Thứ Bảy, 21/12/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 22/11/2014 14:28'(GMT+7)

Đổi mới phương pháp đánh giá học sinh tiểu học: Cần sự tâm huyết của thầy cô và trách nhiệm của gia đình

Giáo viên còn lúng túng

Năm học 2014-2015, tỉnh Vĩnh Phúc có 174 trường tiểu học với gần 92.000 học sinh và 4.100 giáo viên tiểu học; trong đó, có hơn 3.000 giáo viên văn hóa. Để các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh áp dụng Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt hiệu quả, trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã cử 20 cán bộ của các trường tiểu học tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đồng thời, tổ chức cho 90 cán bộ, giáo viên tại 9 huyện, thành phố, thị xã tham gia tập huấn về kỹ năng đánh giá học sinh tiểu học. Tuy nhiên, trong một tháng triển khai, công tác này vẫn gặp phải một số bỡ ngỡ bước đầu về phía giáo viên như việc triển khai như thế nào để đánh giá chính xác, không tạo áp lực, đảm bảo khuyến khích học sinh vươn lên trong học tập.

Cô Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thông tư 30 có ưu điểm lớn là giảm áp lực cho học sinh về điểm số. Quy định mới này không chỉ nhằm vào kết quả mà còn động viên, khuyến khích học sinh phát huy hết khả năng của mình. Cách đánh giá này còn có sự tham gia của cả học sinh và phụ huynh, điều đó góp phần làm tăng sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường trong giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, việc chấm điểm đã là cái nếp từ xưa, ăn sâu vào tiềm thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh, rất khó thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cho biết, khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình đánh giá học sinh là phải suy nghĩ và lựa chọn những từ ngữ thích hợp với năng lực học tập của mỗi học sinh để nhận xét các em. Lời nhận xét vừa phải đánh giá đúng thực lực học, vừa phải có tính khuyến khích, động viên học sinh phấn đấu học tập.

Cùng ý kiến đó, cô Phan Thu Hà, giáo viên Trường tiểu học Đống Đa (thành phố Vĩnh Yên – tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Mỗi học sinh có năng lực học tập khác nhau. Vì thế, mỗi học sinh phải có một lời nhận xét khác nhau và lời phê phải chính xác với năng lực thực tế của học sinh, làm được điều này không dễ và mất rất nhiều thời gian. Do vậy, để có những lời nhận xét khách quan, giáo viên phải bám sát, theo dõi các em trong quá trình học tập và suy nghĩ kỹ, chọn từ ngữ phù hợp để đánh giá.

Khi thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật đánh giá. Muốn đánh giá sát học sinh, giáo viên phải nắm chắc, nắm chuẩn kiến thức của từng môn học, từng bài học và nắm chắc phẩm chất, năng lực của học sinh ở từng độ tuổi, từ đó quan sát từng học sinh để đưa ra được nhận định đúng, lời khuyên chính xác. Những nhận xét của giáo viên mang tính chất động viên, khích lệ để học sinh không bị áp lực khi mang điểm số về nhà, cũng như không bị phê phán, phân biệt đối xử giữa các học sinh - ông Phạm Thế Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.

Cuối tháng 10/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học khiến công việc này đã “dễ thở” hơn đối với đội ngũ giáo viên. Thay vì phải nhận xét từng ngày cho học sinh vào vở như trước, nay giáo viên chỉ nhận xét chung cho học sinh trên lớp, khi có trường hợp đặc biệt mới nhận xét vào vở và sẽ tiến hành nhận xét hàng tuần - ông Dũng cho biết thêm.

Phụ huynh và học sinh chưa hào hứng

Trong khi giáo viên băn khoăn về cách thức thực hiện, phụ huynh lại có những lo lắng riêng. Chị Nguyễn Thị Trang có con đang học ở Trường Tiểu học thị trấn Lập Thạch (huyện Lập Thạch – tỉnh Vĩnh Phúc) tâm sự: Từ trước đến nay, chúng tôi theo dõi việc học tập hằng ngày của con qua điểm số. Nay chuyển sang nhận xét, chúng tôi sẽ khó biết chính xác thực lực học tập của con mình đến đâu, yếu kém môn nào nếu giáo viên chỉ nhận xét học sinh một cách chung chung là đạt hay không đạt.

Đó cũng là trăn trở của nhiều phụ huynh khi tiếp nhận thông tin đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học. Trên thực tế, đa số học sinh và không ít phụ huynh vẫn thích con em mình được đánh giá việc học qua điểm số. “Nhiều phụ huynh đề nghị nhà trường bằng cách nào đó vẫn chấm điểm cho học sinh để họ biết được con em mình học tốt hay kém”, cô Loan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lập Thạch cho biết.

Không chỉ phụ huynh, mà học sinh cũng chưa hào hứng khi bỏ việc chấm điểm số cho các em. Em Phạm Ngọc Anh, lớp 5 Trường tiểu học thị trấn Lập Thạch, chia sẻ: Em thích được cô giáo chấm điểm hơn, vì em sẽ biết chính xác mình được bao nhiêu điểm. Từ năm học này, cô giáo chỉ viết những lời nhận xét vào bài làm của em nên em không biết chính xác kết quả của mình đạt như thế nào.

Chị Kiều Thị Chung (thành phố Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) có con đang học lớp 3 cho hay: Quy định mới này giúp học sinh có thể vừa học vừa chơi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi măng non. Các em không phải lo điểm thấp bị thầy cô phê bình, cha mẹ mắng. Tuy nhiên, những lời nhận xét chung chung, giống nhau của giáo viên làm tôi khó nắm bắt được tình hình học tập của con mình, vì vậy việc cho điểm vẫn là chuẩn xác hơn.

Bước đầu thực hiện Thông tư 30 vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên, nhưng với mục tiêu hướng tới một nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện, rất cần sự tâm huyết của thầy cô giáo và trách nhiệm của gia đình./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất