Trạm BOT Cai Lậy gặp nhiều phản ứng khác nhau của giới tài xế - Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Từ năm 1995, trên cơ sở nội dung tập huấn nghiệp vụ do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động nghiên cứu dư luận xã hội của tỉnh. Tuy còn khó khăn, nhưng với sự nỗ lực và sáng tạo của bộ phận tham mưu giúp việc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì được các cuộc giao ban định kỳ hàng tháng.
Từ năm 2000 đến nay, sau đại hội đảng bộ tỉnh và đại hội đảng bộ các cấp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn Ban Tuyên giáo cấp huyện tham mưu cấp ủy kiện toàn lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội, triển khai, quán triệt Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư cho các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Hướng dẫn 167-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội được tổ chức có hệ thống từ tỉnh đến cơ sở (tổng số cộng tác viên cấp tỉnh là 35 đồng chí, cấp huyện và tương đương có 271 đồng chí), hoạt động ngày càng nâng chất, nề nếp, có hiệu quả và đi vào chiều sâu. Đa số cộng tác viên có quan điểm chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình trong công tác nắm bắt và phản ánh những thông tin được dư luận quan tâm.
Thông qua các cuộc họp giao ban dư luận xã hội và phản ánh trực tiếp qua nhiều kênh, mỗi năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và cấp ủy huyện, tương đương nhận, tổng hợp, xử lý hàng trăm thông tin phản ánh từ cộng tác viên và các địa phương, chuyển đến các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, tổ chức kiểm tra, thẩm định, kết luận và thông tin phản hồi, góp phần rất quan trọng giải tỏa những bức xúc của dư luận xã hội, nhất là đối với những lĩnh vực nhạy cảm, mới phát sinh liên quan đến việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của cấp ủy, chính quyền địa phương; về đời sống, sản xuất, an ninh trật tự, an toàn giao thông; việc giải tỏa, đền bù, di dời liên quan đến đất đai; vấn đề ô nhiễm môi trường…
Để tạo điều kiện và động viên lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy bố trí kinh phí để trang bị tài liệu nghiên cứu, đã giải quyết phần nào khó khăn, tạo động lực cho cộng tác viên tích cực tham gia công tác dư luận xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên một số vấn đề xã hội phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xung quanh việc thu giá dịch vụ của Trạm thu phí BOT tuyến tránh qua nội ô thị xã Cai Lậy trên quốc lộ 1A; tin đồn thất thiệt về sự linh thiêng của cá Hải tượng ở huyện Tân Phước, Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác có chứa ma túy; tình hình khiếu kiện kéo dài của một số hộ dân tại Khu Công nghiệp Long Giang...
Trước tình hình đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết bằng nhiều biện pháp cụ thể, đạt được một số kết quả quan trọng. Trước hết, thông qua lực lượng làm công tác dư luận xã hội, quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nội bộ; vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Công an tỉnh biên soạn tài liệu: “Tình hình an ninh trật tự, một số thủ đoạn tội phạm trong tháng và hướng dẫn nội dung phòng, chống tội phạm và tai, tệ nạn” in trong bản tin Thông tin thời sự của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản định kỳ hàng tháng (15.700 quyển/kỳ) dùng sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản, Tổ an ninh công nhân để định hướng dư luận và tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, góp phần nâng cao tính tích cực, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thực hiện tốt công tác phối hợp trên cơ sở các phương thức phối hợp công tác được quy định trong Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân” (như: Kế hoạch phối hợp công tác giữa Công an tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giai đoạn 2016-2020; Quy chế phối hợp giữa Cục Chính trị - Quân khu 9 với Ban Tuyên giáo 12 tỉnh ủy, thành ủy về công tác tuyên huấn, tuyên giáo; Phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Bảo hiểm xã hội tuyên truyền về pháp luật trên bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;…).
Thực hiện tốt công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội; duy trì giao ban cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở mỗi tháng một lần (đột xuất khi cần). Điểm mới trong giao ban dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mời một số ngành có ký kết chương trình phối hợp dự để nghe thông tin và trả lời trực tiếp những vấn đề có liên quan phản ánh của cộng tác viên, qua đó cộng tác viên nắm bắt để về cơ sở giải thích với nhân dân; bản thân một số cộng tác viên được Tỉnh ủy phân công là trưởng hoặc phó các sở, ngành nên thuận lợi trong trao đổi thông tin dư luận xã hội quan tâm. Thông qua giao ban và nắm bắt dư luận xã hội, mọi thông tin trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được cập nhật kịp thời, qua đó phản ánh với các ngành chức năng để có biện pháp giải quyết và trả lời dư luận; những thông tin liên quan trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân được quan tâm giải quyết ngay từ cơ sở, không để người dân bức xúc hoặc trở thành “điểm nóng”.
Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức 1- 2 cuộc điều tra dư luận xã hội nhằm cung cấp thông tin, làm cơ sở tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức phát phiếu điều tra những nội dung theo yêu cầu của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương. Riêng năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Viện Nghiên cứu dư luận xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 3 cuộc điều tra dư luận xã hội bằng phiếu, trong đó có 1 cuộc thăm dò ý kiến cán bộ và nhân dân xung quanh vấn đề đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy - nơi đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Song song đó, để kịp thời cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị báo cáo viên thông tin thời sự định kỳ bằng hình thức trực tuyến. Đây là lợi thế của tỉnh, vì thông qua trực tuyến từ Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo của tỉnh kết nối đến các huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, cán bộ, đảng viên được nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời, nguồn thông tin thống nhất đặc biệt là việc định hướng thông tin, từ đó giúp cho cán bộ, đảng viên hiểu đúng bản chất vụ việc để phối hợp tuyên truyền, giải thích trong nhân dân. Mô hình này còn được thực hiện để triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy và các sự kiện quan trọng khác, với hơn 200 điểm cầu và 25.000 cán bộ, đảng viên dự/sự kiện.
Nhờ chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, qua hơn 3 năm thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội ở Tiền Giang đã mang lại hiệu quả cao trong việc tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các giải pháp tiến hành công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, nhất là tham mưu đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên các mạng xã hội, phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thông qua việc duy trì giao ban dư luận xã hội hàng tháng đã tạo điều kiện nắm bắt, dự báo những diễn biến tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; qua đó tham mưu, đề xuất cấp ủy các giải pháp tiến hành công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trong những năm qua vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Lực lượng cộng tác viên thường xuyên biến động; khả năng nắm bắt, phân tích, dự báo của một số cộng tác viên còn hạn chế, nên việc nắm bắt dư luận có lúc không kịp thời, chưa bảo đảm tính đại diện của các tầng lớp nhân dân; một số ít thông tin mới chỉ phản ánh được sự kiện, sự việc, thiếu phân tích, đánh giá; tính xác thực, độ tin cậy của một số thông tin chưa cao, phản ánh chưa đầy đủ các luồng dư luận xã hội, thiếu tính phát hiện, dự báo, chưa đưa ra được những đề xuất, kiến nghị có tính thuyết phục, khả thi. Một số chủ trương, chính sách, quyết định quan trọng của Đảng, Nhà nước và của địa phương trước khi ban hành hoặc sau một thời gian thực hiện đã không tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội hoặc có thực hiện nhưng chất lượng thông tin còn thấp.
Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, cung cấp thông tin, tài liệu tài về những vấn đề lý luận, phương pháp và kinh nghiệm điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa những nội dung theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác này.
Thứ hai, chủ động, kịp thời nắm bắt, tổng hợp, phân tích tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các sự kiện, vấn đề quốc tế, trong nước, địa phương được dư luận xã hội quan tâm; phản ánh nhanh, khách quan tình hình dư luận của các tầng lớp nhân dân; đề xuất các giải pháp sát thực định hướng dư luận xã hội, làm tốt công tác tư tưởng, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Đổi mới nội dung, phương pháp điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội. Đề cao tính khoa học trong hoạt động điều tra xã hội học về dư luận xã hội. Tăng cường nghiên cứu lý luận về các cơ chế hình thành dư luận xã hội để tham mưu định hướng dư luận xã hội hiệu quả.
Thứ ba, rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, bảo đảm chất lượng, sự hợp lý về cơ cấu, phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương; kịp thời động viên, khen thưởng những cộng tác viên có nhiều nỗ lực trong việc nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội, thay thế các cộng tác viên không đáp ứng yêu cầu.
Thứ tư, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư. Trong quá trình thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, cần coi trọng việc vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; đồng thời nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố làm tốt công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội.
Đề xuất cấp ủy và Trung ương xem xét điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoạt động nghiên cứu dư luận xã hội được thực hiện thuận lợi và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân./.
Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang