi. Nhiều năm sau nhớ lại, ngẫm suy, tôi luôn tự hỏi, rủi thời đó không gặp được những người Cộng sản đã mở đường cho tôi, thì cuộc đời tôi không biết sẽ rẽ theo hướng nào” (Võ Văn Kiệt - Nghĩ lại và suy ngẫm).
Ngày 14 tháng 7 năm 1939, nhân Quốc khánh lần thứ 150 của nước Cộng hòa Pháp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Quang Phòng, một cuộc biểu tình với sự tham gia của đông đảo nhân dân được tổ chức tại quận lỵ Vũng Liêm. Trong hàng người đi đầu đoàn biểu tình. Chín Hòa cùng với mọi người đã giương cao băng cờ với khẩu hiệu “Mừng 150 năm tinh thần cách mạng Pháp”, “Chống bắt bớ người vô tội”; “Yêu cầu thả tù chính trị”; “Chia đất cho nông dân nghèo”. Đoàn biểu tình tiến vào trung tâm huyện lỵ thì bị lính chặn lại, chúng thu hết băng cờ, khẩu hiệu và cả đơn kiến nghị, rồi buộc mọi người giải tán. Song, bọn mật thám Pháp đã theo dõi Chín Hòa, trên đường về chúng cho lính bắt Chín Hòa vì tình nghi là người “cầm đầu làm loạn”. Bị giam giữ suốt hai tháng, tên Đốc phủ Để quận Vũng Liêm nhiều lần tham gia xét hỏi nhưng cũng không khai thác được gì, cuối cùng buộc phải thả cho về. Được trả tự do, Chín Hòa tiếp tục công tác sôi nổi hơn. Thông qua hoạt động, thử thách trong cao trào cách mạng dân chủ do Đảng lãnh đạo và được sự dìu dắt của các chiến sĩ cách mạng đàn chị, đàn anh, Chín Hòa ngày càng trưởng thành, được tổ chức tin tưởng. Tháng 11 năm 1939, Chín Hòa được đồng chí Tạ Uyên - (lúc này là Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang) giới thiệu vào tổ chức Đảng cộng sản Đông Dương.
Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, là một sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt mới quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầu tiên của đồng chí Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt). Từ một thanh niên sống có hoài bão, ý chí nghị lực phi thường, từ lòng yêu quê hương, đất nước, cảm tình với cách mạng, rồi tham gia xông xáo các phong trào yêu nước ở địa phương, Phan Văn Hòa chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng sát cánh bên các anh em đồng chí của mình đứng trên lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và giải phóng cho giai cấp, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và vì hạnh phúc của Nhân dân. Anh đã hoạt động bằng tất cả nhiệt huyết, sự hăng hái của tuổi trẻ và nhanh chóng trở thành một cán bộ chủ chốt của xã Trung Hiệp, trở thành Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lãnh đạo mũi thứ ba đánh chiếm đồn và phà Bắc Nước Xoáy, cắt đứt chi viện của địch từ Vĩnh Long xuống.
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đàn áp, khủng bố những người yêu nước, theo sự điều động của tổ chức, đồng chí Phan Văn Hòa về hoạt động ở vùng U Minh thuộc Rạch Giá (Kiên Giang), chính thức thoát ly khỏi gia đình và địa phương.
Trong mỗi nhiệm vụ, trên mỗi chặng đường đấu tranh cũng như trong xây dựng đất nước “viên ngọc Võ Văn Kiệt” càng ngày càng được tôi luyện và tỏa sáng rực rỡ. Là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt. Những năm tháng tuổi thơ và quãng đường đầu đời khó khăn, gian khổ đã trui rèn cho ông một nghị lực nhẫn nại phi thường, ý chí quyết tâm để vượt lên chính mình và trở thành một vị Thủ tướng hết lòng vì nước, vì dân; một vị lãnh đạo quyết đoán, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân… phẩm chất ấy là một nét đặc trưng riêng có, góp phần khắc họa nên chân dung người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc Võ Văn Kiệt, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Nguyễn Thị Minh Trang
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long