Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 21/11/2012 21:30'(GMT+7)

Phát triển giáo dục đại học theo hướng ứng dụng cao

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Đây là chương trình nằm trong kế hoạch triển khai giai đoạn 2 (2012-2015) của Dự án Phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam (POHE) được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan.

Theo đó, giai đoạn 1, dự án có sự tham gia của 8 trường đại học bao gồm trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên), Đại học Vinh.

Tại thời điểm kết thúc giai đoạn 1, đã có hơn 3000 sinh viên theo học các chương trình đào tạo được thiết kế lại theo tinh thần POHE.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết chất lượng đào tạo Đại học Việt Nam trong những năm qua nhìn chung còn hạn chế, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực hành của sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của các tổ chức sản xuất, kinh doanh và người sử dụng lao động.

Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là thiếu gắn kết giữa giáo dục với doanh nghiệp, với thị trường lao động. Nội dung và cấu trúc chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá còn chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội đất nước.

Dự án POHE giai đoạn 1 đã hỗ trợ một cách cụ thể và trực tiếp vào một vấn đề thiết yếu của giáo dục Việt Nam, giúp Việt Nam có những kinh nghiệm cần thiết để thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng đổi mới giáo dục đại học là 70%-80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp-ứng dụng trước năm 2020.

Trong giai đoạn 1, chương trình đào tạo POHE đã có được những thành tựu nổi bật như tạo được quan hệ với thị trường lao động mà đại diện là các công ty, cơ quan, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Các quan hệ này được củng cố và mở rộng thông qua các hội đồng chương trình, xây dựng chương trình, các chuyến đi thực tập, thực tế, làm đề án tốt nghiệp...

Các nhà tuyển dụng cũng được mời đến trường làm diễn giả, thỉnh giảng, trao đổi, nói chuyện giúp sinh viên có thêm kiến thức thực tế và rèn luyện kỹ năng mềm. Việc này cũng giúp các nhà tuyển dụng hiểu thêm trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình.

Như vậy, sinh viên có thêm kiến thức và nhà tuyển dụng thì không phải mất chi phí đào tạo lại. Mối quan hệ nhà trường-doanh nghiệp cũng giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn, nhiều em đã có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tại chính đơn vị mình thực tập.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng xem xét nhu cầu của thị trường lao động đối với giáo dục đại học; mối quan hệ nhà trường-doanh nghiệp và ý nghĩa đối với sự phát triển nhà trường; mối quan hệ thị trường lao động và trường đại học và sự đảm bảo cân bằng lợi ích của nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên; các biện pháp giải quyết với những lựa chọn chính sách mà các trường đại học đang phải đối mặt...

Các đại biểu cũng nêu ra những khuyến nghị nhằm triển khai hiệu quả hơn dự án trong giai đoạn tiếp theo như cần chú ý đến một nhân tố quan trọng là sự diễn đạt đúng năng lực của sinh viên về mặt kỹ năng khoa học, tri thức thực tiễn và những trải nghiệm với thế giới việc làm.

Trong giai đoạn 2, các trường trong vùng dự án sẽ tiếp tục triển khai các chương trình của POHE và trở thành hạt nhân thúc đẩy sự thực hiện chương trình trong các cơ sở giáo dục Đại học, trở thành những trung tâm đào tạo bồi dưỡng phương pháp, phát triển chương trình đào tạo POHE để phổ biến phương pháp tổ chức và quản lý đào tạo mới cho các trường khác trong cả nước./.

TH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất